Hà Nội: Vụ việc có nhiều khuất tất, kiến nghị công an quận Đống Đa sớm làm rõ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Diễn biến sự việc cho thấy rất nhiều điểm bất thường. Thế nhưng cho đến nay, Cơ quan CSĐT Công an Quận Đống Đa mới chỉ có thông báo ngắn gọn từ tháng 3/2019 là “chưa nhận được trả lời” của các cơ quan liên quan.

Bóng dáng công ty đa cấp

Thắp nén hương lên bàn thờ chồng – ông Nguyễn Hồng Thái, bà Nguyễn Thị Thuyết (trú tại số 2A, ngõ 125 đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) nước mắt ngắn dài.

Theo đó, ông Thái đã có đơn tố giác tội phạm gửi cơ quan công an từ năm 2018 nhưng đến khi ông qua đời vào đầu năm 2021 vẫn chưa nhận được kết luận giải quyết cuối cùng. Sự việc cho đến nay vẫn chưa được làm sáng tỏ. Nỗi lo âu bị đẩy ra đường khiến gia đình bà Thuyết thấp thỏm, lo âu.

Bà Thuyết tường trình lại sự việc.

Bà Thuyết tường trình lại sự việc.

Theo tường trình, khoảng tháng 3/2016, bà Thuyết gặp một số người nhận là nhân viên của Công ty CP nhượng quyền Thiên Lộc JSC (gọi tắt là Cty Thiên Lộc) rủ tham gia góp vốn để nhận hoa hồng.

Sau khi mang góp hết tiền tích cóp, bà Thuyết được những người này tỷ tê mang thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) mà gia đình đang ở.

Quá trình tham gia, bà nhận được một hợp đồng tham gia bán hàng đa cấp của Cty Thiên Lộc (người ký là ông Nguyễn Đức Lộc – giám đốc). Ngoài ra, còn rất nhiều phiếu gửi hàng, đặt hàng đại lý của Thiên Lộc. Tuy nhiên, thực tế bà Thuyết không hề nhìn thấy bất cứ hàng hóa nào.

Liên quan đến Cty Thiên Lộc, cuối năm 2018, CSĐT công an TP Hà Nội đã khởi tố vụ án hình sự “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại đây. Đa số bị hại trong vụ án là những người già, hưu trí, nông dân.

Có dấu hiệu giả mạo chữ ký, vân tay

Về việc thế chấp giấy tờ đất, bà Thuyết trình bày: “Khi tôi đưa sổ đỏ, họ có đưa tôi ký một số giấy tờ trắng, tôi có bảo để đọc xem nội dung gì thì họ bảo tôi biết gì đâu mà đọc”.

Điều đáng nói, ngoài việc có "dính" đến các giấy tờ với Cty Thiên Lộc, gia đình bà Thuyết hoàn toàn không biết việc thửa đất đã được sang nhượng cho người khác và sau đó được thế chấp vào ngân hàng. Mãi đến năm 2018 khi ông Thái có đơn gửi các cơ quan chức năng thì cả nhà mới tá hỏa.

Năm 2018, Phường Trung Hòa đã công khai 30 ngày nhưng không nhận được đơn thư nào liên quan đến GCNQSDĐ của gia đình ông Thái.

Năm 2018, Phường Trung Hòa đã công khai 30 ngày nhưng không nhận được đơn thư nào liên quan đến GCNQSDĐ của gia đình ông Thái.

Cụ thể, theo nội dung thay đổi ghi tại trang 4 GCNQSDĐ số AB 701840 mang tên ông Nguyễn Hồng Thái, bà Nguyễn Thị Thuyết thì toàn bộ thửa đất và tài sản gắn liền với đất trên đã được chuyển nhượng cho ông Nông Tuấn An (SN 1971) và bà Trần Thị Kiều Linh (SN 1975) vào ngày 10/5/2016.

Theo bản photo (do công an cung cấp) thì hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất số 430.2016/CNQSDĐ-QD được lập ngày 29/4/2016 “trước sự chứng kiến của Công chứng viên Văn phòng công chứng Quốc Dũng & Cộng sự”. Hợp đồng có đủ chữ ký và dấu vân tay của bà Thuyết, ông Thái.

Tuy nhiên, ngay từ khi ông Thái còn sống và dựa vào những tài liệu đối chứng khác, gia đình bà Thuyết khẳng định: chữ ký và dấu vây tay của ông Thái trên hợp đồng chuyển nhượng là giả mạo.

Ngoài ra, điểm mâu thuẫn là tại GCNQSDĐ do giám đốc chi nhánh Quận Cầu Giấy Phạm Hoài Nam ký tên đóng dấu thì hợp đồng chuyển nhượng do Văn phòng công chứng (VPCC) Hà Nội lập ngày 29/4/2016. Thế nhưng theo hợp đồng mà cơ quan công an cung cấp thì hợp đồng lại do VPCC Quốc Dũng & Cộng sự công chứng.

Về vấn đề này, đại diện VPCC Hà Nội xác nhận: “không có số HĐ 430/2016 liên quan đến HĐCC tại VPCC Hà Nội”.

Ngoài ra, bà Thuyết cũng khẳng định chưa bao giờ được gặp công chứng viên Kiều Thị Kiều Chung (VPCC Quốc Dũng & Cộng sự) cũng như vợ chồng người nhận chuyển nhượng (theo như nội dung hợp đồng) là anh An, chị Linh.

Cũng cần nói thêm, công chứng viên Kiều Thị Kim Chung cũng chính là người từng chứng thực hợp đồng ủy quyền có chữ ký giả mạo liên quan đến vụ án 3 cán bộ ngân hàng vướng vòng lao lý xảy ra ở Hà Nội.

Nếu như đã chuyển nhượng QSDĐ từ năm 2016 thì không có lý do gì để năm 2018, bà Trang vẫn hẹn trả sổ đỏ?

Nếu như đã chuyển nhượng QSDĐ từ năm 2016 thì không có lý do gì để năm 2018, bà Trang vẫn hẹn trả sổ đỏ?

Vậy nếu ông Thái, bà Thuyết không chuyển nhượng nhà, đất thì ai là người đã thực hiện những thủ tục này?

Như đã nói ở trên, sự việc bắt nguồn từ việc bà Thuyết bị mời gọi góp vốn vào Cty Thiên Lộc và cũng chính những người nhận là nhân viên của công ty này đã “hướng dẫn” và nhận của bà Thuyết giấy tờ nhà đất.

Tại giấy nhận nợ lập ngày 29/6/2016, bà Đỗ Thị Trang (SN 1978, cư trú tại ngõ Thịnh Hào 1, quận Đống Đa) xác nhận cho bà Thuyết vay số tiền 850 triệu đồng, thời hạn từ 29/6/2016 – 29/6/2017 và “thế chấp bằng quyền sử dụng đất”.

Biên bản xác nhận công nợ ngày 2/11/2017, bà Trang cũng vẫn xác nhận sau khi nhận được số tiền gốc và lãi sẽ “làm thủ tục trả lại sổ đỏ nguyên trạng như ban đầu”. Tại giấy hẹn trả sổ đỏ ngày 26/2/2018 cũng nêu “chị Đỗ Thị Trang hẹn cô Nguyễn Thị Thuyết tới ngày 2/5/2018 sẽ trả sổ đỏ”.

Vai trò của người tên Trang như thế nào là điều rất cần làm rõ, bởi nếu theo hợp đồng chuyển nhượng và nội dung thay đổi trên giấy chứng nhận thì việc mua bán đã được thực hiện từ tháng 4/2016, không có lý do gì để đến năm 2017,2018 vẫn "hứa trả sổ đỏ".

“Sự bất thường còn nằm ở chỗ, nếu có việc thế chấp nhà đất vay ngân hàng thì phải thẩm định tài sản bảo đảm thế nhưng trong suốt quá trình gia đình tôi sinh sống liên tục ở nhà đất nói trên không hề có cán bộ hay nhân viên ngân hàng đến thẩm định tài sản”, bà Thuyết cho biết.

Công an “vẫn chờ”, Thanh tra Ngân hàng đã nhận đơn

Từ những phân tích trên có thể thấy, sự việc có rất nhiều điểm khuất tất cần làm rõ. Thế nhưng, cho đến nay, Cơ quan CSĐT Công an Quận Đống Đa mới chỉ có Thông báo tạm đình chỉ giải quyết nguồn tin về tội phạm.

Cụ thể, thông báo từ tháng 3/2019 nêu: “Để phục vụ công tác giám định. Cơ quan CSĐT đã có công văn gửi UBND quận Cầu Giấy và Ngân hàng Sài Gòn Công Thương để thu thập chữ ký trong hợp đồng chuyển nhượng quyển sử dụng đất của nhà số 2A ngõ 125 Nguyễn Ngọc vũ; chữ ký trong các văn bản liên quan đến khoản vay sử dụng quyền sử dụng đất của ngôi nhà làm tài sản thế chấp nhưng chưa nhận được kết quả trả lời”.

Điều khó hiểu là, suốt từ khi ban hành thông báo nói trên đến nay đã hơn 2 năm, sự việc vẫn hầu như “lặng im” và có nguy cơ "chìm xuồng".

Cơ quan thanh tra, ngân hàng đã nhận được đơn, người dân mong muốn sự việc sẽ sớm được làm sáng tỏ.

Cơ quan thanh tra, ngân hàng đã nhận được đơn, người dân mong muốn sự việc sẽ sớm được làm sáng tỏ.

Để làm rõ vấn đề này, ngày 25/10, PV PLVN đã làm việc với đại diện Cơ quan Công an. Theo ông Ngô Quốc Tú (Đội điều tra Tổng hợp, Công an quận Đống Đa) thì: do vụ việc liên quan đến nhiều đầu mối, nhiều cơ quan, tổ chức, cơ quan công an đã có văn bản yêu cầu cung cấp hồ sơ liên quan “nhưng cho đến nay vẫn chưa được cung cấp đầy đủ”.

Trong một diễn biến khác, ngày 20/10/2021, Cơ quan Thanh tra, giám sát Ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) đã có văn bản chuyển đơn của gia đình ông Thái đến Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.Hà Nội đề nghị xem xét, xử lý theo quy định.

Trao đổi về vụ việc, luật sư Nguyễn Thị Oanh (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Bộ luật Tố tụng Hình sự và các văn bản có liên quan đã quy định rất rõ về việc giải quyết tin báo tố giác tội phạm. Khoản 4, Điều 5 Bộ luật Tố tụng Hình sự quy định: “Cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu và tạo điều kiện để cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thực hiện nhiệm vụ”. Do đó, việc đã hơn 2 năm trôi qua nhưng cơ quan điều tra vẫn chưa nhận được đầy đủ tài liệu theo yêu cầu là khó có thể chấp nhận.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Điều 175 Bộ luật Hình sự. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

g) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Đọc thêm