Hai đại gia hiện thực hóa giấc mơ ô tô Việt

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong bối cảnh công nghiệp ô tô Việt Nam phải chấp nhận trở thành công xưởng lắp ráp các hãng xe nước ngoài thì hai tên tuổi lớn của ngành ô tô Việt Nam là Vinfast và Trường Hải đã chủ động tạo ra chuỗi giá trị của mình.
Xe Vinfast LUX SA 2.0
Xe Vinfast LUX SA 2.0

Hiện thực hóa “giấc mơ” ô tô Việt

“Vinfast sẽ tham gia triển lãm Paris Motor Show 2018” – dòng thông tin ngắn gọn cách đây 3 năm nhưng đủ trở thành tâm điểm xôn xao bởi Vinfast lựa chọn tự tin bước ra thế giới ngay trong lần đầu ra mắt của mình.

Năm đó, Vinfast tuyên bố ra mắt xe mẫu, tức chỉ hơn 1 năm từ khi Vingroup bước chân vào lĩnh vực này (Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast được khởi công xây dựng hồi tháng 9/2017), tại Triển lãm Paris Motorshow 2018 và tháng 12/2018 tại Việt Nam. Cần phải nói rõ rằng Paris Motor Show là một trong 5 triển lãm ô tô lớn nhất thế giới, nơi quy tụ đầy đủ những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghiệp này. Hàng nghìn chuyên gia hàng đầu cùng tụ họp lại để cùng chiêm ngưỡng, đánh giá, phân tích từng chi tiết của các thương hiệu, sản phẩm triển lãm.

“Không thể tin nổi” là điều ông Nguyễn Mạnh Thắng, Tổng Giám đốc Diễn đàn Otofun (diễn đàn lớn nhất về xe hơi tại Việt Nam) nói về tiến độ vượt bậc của Vinfast và đó cũng là nhận định chung của dư luận. Nhưng nhìn kỹ lại những bước đi của Vinfast, thì sự tự tin của thương hiệu ô tô Việt là hoàn toàn có cơ sở. Trong 140 ngày “thần tốc”, Vinfast đã và đang chắt lọc được những tinh túy của ngành công nghiệp sản xuất ô tô thế giới.

Họ đã chiêu mộ được “danh tướng” tốt nhất: ông James B. DeLuca, cựu Phó Chủ tịch tập đoàn ô tô lớn nhất nước Mỹ General Motor, người có 37 năm kinh nghiệm trong ngành sản xuất và kiểm soát chất lượng xe hơi, từng điều hành 200.000 nhân viên tại 171 nhà máy ở 31 quốc gia… và hàng trăm chuyên gia giỏi từ các nền công nghiệp ô tô hàng đầu.

Vinfast nhanh chóng bắt tay được với các đôi tác số 1 thế giới về ô tô: Bosch - tập đoàn sản xuất linh kiện ô tô lớn nhất thế giới; Siemens – đại gia công nghệ với các giải pháp vận hành nhà máy hiện đại theo định hướng cách mạng công nghiệp 4.0; Magna Steyr - tên tuổi hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực tư vấn và giám sát sản xuất ô tô… Vinfast cũng công bố mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ một trong ba nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới BMW nhằm phát triển sản xuất. Nổi tiếng bởi sự khỏe khoắn, bền bỉ, những sáng chế từ BMW chính là bảo chứng chất lượng và độ an toàn cho sản phẩm của Vinfast khi ra thị trường.

Không chỉ có thế, Vinfast cũng “chịu chi” với việc đầu tư 5 triệu USD cho nhà thiết kế nổi tiếng nhất nước Ý Pininfarina sản xuất 2 xe mẫu Sedan và SUV. Đây là 2 xe mẫu được phát triển từ những bản phác thảo thiết kế đã được người tiêu dùng Việt Nam bình chọn nhiều nhất.

BMW, Pininfarina, Magna Steyr, AVL, Bosch, Siemens… chính là bảo chứng cho chất lượng, thẩm mỹ, tiện nghi theo tiêu chuẩn thế giới của Vinfast. Việc hợp tác cùng với những “ông lớn” trong ngành công nghiệp ô tô thế giới không chỉ thể hiện uy tín, tiềm lực tài chính của Vingroup mà còn cho thấy tầm nhìn quốc tế và mục tiêu “ra biển lớn”, tiến tới xuất khẩu của Vingroup ngay từ khi khởi sự.

Sau sự kiện ra mắt đầy ấn tượng của Vinfast, thị trường ô tô Việt lại chứng kiến nhiều thăng trầm của hàng loạt thương hiệu xe hơi khi phải chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Tuy nhiên, năm 2020 vừa qua lại là năm ghi nhận sự đột phá về doanh số và khả năng thích nghi của mẫu xe thương hiệu Việt VinFast.

Chỉ sau 18 tháng kể từ khi có xe thương mại, ba mẫu ô tô đầu tiên của VinFast (gồm VinFast Fadil cùng hai dòng Lux ở phân khúc sedan và SUV hạng E) đã vươn lên dẫn đầu các phân khúc. Bảng sếp hạng những mẫu xe bán chạy những tháng cuối năm 2020, liên tục gọi tên VinFast cho vị trí ngôi đầu. Tháng 9/2020, VinFast chính thức giới thiệu chiếc xe phiên bản giới hạn President. Thông qua President, khách Việt không chỉ cảm thấy tự hào với xe trong nước mà còn được trải nghiệm chiếc SUV mang tầm vóc quốc tế.

Không dừng lại ở kế hoạch, hành trình vươn ra thế giới của VinFast còn được hiện thực hóa bằng việc thành lập Viện Công nghệ ô tô 2, đồng thời khai trương văn phòng tại Melbourne (Australia), hay chính thức sở hữu trung tâm thử nghiệm ô tô của hãng xe GM Holden tại Lang Lang, bang Victoria (Australia).

Văn hóa “8 chữ T” của Thaco

Thaco chi nhánh Cần Thơ.

Thaco chi nhánh Cần Thơ.

Tuy không phải đơn vị đầu tiên hiện thực hóa giấc mơ ô tô Việt như Vinfast nhưng Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (viết tắt là Thaco) là doanh nghiệp hàng đầu và có quy mô lớn nhất tại Việt Nam về lĩnh vực sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô, với chuỗi giá trị từ nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D), sản xuất linh kiện phụ tùng, lắp ráp ô tô đến giao nhận vận chuyển và phân phối, bán lẻ. Thaco được thành lập ngày 29/4/1997 tại Đồng Nai với tiền thân là Công ty TNHH ôtô Trường Hải. Người sáng lập là ông Trần Bá Dương, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco.

Sau 22 năm hình thành và phát triển, Thaco đã trở thành tập đoàn công nghiệp đa ngành, trong đó ô tô là một trong hai lĩnh vực chủ lực (lĩnh vực còn lại là cơ khí), đồng thời phát triển các lĩnh vực sản xuất kinh doanh bổ trợ cho nhau, tạo ra giá trị cộng hưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh như nông nghiệp; đầu tư xây dựng; logistics; thương mại và dịch vụ. Điều đáng chú ý, cách làm của Trường Hải là khéo léo đầu tư nội địa hóa sao cho phù hợp với tiềm lực tài chính. Điều này giúp Trường Hải tránh khỏi nhiều rủi ro tài chính mà Vinaxuki đã gặp phải trong quá khứ.

Cùng với hoạt động sản xuất kinh doanh, Thaco còn xây dựng môi trường văn hóa doanh nghiệp lành mạnh, định hình được bản sắc văn hóa riêng của Thaco dựa trên triết lý kinh doanh “Mang lại giá trị cho khách hàng, xã hội và có đóng góp thiết thực vào nền kinh tế đất nước” và nguyên tắc “8 chữ T: Tận tâm - Trung thực - Trí tuệ - Tự tin - Tôn trọng - Trung tín - Tận tình - Thuận tiện”.

Đây chính là giá trị cốt lõi của văn hóa Thaco, là tài sản vô hình tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển. Luôn quan niệm cán bộ công nhân viên là nguồn lực quan trọng tạo nên sự thành công và phát triển bền vững, văn hóa Thaco hướng đến việc xây dựng một đội ngũ nhân sự có ý chí mạnh mẽ; thái độ làm việc tích cực; tính sáng tạo cao và ý thức trau dồi năng lực chuyên môn để có thể làm việc trong môi trường kỷ luật, đóng góp vào sự phát triển của Công ty, qua đó trở thành người hữu ích của xã hội, đất nước.

Với những đặc thù của lĩnh vực sản xuất công nghiệp đòi hỏi chất lượng và tầm nhìn về sự phát triển bền vững, Thaco lấy kỷ luật làm nền tảng xây dựng văn hóa. Văn hóa kỷ luật được xem là văn hóa nền tảng, mang tính định hướng cho các yếu tố văn hóa khác.

Theo đó, Công ty đề cao và tập trung nâng cao ý thức kỷ luật, hành động kỷ luật, con người kỷ luật trong đội ngũ nhân sự Thaco, hướng đến hình thành văn hóa kỷ luật. Thaco xem đây là điều kiện tất yếu để mở rộng sản xuất kinh doanh và phát triển nguồn nhân lực của Công ty trong bối cảnh hội nhập.

8 yếu tố này liên kết, lồng ghép vào nhau linh hoạt trong mỗi ứng xử và mọi hoạt động của Thaco, con người Thaco. Bên cạnh coi trọng tính kỷ luật, văn hóa Thaco luôn đề cao tính nhân văn “đóng góp, cống hiến cho xã hội” thông qua sản phẩm và dịch vụ cũng như thể hiện “trách nhiệm với xã hội” thông qua các hoạt động cộng đồng.

Đọc thêm