Hai 'đối thủ' tự nhiên với quân Pháp ngày mới xâm lược Sài Gòn

(PLO) - Hơn một thế kỷ trước, khi quân Pháp xâm lược Việt Nam, không chỉ phải đối mặt với làn sóng phản kháng của người Việt yêu nước, mà còn phải đối phó với vô vàn “đối thủ” tự nhiên. Hồi ức về những câu chuyện này đã được kỹ sư người Pháp ghi lại trong một cuốn hồi ký.
Sĩ quan Pháp và thân binh người Việt

1. “Tới Sài Gòn ngày 13/2/1897, tôi gặp Nam Kỳ đang vào mùa khô. Đây là mùa mà chúng ta có thể gọi là mùa lúc nào cũng đẹp trời, thời tiết không thay đổi. Sáu tháng liền không có lấy một trận mưa, không một đám mây. Bầu trời lúc nào cũng trong xanh êm đềm, không gợn mây, mặt trời luôn sáng rỡ. Thật là tuyệt vời và, đối với những chủng người sinh ra ở xứ lạnh, không thể mơ ước gì hơn thế. Tâm trí ta chẳng gợn chút gì khác ngoài cảm giác hoàn toàn hạnh phúc.

Ở châu Âu chúng tôi chưa từng biết đến khung cảnh bầu trời lặng ngắt, không một gợn mây, mặt trời không sưởi ấm mà cứ nóng như thiêu như đốt liên tục, nhiệt độ lúc nào cũng cao quá mức chúng ta có thể tưởng tượng được, ngỡ như nhiệt kế chỉ sai. Nhưng bù lại cho tất cả những điều đó là cặp mắt ta được no nê ngắm nhìn những gì thiên nhiên ban tặng cùng vẻ đẹp bất tận của bầu trời.

Lúc đầu, tôi đã thấy những người xung quanh trằn trọc cả đêm vì nóng bức, và họ lo lắng tự hỏi không biết sẽ chống chọi được bao lâu nữa với thứ thời tiết khắc nghiệt này. Vả chăng, ai không kháng cự được thì gục thôi, bệnh tật và cái chết sẽ tới liền tức khắc. Đó là những người không rèn luyện cho tốt về mặt thể chất hoặc tinh thần, đôi khi là cả hai.  

Ở Nam Kỳ, mùa mưa chỉ khác mùa khô ở chỗ ngày nào cũng có những cơn giông làm nhiệt độ dịu đi được một lúc. Nói cách khác, cũng vẫn một mặt trời như lò lửa ấy, cũng vẫn không khí hầm hập nóng đó. Người ta có thể nói rằng về cơ bản nhiệt độ ở Nam Kỳ là bất biến, mùa đông cũng như mùa hè, ngày cũng như đêm.

Trong tháng Mười hai hoặc tháng Một, đôi khi có một vài ngày trời đột nhiên trở mát khiến người ta sung sướng; tương tự như vậy, vào một số đêm, nhiệt độ hạ bớt chút ít. Những trường hợp ngoại lệ hiếm hoi như thế chẳng ảnh hưởng gì đến quy luật chung của khí hậu nóng ẩm, hừng hực và liên tục trong mọi mùa, mọi lúc.

Nền nhiệt 30 độ của Nam Kỳ làm ta có cảm giác như từ 55 đến 60 độ ở Pháp hoặc ở Algérie. Ở châu Phi đã có lúc tôi đã từng phải chịu đựng nền nhiệt lên đến 48 độ theo nhiệt kế chỉ; tôi mặc quần áo nỉ, đội mũ phớt đen mà không thấy khó chịu. Nhưng với nền nhiệt 30 độ ở Nam Kỳ, đội mũ cát và mặc quần áo nhẹ bằng vải toan trắng vẫn khiến tôi thấy không đâu nóng bằng.

Người ta nói ở Nam Kỳ không khí có độ ẩm cao. Đúng vậy, hơi nước lơ lửng trong không khí làm thay đổi cảm giác của người ta. Nóng ẩm là thứ tệ hại nhất, khó chịu hơn cả nóng khô; và quả thật độ ẩm ở Nam Kỳ là cái không đáng mong muốn chút nào trên đời này. Ở xứ đó thường xuyên có những ngày chúng ta gọi là nặng trời và giông bão, cảm giác nặng nề ngột ngạt.

Chẳng làm gì mồ hôi cũng vã ra như tắm, chỉ cần động chân động tay một chút là mồ hôi toát ra như tắm. Thế nên ta hiểu vì sao người châu Âu ở Đông Dương rất muốn ngồi yên nghỉ ngơi, tránh tối đa việc lao động và rèn luyện thân thể.  

2. Khu vực cao ở Đông Bắc chạy dài từ Trung Kỳ tới Sài Gòn có kiến tạo rất cổ nên tầng đất cái rất rắn chắc. Phần còn lại của Nam Kỳ, khoảng hơn ba phần tư, mới được hình thành gần đây và phát triển từng ngày về phía Biển Đông. Chính phù sa các sông Mê Kông, sông Đồng Nai, sông Vàm Cỏ và hàng trăm chi lưu của chúng gần đây đã tạo ra miền đất Nam Kỳ, và vẫn đang mở rộng dần ra từ thế kỷ này sang thế kỷ khác.

Nếu không khí và ánh nắng mặt trời làm cứng lớp đất trên cùng thì ở sâu phía dưới vẫn còn là bùn pha nước. Ta có thể nhận ra điều này khi xây dựng những tòa nhà hơi đồ sộ một chút ở khu vực tôi vừa nói. Phải lưu ý làm móng thật chắc cho những tòa nhà như thế. Ta có thể gặp đất rắn ở độ sâu từ một mét rưỡi đến hai mét; sâu hơn nữa là bùn nhão, và phải xuống đến 10, 20 mét nữa mới lại gặp đất rắn. Do đó đối với các công trình xây dựng đơn sơ, tốt nhất là làm móng sao cho chỉ tới lớp đất bên trên.

Chúng ta đã tiến hành những nghiên cứu và những thí nghiệm, và chúng ta đã mắc những sai lầm; những sai lầm này đã cho chúng ta biết các lớp bên dưới mặt đất của Nam Kỳ. Việc bố phòng cảng và Công xưởng hải quân ở Sài Gòn không chỉ bao gồm vũ trang cho Mũi Ô Cấp (Vũng Tàu – NV), là việc đã được thực hiện, mà còn phải bố trí một hệ thống phòng thủ hỗn hợp cả cố định lẫn di động trên sông để phòng bị trường hợp hàng rào thứ nhất ở Mũi Ô Cấp bị phá vỡ. Chúng tôi đã cân nhắc việc xây dựng bãi pháo trên bờ ngay cửa sông Đồng Nai.

Tôi vẫn nhớ chuyến đi thăm một địa điểm thuận lợi nhất để xây dựng một công trình như thế; cùng đi với tôi có Chỉ huy Pháo binh Sài Gòn, một sĩ quan cường tráng và thông thái, một công trình sư kỳ cựu, Đại tá Teilhard d’Eyrie. Địa điểm đó rất gần làng Cần Giờ. Vị trí thật hoàn hảo; bãi pháo sẽ khuất khỏi tầm nhìn của đối thủ. Mặt đất rất ổn nhưng Đại tá không tin chắc vào lớp đất phía dưới.

Sài Gòn đầu thế kỷ 20

Những thăm dò đầu tiên mà Đại tá thực hiện cho thấy ông đã tìm được một bãi đất tệ hơn là ông tưởng. Sau đó chúng tôi phải thăm dò từng tí một theo cách thử nghiệm như sau: đặt lên những chỗ khác nhau trên bãi các khối nặng được tính toán sao cho mỗi đề-xi-mét vuông mặt đất chịu một tải trọng bằng tải trọng dự kiến và chúng tôi quan sát tác động của chúng lên đất.

Tất cả những khối nặng đó lún xuống gần như nhau. Trong một tháng, chúng lún dần tới độ sâu một mét rưỡi; tại đó chắc chắn là lớp đất cứng bục ra. Cứ thế, ngày hôm sau các khối nặng đó biến mất. Cuộc thăm dò thực hiện tới độ sâu 30 mét cũng không tìm thấy chúng. Phải từ bỏ ý định xây dựng các công trình phòng thủ trên một nền đất như vậy.

Ngược lên phía thượng lưu sông, chúng tôi gặp nền đất lâu đời hơn nên những khối tải trọng đặt lên mặt đất với những điều kiện như ở Cần Giờ chỉ lún xuống tới 15 hay 16 mét và không bị biến mất. Vấn đề không dễ giải quyết và các giải pháp liên tiếp đề ra đều bị gạt bỏ. Tại điểm cuối cùng, người ta tiến hành một thử nghiệm rất thú vị: người ta đổ lên đất một lớp cát không pha dày tới mức tải trọng của lớp cát bằng tải trọng của các khẩu pháo.

Khi cát bị lún xuống người ta lại tiếp thêm cát mới sao cho lớp cát vẫn giữ nguyên được độ dày đó, cứ như thế cho tới khi cát không lún xuống được nữa, lúc đó lớp cát đã ổn định. Điều này có vẻ là mặc nhiên khi cát chạm đến lớp đất cứng, tràn sang bên, sụt xuống và nén lên lớp đất mềm ở xung quanh nó. Nếu lớp đất mềm này không quá nhão và kháng lại đủ mạnh thì nó sẽ cân bằng và trở nên ổn định. Khi đó người ta sẽ đổ thêm cát đến một độ cao cần thiết rồi xây dựng bãi pháo. Thí nghiệm đó có được theo đuổi đến thành công không? Tôi không nghe tin tức gì về nó sau khi tôi ra đi.

Các kỹ sư hải quân, những người không có kỹ thuật xây dựng các công trình trên đất như pháo binh và không có ác cảm với các vật thể di động, đã không ngần ngại xây dựng trên hai bờ sông Đồng Nai những đồn bốt bọc thép cho phòng tuyến thủy lôi. Những đồn bốt khốn khổ đó đứng vững trong vài tuần, sau đó chúng có những dấu hiệu không ổn định rất rõ, và cuối cùng bị lún nghiêng. Chúng đã phải trải qua một cuộc đại tu.

Các kỹ sư xây dựng người Đức cũng không may mắn gì hơn. Họ đặt ở bên cạnh các đồn bốt đó của chúng ta những bồn chứa dầu lớn; họ đã mắc cùng một sai lầm như các kỹ sư hải quân của chúng ta. Móng bằng đá của các bồn chứa cao hàng mét dần dần lún sâu xuống đất. May là độ lún này diễn ra đều trên khắp bề mặt nên các bồn chứa vẫn đứng vững. Người ta đã giảm bớt một phần lượng chứa của các bồn và thấy chúng ngừng lún khi các móng xây chìm hẳn vào lòng đất, tức đáy kim loại của bồn chạm đất. Các bồn nằm nguyên ở đó, và có khả năng chúng sẽ còn nguyên đó mãi nếu người ta không tiếp tục đổ thêm dầu vào”.

Đọc thêm