Hạ tầng giao thông và “oan Thị Màu”

(PLO) - Ông Bộ trưởng Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông vận tải (GTVT) và Du lịch Nhật Bản từng nói rằng: Nếu có tiền cần phải làm gì đầu tiên, đó là giao thông; và nếu có tiền nữa thì vẫn là làm giao thông. Điều này cho thấy, trên thế giới, giao thông là quan trọng nhất để phát triển nền kinh tế. Đối với Việt Nam, không ngoại lệ. Đến với vùng sâu, vùng xa Việt Nam sẽ cảm nhận được câu: đường đến đâu, văn minh đến đó.
Hình minh họa
Hình minh họa

Và cũng không riêng Việt Nam, các nước phát triển đã từng loay hoay với “bài toán” vốn để đầu tư phát triển giao thông. Cách đây 20 năm, hạ tầng giao thông của Hàn Quốc giống như Việt Nam hiện nay. Có điều họ khác Việt Nam ở chỗ cách làm.

Toàn bộ các dự án công tư (PPP) của họ được Bộ Đất đai, Hạ tầng và GTVT nghiên cứu bài bản, sau đó nghiên cứu độc lập, đánh giá thẩm định tập trung. Các dự án được phân loại, cái nào hiệu quả thì mời gọi hợp tác PPP, "xương xẩu" thì Nhà nước làm. Ta thì làm theo phong trào “trăm hoa đua nở”.

Hành lang pháp lý của họ cũng rất rõ ràng và bảo vệ nhà đầu tư. Luật về PPP của Hàn Quốc nêu rõ, nếu có quy định xung khắc với luật khác thì ưu tiên áp dụng luật PPP. Hiện Hàn Quốc là một trong những nước có cơ sở hạ tầng tốt bậc nhất châu Á. Hàn Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới cũng bắt đầu từ giao thông.

Chúng ta, cũng đã giải quyết xong về nhận thức: giao thông là một trong ba “điểm nghẽn” của phát triển, thế nhưng đến nay vẫn loay hoay vô cùng về vốn. Mỗi năm kinh phí ngành Giao thông được duyệt chỉ khoảng 23% kế hoạch. Bộ GTVT từ năm 2016 - 2020 không được thực hiện dự án nào mới, chỉ trả nợ xây dựng cơ bản. Nói chung, không khí đầu tư là ảm đạm.

Theo một lãnh đạo Bộ GTVT, Bộ này đang triển khai Dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đã được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 21/10/2017) với mức đầu tư 55.000 tỷ đồng, trong đó huy động 51.000 tỷ đồng từ nhà đầu tư và cả ngân hàng. 3 dự án đầu tư bằng ngân sách, 8 dự án là BOT (Nhà nước cổ phần và doanh nghiệp góp cổ phần). Nhà nước hỗ trợ 38-40% gồm giải phóng mặt bằng để nhà đầu tư cảm thấy bớt rủi ro. 

Điều đáng tiếc nhất cho Việt Nam, bên cạnh việc thiếu vốn là việc đầu tư dàn trải, đặc biệt là tuổi thọ công trình ngắn. Nếu ai đi qua QL1 từ Thanh Hóa đến Cần Thơ (đại công trường được đưa vào khánh thành toàn bộ Dự án năm 2015) thì sẽ thấy. Hầu hết đã sụt lún, hằn vệt bánh xe, thường xuyên phải thảm lại. Câu chuyện đường cao tốc hơn 34.000 tỷ đồng Đà Nẵng - Quảng Ngãi vừa khánh thành hôm 2/9 năm nay để “kỷ niệm” cho thấy chất lượng công trình giao thông đang là vấn đề lớn, quan trọng không kém gì “khát” vốn.

Để giải quyết vốn, chúng ta cần một tầm nhìn dài hạn, căn cơ, khung pháp lý chặt chẽ, hấp dẫn nhà đầu tư. Vì thế, câu chuyện “thiếu vốn” nếu tách ra nhiều khi thành… oan như Thị Màu!