Hà Tĩnh: Xây dựng nông thôn mới sinh... "cát tặc"

(PLO) - Dưới sông, thiết bị sục hút cát hoạt động suốt ngày đêm; trên bờ, xe tải  băm nát đường để vận chuyển cát lậu… Thực trạng này đang tồn tại nhức nhối ở huyện miền núi Hương Khê (Hà Tĩnh) do thiếu quy hoạch trong khai thác khoáng sản và áp lực từ việc xây dựng nông thôn mới.
Điểm khai thác cát “lậu” tại xã Phúc Đồng.
Điểm khai thác cát “lậu” tại xã Phúc Đồng.
“Chảy máu” tài nguyên
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo PLVN, tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Nổ và sông Ngàn Sâu (Hương Khê) gần đây vẫn diễn biến rất phức tạp. Thực tế có mặt tại sông Nổ (đoạn gần cầu Phúc Đồng, xã Phúc Đồng, huyện Hương Khê), chúng tôi chứng kiến cảnh nhiều người với thuyền, máy hút đang sục những chiếc ống như “vòi bạch tuộc” cắm sâu vào đáy lòng sông để hút cát; phía trên bờ  là hàng chục xe tải vừa và nhỏ đang chạy rầm rập trên hai bên bờ sông để vận chuyển cát lậu ra khỏi địa bàn. Do hoạt động khai thác diễn ra thường xuyên nên bờ sông chỗ lồi, chỗ lõm, nhiều đoạn sạt lở mất hẳn chân…
Cách địa điểm nói trên không xa, ngay sát cạnh quốc lộ 15A (đường nối từ TP.Hà Tĩnh đến huyện Hương Khê), “cát tặc” còn tự ý mở hẳn một “con đường dã chiến” nối từ quốc lộ xuống bờ sông để hút và vận chuyển cát. Theo người dân địa phương, điểm cát lậu này có từ lâu, ngang nhiên hoạt động dù địa điểm khai thác cách trụ sở UBND xã Hà Linh không xa. 
Trao đổi với phóng viên, Giám đốc một doanh nghiệp vận tải đóng trên địa bàn huyện Hương Khê cho biết: “Nạn “cát tặc” lộng hành trên địa bàn là có thật, và không chỉ tại các địa điểm thuộc xã Phúc Đồng và Hà Linh mà còn xuất hiện ở các xã Hương Thủy, Phương Mỹ… Do hiện nay người dân đang có nhu cầu lớn về cát để xây dựng trong khi chưa có đơn vị nào được cấp phép khai thác hợp pháp nên “hở” ra là người ta xúc trộm…”.
Công trình “khát” cát
Lý giải về thực trạng nói trên, ông Trần Quốc Việt, Phó Trưởng phòng TN&MT huyện Hương Khê cho biết: “Địa điểm hút cát tại xã Phúc Đồng chưa hề được cấp phép khai thác. Điểm khai thác tại xã Hà Linh, chúng tôi giao trách nhiệm cho xã phải xử lý. Nguyên nhân của việc trộm cát bắt đầu từ cung - cầu ở địa phương. Hiện, huyện Hương Khê gồm có 22 xã và thị trấn, trong đó chỉ có 2 xã về đích nông thôn mới, 19 xã còn lại đang trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Các công trình phúc lợi như: điện, đường, trường, trạm… đang trong quá trình kiến thiết xây dựng. Xi măng thì tỉnh cho nhưng cát thì không. Do vậy, nhu cầu của người dân, chính quyền địa phương đối với cát đang rất lớn”. 
Cũng theo Phó phòng Việt, nhu cầu thì cao, tuy nhiên hiện nay trên địa bàn huyện Hương Khê lại đang tồn tại bất cập đó là chưa có mỏ cát nào được tỉnh cấp phép để đi vào hoạt động theo đúng quy định. Vì  thế, muốn có cát dùng thì người dân phải đi mua cát từ các huyện khác trong tỉnh hoặc phải mua cát từ tỉnh Quảng Bình vì Hương Khê vốn là một huyện miền núi. Được biết, huyện dù đã rất quyết liệt đối với “cát tặc”, nhưng trên thực tế không quản lý hết được. Vấn đề này không chỉ là áp lực đối với cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên của huyện mà còn đối với chính quyền các xã, nơi ngày đêm nạn “cát tặc” đang hoành hành. 
Được biết, trước nhu cầu ngày một lớn về cát dùng trong xây dựng, UBND huyện Hương Khê đã đánh giá thực tế và có Tờ trình đề nghị có quy hoạch cấp phép gửi UBND tỉnh Hà Tĩnh. Thậm chí, có  đơn vị đã đứng ra xin cấp phép và đã hoàn tất thủ tục hồ sơ chỉ chờ phê duyệt, nhưng đến nay UBND tỉnh Hà Tĩnh vẫn chưa có động thái, nên dù có hô hào hay đi kiểm tra để chấn chỉnh vẫn không giải quyết triệt để được tình trạng lộn xộn trong khai thác khoáng sản tại huyện này.

Đọc thêm