Hà Nội vừa mở cửa vừa đánh giá thận trọng

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hà Nội đã cơ bản kiểm soát dịch bệnh và bắt đầu nới lỏng giãn cách, phục hồi kinh tế. Tuy nhiên, nguy cơ bùng phát vẫn hiện hữu vì đã phát sinh một số ổ dịch phức tạp, nên thành phố vẫn thận trọng trong việc mở cửa các hoạt động.
Hà Nội vẫn đang thận trọng nới lỏng biện pháp phòng chống dịch.
Hà Nội vẫn đang thận trọng nới lỏng biện pháp phòng chống dịch.

Từng bước nới lỏng, phục hồi kinh tế

Từ ngày 16/9 đến nay, Hà Nội đã từng bước nới lỏng một số hoạt động để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng lãnh đạo thành phố xác định rủi ro còn rất lớn vì tỉ lệ người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm 2 mũi vaccine còn thấp, người dân từ 18 tuổi trở xuống thì chưa được tiêm vaccine. Song để vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, lãnh đạo thành phố vẫn luôn xác định những rủi ro, mất an toàn có thể ập đến bất cứ lúc nào. Trường hợp xảy ra tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trong những ngày qua là một ví dụ.

Quan điểm của TP Hà Nội là không mở ồ ạt mà mở dần từng bước, vừa mở vừa đánh giá thận trọng, kết hợp tăng cường tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, xác định phòng dịch hơn chống dịch.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết, Hà Nội sẽ tập trung chuyển trạng thái từ “không COVID-19” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh như Chính phủ chỉ đạo. Hà Nội cũng sẽ tiếp tục nâng cao ý thức phòng, chống dịch của người dân, doanh nghiệp để hai chủ thể này thực sự là trung tâm. Nâng cao năng lực của hệ thống y tế từ thành phố xuống cơ sở, đưa dịch vụ y tế đến gần người dân nhất; đồng thời kiến nghị Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện phân bổ vaccine để trong tháng 10/2021 cơ bản tiêm phủ mũi 2 cho toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên.

UBND TP Hà Nội đã và đang triển khai kế hoạch tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, chú trọng 3 nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt từ nay đến cuối năm là: Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản; điều hành, thu - chi ngân sách hiệu quả, đúng hướng; đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường đối thoại, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Nới lỏng để thực hiện mục tiêu kép là tất yếu

Chia sẻ về vấn đề Hà Nội có nên mở cửa, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng Khẩn cấp các sự kiện y tế công cộng cho hay, tình hình dịch ở Hà Nội vẫn trong tầm kiểm soát và được khống chế để không bùng phát. Hà Nội đã cấm các hoạt động tụ tập đông người, cấm các hoạt động có nguy cơ từ rất sớm và đã thành công. Đến lúc này khi dịch đã ổn định thì cũng nên mở nhưng cần quy định số người và đặc biệt thực hiện nghiêm và tốt 5K, quy định giới hạn về số người, giãn cách trong cửa hàng…

Cũng theo ông Trần Đắc Phu, việc nới lỏng để thực hiện mục tiêu kép là tất yếu. Thủ tướng đang giao cho Bộ Y tế xây dựng Bộ tiêu chí. “Hà Nội không đóng mãi được vì là Thủ đô, là đầu mối của giao lưu, có nhiều công trình kinh tế trọng điểm, vấn đề đi lại của người dân đến Thủ đô rất quan trọng, rồi vấn đề học sinh trở lại trường học… Theo tôi, ở các vùng, chỉ những vùng phong toả mới phải thực hiện nghiêm ngặt. Các vùng còn lại vẫn có thể nới lỏng từng hoạt động, có phương án cho hoạt động đó như thế nào, sản xuất kinh doanh ra sao, lên phương án mở chợ, phương án mở ăn uống, việc thực hiện an toàn cho khu phố, làng xã… để khi mở dịch vẫn kiểm soát được nhưng không bùng phát lên”, ông Phu nói.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh đến việc phòng chống COVID-19 trong bệnh viện phải đặt lên hàng đầu, bởi nguy cơ dịch vào bệnh viện rất phức tạp. Tôi cho rằng, phải thực hiện tốt các quy định của Bộ Y tế và phải quyết liệt hơn, siết chặt hơn vấn đề tiếp đón, phân luồng, xem xét lại quy trình chống nhiễm khuẩn. Làm sao hạn chế tiếp xúc giữa các đối tượng trong bệnh viện. Thường xuyên xét nghiệm định kỳ, đột xuất để nếu có xuất hiện ca bệnh thì cũng không lan mạnh ra cộng đồng để đỡ vất vả và tốn kém và ảnh hưởng đến hoạt động của bệnh viện…

Đọc thêm