Hà Nội: Vụ tranh chấp đã có ý kiến của Phó Thủ tướng, vì sao sau 9 năm vẫn chưa dứt điểm?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND TP Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính Phủ đều đã có văn bản báo cáo sự việc. Năm 2012, Phó thủ tướng Chính Phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch nước) đã có ý kiến kết luận. Vậy vì sao cho đến nay sự việc vẫn chưa dứt điểm?

Hai bên không đủ chứng lý

Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, tháng 12/1977, ông Nguyễn Duy Song là thiếu tá quân đội đóng quân tại xã Phú Minh (nay là phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm) “có đơn xin cấp đất” và được UBND xã, Hợp tác xã Phú Minh cấp đất để làm nhà ở.

Tuy nhiên từ khi được cấp đất, vì điều kiện công tác, ông Song không sử dụng mà cho bà Hoàng Thị Nụ ở. Bà Nụ có cháu gái là bà Phạm Thị Ngọc Thư. Bà Thư cho rằng, thửa đất đã được ông Song bán cho bà Nụ, sau đó bà Nụ bán cho bà.

Thế nhưng, theo UBND TP.Hà Nội thì “hồ sơ quản lý và chứng cứ thu thập không đủ cơ sở để xác định ở nhờ hay bán”.

Tại Báo cáo số 89/BC-BTNMT ngày 21/4/2007, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng: Gia đình bà Thư đã làm nhà ở từ năm 1978 đến nay, có tên trong sổ sách địa chính và các bản đồ năm 1987 và năm 1994 của xã Phú Diễn, đã kê khai và thực hiện nghĩa vụ với nhà nước thì gia đình bà Thư đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng lô đất trên.

Không đồng tình với ý kiến trên, UBND TP Hà Nội cho rằng, bà Thư không đủ căn cứ để chứng minh quyền sử dụng hợp pháp thửa đất vì những lý do sau:

Bà Thư trình bày là mua thửa đất của bà Nụ nhưng giấy nhượng đất viết tay của bà Nụ cho bà Thư không có xác nhận của chính quyền địa phương và mới được viết cách đây không lâu. Việc mua bán đất của bà Nụ và bà Thư là không hợp pháp.

Không có chứng cứ khẳng định ông Song đã chuyển quyền sử dụng đất cho bà Nụ hay bà Thư. Việc bà Nụ chưa từng là chủ sử dụng đất đã bán trao tay thửa đất cho bà Thư không được ủy quyền của chủ sử dụng đất là vi phạm khoản 4 Nghị quyết 125/CP ngày 26/8/1971 của Hội đồng Chính phủ.

Từ năm 1992, ông Bình (chồng bà Thư) được phân nhà mới, cả gia đình bà Thư chuyển về sinh sống tại C4 tập thể Hồ Quỳnh, phường Thanh Nhàn, quận Hai Bà Trưng, thửa đất không có người sử dụng.

Năm 1994, ông Song đến đòi lại thửa đất. Đến năm 2001, bà Thư mới về xây nhà trái phép trên thửa đất tại xã Phú Diễn, UBND xã Phú Diễn đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Quyết định chia đôi thửa đất

Cũng theo báo cáo, từ năm 1994, khi phát sinh tranh chấp, đòi quyền sử dụng đất của ông Song, UBND xã Phú Diễn đã xem xét, nhiều lần hòa giải nhưng không thành.

Ngày 12/11/2002, UBND huyện Từ Liêm có quyết định giải quyết khiếu nại, yêu cầu bà Thư trả lại thửa đất. Bà Thư có đơn khiếu nại tiếp, UBND thành phố đã giao Thanh tra thành phố kiểm tra, kết luận.

Ngày 15/3/2004, Thanh tra Thành phố có kết luận cả ông Song, bà Thư “đều không có quyền sử dụng hợp pháp thửa đất.

Ngày 18/7/2005, UBND TP Hà Nội ra Quyết định số 4887/QĐ-UB giải quyết khiếu nại cuối cùng của bà Thư, giao UBND huyện Từ Liêm xác định cụ thể trên thực địa để chia thửa đất đang có tranh chấp làm hai phần, mỗi bên tranh chấp một nửa để chấm dứt khiếu kiện.

“Trường hợp sau khi chia đất, gia đình nào còn có đơn thư khiếu nại thì UBND huyện Từ Liêm quyết định thu hồi diện tích dự kiến chia cho gia đình đó, giao cho UBND xã Phú Diễn quản lý, sử dụng để xây dựng nhà tình nghĩa hoặc cho các đối tượng chính sách xã hội khác làm nhà ở”, văn bản nêu rõ.

Ngày 9/8/2007, UBND huyện Từ Liêm đã có quyết định về việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật. Ngày 18/9/2007, các ban, ngành đã tổ chức đo, chia đôi thửa đất, đã có biên bản bàn giao đất. Gia đình ông Song đã ngăn đôi theo mốc giới đã được cắm.

Thửa đất xảy ra tranh chấp đang cần chỉ đạo từ UBND TP Hà Nội để giải quyết dứt điểm.

Thửa đất xảy ra tranh chấp đang cần chỉ đạo từ UBND TP Hà Nội để giải quyết dứt điểm.

“UBND TP đã xem xét cả về nguồn gốc và thực tế quản lý, sử dụng […], giải quyết khiếu nại […] đúng pháp luật, đúng thẩm quyền, có lý có tình, phù hợp với thực tế công tác quản lý đất đai của địa phương; Trên thực tế, quyết định này đã tổ chức thực hiện xong”, báo cáo số 9016 năm 2009 của UBND TP.Hà Nội nêu.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, ngoài các cơ quan của Hà Nội, sau đó cả Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh tra Chính phủ cũng đều đã “vào cuộc” xác minh, làm rõ.

Ngày 18/10/2012, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp có đại diện các ban ngành để giải quyết. Sau khi nghe ý kiến các ngành, Phó Thủ tướng đã kết luận: “Đồng ý với kiến nghị của UBND TP.Hà Nội tại Văn bản số 9016/UBND-TNMT ngày 17/9/2009 (theo hướng chia đôi thửa đất – PV) và Thanh tra Chính phủ tại Văn bản số 964/BC-TTCP ngày 27/4/2010”.

“Sự việc tranh chấp đã được các cấp, các ngành, thậm chí đã có chỉ đạo của Phó Thủ tướng, đã được các cơ quan có thẩm quyền cao nhất giải quyết. Sau đó có hộ đã gửi đơn kiện ra tòa thành phố về quyết định của thành phố năm 2005 (quyết định chia đôi thửa đất – PV) nhưng tòa không thụ lý vì đã quá thời hiệu khởi kiện. Như vậy, đến nay, quyết định của thành phố là quyết định cuối cùng và vẫn đang có hiệu lực”, ông Trương Quốc Cương – Phó chủ tịch phường Phú Diễn cho hay.

Lãnh đạo phường: Chờ ý kiến cấp trên

Như vậy có thể thấy, sự việc tranh chấp đã được các cấp giải quyết nhưng sau đó bà Thư vẫn tiếp tục có đơn khiếu nại.

Văn bản ngày 22/9/2017 của UBND TP.Hà Nội nêu: “Năm 2007, UBND huyện Từ Liêm đã tổ chức thực hiện việc chia đôi thửa đất đang tranh chấp. Ông Trần Quang Nhuận (được ông Nguyễn Duy Song ủy quyền) đã nhận phần diện tích đất được giao, dựng hàng rào ranh giới phân chia thửa đất; gia đình Bà (Thư) đã phá hàng rào và chiếm lại toàn bộ thửa đất”.

Mâu thuẫn kéo dài nhiều năm, thậm chí tên địa danh hành chính đã có sự thay đổi (nay là Phường Phú Diễn, Quận Bắc Từ Liêm). Và mặc dù, thành phố đã có quyết định và thi hành việc chia đôi thửa đất từ năm 2007. Năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý với kiến nghị này nhưng cho đến nay, phía gia đình ông Thắng (con trai cả ông Song, ông Song đã mất) vẫn gặp khó khăn khi sử dụng phần đất được chia.

Trong khi đó, về phía chính quyền địa phương phường Phú Diễn cũng chỉ mới dừng lại ở việc “mời các bên lên làm việc”.

“Bây giờ công dân phải có ý kiến với thành phố, thành phố có ý kiến chỉ đạo tới các cơ quan thực hiện vì bản thân quyết định đó (quyết định chia đổi thửa đất – PV) được thực hiện rồi, bây giờ thành phố yêu cầu rà soát lại quyết định đó thực hiện như thế nào? Và nếu thực hiện chưa xong thì phải chỉ đạo tiếp tục thực hiện chứ bây giờ phường rất khó”.

“Quan điểm của phường thì thành phố chỉ đạo như nào chúng tôi làm thế. Bởi chúng tôi là cơ quan tiếp quản”, ông Phó chủ tịch Phường Phú Diễn cho hay.

Tuy nhiên, với vai trò là chính quyền cơ sở - trực tiếp quản lý đất đai tại địa phương, trước việc công dân liên tục có đơn thư, tiềm ẩn phức tạp về an ninh trật tự, thiết nghĩ UBND phường Phú Diễn, UBND quận Bắc Từ Liêm cần chủ động có báo cáo thành phố, kiến nghị tháo gỡ vướng mắc (nếu có). UBND TP Hà Nội cần sớm có văn bản chỉ đạo giải quyết dứt điểm vụ việc đã kéo dài nhiều năm.

Báo PLVN sẽ tiếp tục tìm hiểu, theo dõi và thông tin.

Đọc thêm