Làm giả, hạ giá trị dây chuyền sản xuất?
Theo Bản án sơ thẩm số 08/2016/HSST, ngày 20/4/2016 của TAND tỉnh Hà Tĩnh: Cty CP hợp tác kinh tế Việt Séc (Cty Việt - Séc) có ngành nghề kinh doanh khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng…
Trong đó Cty Sezako Prerov (Cộng hòa Séc) đăng ký góp 60% vốn đầu tư bằng tất cả trang thiết bị dây chuyền công nghệ máy móc đồng bộ cho khai thác và chế biến đá xây dựng; Cty CP Vận tải thương mại Đức Huy và Cty TNHH Như Nam góp 40% vốn, ông Phan Công Hiền là người đại diện pháp luật và là giám đốc, ông Jan Svrcek (quốc tịch Séc) là Chủ tịch HĐQT.
Thực hiện hợp đồng thỏa thuận góp vốn ngày 10/4/2008, từ tháng 12/2008 - 5/2009, Cty Sezako đã chuyển 5 lô hàng máy móc công nghệ khai thác chế biến đá bằng đường biển qua cảng Hải Phòng. Khi đi nhận hàng, ông Hiền đã làm các hợp đồng cung cấp hàng hóa giả cùng hóa đơn thương mại giả thay thế cho Hợp đồng thỏa thuận góp vốn của Cty Sezako, rồi thuê một người có tên là Hoàng Ngọc Tân làm dịch vụ mở tờ khai nhận hàng.
Bản án cho rằng từ tháng 1/2009 đến tháng 6/2009, ông Hiền chỉ đạo và trực tiếp đọc cho Nguyễn Thị Thành Tâm (kế toán) đánh máy 4 hợp đồng cung cấp hàng hóa, máy móc thiết bị và ghi loại hàng, trị giá từng lô theo hóa đơn thương mại giả. Ông Hiền ký, đóng dấu vào phần đại diện Cty Việt - Séc trên 3 hợp đồng 01, 02, 03/2009 và giao cho ông Phan Công Vinh ký hợp đồng 04/2009.
Trên các bản hợp đồng đều có chữ ký giả của ông Jan Svrcek - đại diện Cty Sezako. Ông Hiền giao cho Vinh thuê Hoàng Ngọc Tân sử dụng các hợp đồng đó lừa dối cơ quan Hải quan để nhận 5 lô hàng của Cty Sezako góp vốn đầu tư. Thông qua các hợp đồng giả, đã hạ thấp giá trị góp vốn của Cty Sezako từ 882.025USD xuống còn 389.600USD.
Tuy nhiên theo những bằng chứng ông Hiền cung cấp thì dây chuyền góp vốn của Cty Sezako không phải là dây chuyền mới có giá trị 882.025USD mà chỉ là dây chuyền đã qua sử dụng và được sơn lại (kết luận giám định của Cty giám định và chuyển giao công nghệ - ICT cho biết điều đó), cho dù khi ký hợp đồng góp vốn cam kết “một dây chuyền nghiền sàng đá đồng bộ phù hợp với khí hậu và đảm bảo môi trường ở Việt Nam, công suất phải đảm bảo 250T/h, công nghệ mới và tiên tiến”.
“Theo nguyên tắc hải quan không cho thông quan, nhưng để hợp thức thủ tục hải quan, công chức hải quan đã yêu cầu người làm dịch vụ kê khai hải quan bổ sung hợp đồng mua bán hàng hóa cho phù hợp với chất lượng dây chuyền đã qua sử dụng. Tôi đã cho phép người dịch vụ khai hải quan thực hiện hướng dẫn của công chức hải quan, nhưng không biết đó là cái bẫy “giấy tờ con” lẽ ra không phải bổ sung”, ông Hiền cho biết.
Nhiều vấn đề cần làm rõ thêm
Ông Hiền cho biết thêm, hồ sơ hải quan dây chuyền nghiền sàng đá góp vốn trước khi bổ sung hợp đồng mua bán hàng hóa đã có danh mục nhập khẩu được Sở Công Thương Hà Tĩnh cho nhập khẩu (Bút lục/166HS-VA), đã có hợp đồng thỏa thuận góp vốn của các cổ đông ngày 10/4/2008 (BL/583HS-VA), các giấy tờ trên có giá trị pháp lý tương đương hợp đồng. Văn bản hợp đồng mua bán hàng hóa do công ty khai bổ sung chỉ là “giấy tờ con”. Hợp đồng đó không phải là tài liệu liệt kê khai hải quan, không phải là đối tượng phạm tội.
“Đã là “giấy tờ con” thì không thuộc thủ tục hành chính theo quy định của Nhà nước. Giả sử ông Hiền đã ký giả danh ông Jan cvrcek, hoặc chính thức ông Jan cvrcek ký tên đóng dấu thì văn bản hợp đồng đó cũng không phải tài liệu pháp lý để nhân viên hải quan cho thông quan, lưu hồ sơ hải quan. Không phải chứng cứ pháp lý để các bên góp vốn xác nhận trị giá tài sản góp vốn. Vì trước đó hồ sơ hải quan đã có đủ tài liệu kê khai hải quan”, ông Nguyễn Công Lượng, bào chữa viên nhân dân của vụ án cho biết.
Có nhiều vấn đề cần làm rõ trong vụ án này là tại sao góp vốn bằng dây chuyền đã sử dụng rồi, nhưng lại đòi hỏi chứng nhận cổ phần lên hơn 1 triệu USD. Phía Cty Sezako yêu cầu Cty Việt - Séc (bên nhận tài sản) công nhận trị giá tài sản góp vốn là 1.160,390USD, nhưng cổ đông Cty Đức Huy do ông Hiền người đại diện góp vốn sáng lập Cty Việt - Séc không chấp nhận, với lý do: Trước khi ký kết đầu tư Cty Sezako đã cung cấp cho phía Cty Đức Huy báo giá dây chuyền mới chưa sử dụng chỉ có 561.459USD; giá chào hàng của Hãng DSP Prerov – Cộng hòa Séc nhà phân phối Cty Tân Đại Lợi TP.HCM giá công nghệ mới chỉ là 564.232USD; giá Cty Sezako thu mua dây chuyền thải loại về gia công góp vốn cho Cty Việt - Séc là 110.669 USD.
Tại Công văn 183/Cv-CSĐT (Bút lục 306 hồ sơ vụ án) Cơ quan CSĐT yêu cầu ông Jan Svrcek cung cấp: “...Nguồn gốc xuất xứ của dây chuyền nghiền sàng đá, hợp đồng mua bán, hóa đơn mua bán, chứng từ chuyển tiền...thời gian cung cấp trước ngày 28/6/2014. Quá thời gian trên mà không cung cấp thì cơ quan điều tra sẽ xử lý đơn theo quy định luật tố cáo”. Nhưng đến ngày 20/4/2016, tại phiên tòa người tố cáo (ông Jan Svrcek) vẫn không cung cấp được theo yêu cầu.
Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này.