Dám nghĩ, dám làm
Tại Hội chợ Công thương vùng Bắc Trung bộ 2020 mới diễn ra tại TP Vinh (tỉnh Nghệ An), có một gian hàng khá đặc biệt, trưng bày bình trà, cốc chén, khay nước, hộp tăm…được làm từ cây tre thu hút sự chú ý của nhiều người. Hai nam nhân viên bán hàng, kiêm giới thiệu sản phẩm cũng chính là những người thợ đã tạo ra những bình trà, cốc chén ấy.
Đảm nhận vai trò giám đốc công ty nhưng trông anh Thái Đăng Tiến (SN 1987) rất chất phát. Với cách nói chuyện mộc mạc, anh Tiến giới thiệu: Bình trà, bình hoa được làm từ gốc tre; ly, chén được làm từ thân; còn những cán gáo múc rượu kia được làm từ tay tre (cành). Cây tre gần như được chúng tôi sử dụng hết, chỉ trừ mỗi lá. Mà nói thế cũng chưa đúng khi lá được dùng để nhen lửa, luộc tre…
Chia sẻ về ý tưởng khởi nghiệp, anh Tiến cho biết: Anh sinh ra và lớn lên giữa bạt ngàn tre, trúc, mét ở xã Châu Khê (huyện Con Cuông, Nghệ An). Tre Trà Lân quê anh là một địa danh đã đi vào lịch sử trong Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi “miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Nhận thấy thực trạng người dân trồng tre, mét vất vả mà thu nhập chẳng đáng bao nhiêu khiến anh luôn trăn trở. “Chẳng lẽ dân mình cứ nghèo đói khi sống trên tài nguyên vô giá”, Tiến trăn trở và quyết tìm hướng đi mới cho tre quê mình.
|
Một nguyên nhân nữa khiến chàng trai Trà Lân quyết định theo đuổi ý tưởng khởi nghiệp từ tre là bởi trước đây anh từng kinh doanh các sản phẩm về gỗ. Quá trình làm việc, anh nhận thấy nguồn tài nguyên gỗ ngày càng cạn kiệt, nguy cơ tàn phá môi trường, trong khi nguồn tài nguyên từ trúc, tre thì hầu như vô tận do có thể tái sinh trong thời gian ngắn và là sản phẩm “xanh”. Quyết là làm, anh Tiến bắt tay vào triển khai ý tưởng,thành lập công ty Trà Lân BAMBO.
Cộng sự đắc lực của anh không ai khác chính là người em trai cùng chí hướng tên Thái Đăng Dũng (SN 1990). Dũng thừa nhận bản thân sinh ra và lớn lên ở miền đất bạt ngàn cây tre nhưng chưa bao giờ nghĩ đến việc sẽ khởi nghiệp bằng loại cây này. Dù trước đó, Dũng từng có 5 năm kiếm sống bằng nghề liên quan đến cây tre.
Thời điểm đó anh chuyên cung ứng tre cho các công trình xây dựng.Sau nhiều năm làm thuê, một suy nghĩ đã nhen lên trong đầu Dũng về giá trị kinh tế của tre Trà Lân. “Tôi nghĩ,tre quê mình đầy rẫy, sao mình cứ như anh làm thuê, chặt tre đi bán với giá trị thấp mà không tận dụng nguồn nguyên liệu khổng lồ này để sản xuất mỹ nghệ, tăng giá trị của nó?. Những suy nghĩ đó khiến tôi trăn trở”, Dũng chia sẻ.
|
Anh Thái Đăng Tiến. |
Khi ý tưởng của Dũng trùng với anh trai, cả hai đã bắt tay, động viên nhau để làm công việc mà trước đó ở quê mình chưa ai dám thử. Hai anh em gom góp vốn liếng, cầm cố đất cho ngân hàng để đầu tư thành lập công ty.
“Nhưng khi đi vào làm kinh tế mới thấy mọi chuyện không đơn giản như mình nghĩ, cái gì cũng phải học. Tạo hình sản phẩm như thế nào? Xử lý mối mọt, nhuộm màu ra sao để vẫn phải đảm bảo an toàn cho người sử dụng? Anh em cứ vừa học, vừa làm rồi mọi thứ cũng đi vào quỹ đạo với tiêu chí sản phẩm xanh - sạch, an toàn với người dùng và môi trường”, anh Tiến chia sẻ.
Tự tin đưa sản phẩm “xanh” ra thị trường
Sau thời gian hoạt động, xưởng mĩ nghệ của anh Tiến thu hút gần chục thợ lành nghề. Lúc cao điểm, nhân công trong xưởng lên đến 15 lao động. Cầm bộ uống trà bằng rễ tre xù xì trên tay, anh Tiến bộc bạch, nghề này tỉ mẩn lắm, phải có đam mê, có tâm hồn mới làm được. Và, để làm ra một sản phẩm từ tre quả không hề đơn giản. Có không ít lần Tiến cùng cộng sự hì hục làm, đẽo, gọt… nhưng cuối cùng phải vứt bỏ.
Chàng trai trẻ không giấu nghề mà bật mí: làm công việc này thì vấn để xử lí nguyên liệu là khâu kỳ công và mất nhiều thời gian nhất. Tre mua về phải luộc với muối trong vòng 48 tiếng đồng hồ. Mục đích là diệt khuẩn và triệt tiêu lượng đường trong cây tre để chống mối mọt. Sau khi vệ sinh lại phải sấy khô. Tiếp đến là tạo hình sản phẩm. Rồi lại tiếp tục sấy khô, làm sao để độ ẩm của sản phẩm giảm về 5%.Trước khi sấy lần hai, phải vệ sinh phần trong của sản phẩm. Tiến cho biết, đây là bí quyết mà không ở đâu dạy cả, ai cũng giấu nghề.
|
Anh Tiến chia sẻ về ý tưởng tạo những sản phẩm “xanh” từ tre Việt. |
Chia sẻ cụ thể về việc sản xuất sản phẩm từ ống tre, anh Tiến cho biết không quá phức tạp vì bản thân nó đã có thể định hình được sản phẩm, chỉ cần sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ. Bởi vậy, mức giá của sản phẩm cũng khá bình dân, từ 20 đến 150 nghìn đồng, tùy từng loại sản phẩm. Nhưng các sản phẩm từ gốc tre đòi hỏi sự sáng tạo và công sức nhiều hơn.
Để chọn được những gốc tre có giá trị nghệ thuật, anh Tiến phải thuê máy múc lên rừng đào rễ tre tìm nguyên liệu. Gốc tre sau khi rửa sạch, phơi khô, xử lý để chống mối mọt sẽ được các thợ tiện chế tác thành sản phẩm, chủ yếu là ấm pha trà, cốc hay bình cắm hoa. Do gốc cây tre rất cứng, lại đâm rễ tua tủa, trông khá xù xì nên người thợ phải có một ít kiến thức về hội họa, tạo hình mới có thể chọn gốc nào sẽ phù hợp với loại sản phẩm nào để chế tác.
Công đoạn khoét lõi đòi hỏi sự khéo léo, cẩn trọng bởi chỉ cần lưỡi dao đi chệch quỹ đạo thì gốc tre chỉ còn là thứ vứt đi. Những phần như nắp ấm, tay cầm, vòi nước... cũng được dùng từ những phần cành, rễ, nhánh của cây tre.Cũng bởi được chế tác từ phần gốc, rễ của cây tre nên các sản phẩm dù cùng chủng loại cũng không thể giống nhau mà sẽ mang nét đẹp riêng biệt. Do vậy, mức giá của sản phẩm cũng khác nhau, giao động từ 500 nghìn đến 1,5 triệu đồng tùy vào độ tinh xảo.
|
Sau gần nửa năm hoạt động, hiện các sản phẩm từ tre Trà Lân đã được trưng bày, giới thiệu và bán cho du khách một số điểm du lịch nội tỉnh. Sản phẩm của công ty khá đa dạng, từ những bộ ly uống trà xinh xắn, thìa gỗ, hộp đựng bút, thân bút bi, cốc uống nước cho đến bình hoa hay những bộ ấm chén tinh xảo, cầu kỳ.
Hiện nay ngoài việc giới thiệu tại các khu du lịch trong tỉnh, những sản phẩm từ tre của anh em Tiến còn được quảng bá qua mạng xã hội. Dũng vui mừng vì bước đầu đã nhận được những đơn đặt hàng của khách nước ngoài. Sự phản hồi tích cực của khách hàng giúp cho những chàng trai miền sơn cước càng có thêm động lực để phát triển nghề mĩ nghệ.
|
Những sản phẩm được làm từ tre nhờ bàn tay tài hoa của anh Tiến và các cộng sự. |
Dù biết con đường phía trước còn lắm chông gai, thử thách nhưng anh Tiến, anh Dũng và những người thợ luôn tin rằng những sản phẩm có thẩm mỹ, công năng sử dụng cao, lại an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường sẽ được người tiêu dùng tin tưởng lựa chọn. Tất nhiên, để làm những điều đó anh Tiến cùng các cộng sự sẽ nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm từ cây tre có tính đột phá, mang bản sắc riêng và mẫu mã thiết thực hơn cho người dùng.
Đánh giá cao ý tưởng sản xuất các sản phẩm mỹ nghệ của anh em Tiến, ông Nguyễn Đình Hùng - Bí thư Huyện ủy Con Cuông cho biết, dự án khởi nghiệp của anh em Tiến không chỉ nâng cao hiệu quả kinh tế của cây tre vốn rất sẵn, rất nhiều ở Con Cuông mà còn tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, góp phần bảo vệ môi trường. Ông hy vọng với ý tưởng táo bạo này sẽ là một bước đột phá trong khởi nghiệp của thanh niên miền núi Con Cuông.