Hải Dương: Chưa được đê điều cấp phép, công ty nước sạch vẫn “cố tình” xẻ đê, chôn đường ống nước

(PLVN) - Được UBND huyện Kim Thành (Hải Dương) cấp giấy phép thi công công trình sữa chữa thay thế ống nước nhưng lại chưa được sự cho phép của phía đê điều song Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương vẫn “ngang nhiên” xẻ đê, chôn đường ống nước. Đáng nói, vào cuối năm 2017, công ty này cũng từng “cố tình” đào gần 2km phần thân đê kênh Đình Đào (thuộc hệ thống Bắc Hưng Hải) để chôn ống nước.
Xẻ đê chôn đường ống nước trái phép
Xẻ đê chôn đường ống nước trái phép

Hệ thống đê vốn đóng vai trò rất quan trọng trong việc bảo vệ tài sản, mùa màng và tính mạng của người dân. Vì vậy, những hoạt động như cắt, xẻ đê để xây dựng công trình, khoan, đào, nạo vét luồng lạch phải được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền.

Nhưng ngày 24/4 vừa qua, tại xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, một nhà máy kinh doanh nước sạch đã có hành vi cắt, xẻ mặt đường đê cấp III chạy qua địa bàn xã để chôn đường ống nước sạch.

Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương xẻ đê chôn đường ống nước trái phép ngày 24/4 vừa qua
Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương xẻ đê chôn đường ống nước trái phép ngày 24/4 vừa qua

Ông Trương Đức Tốn, Hạt trưởng Hạt quản lý đê huyện Kim Thành cho biết, trước đó, vào ngày 10/4/2019, UBND huyện Kim Thành đã cấp giấy cấp phép thi công số 413/GPTC-UBND cùng nội dung: 

Xét đơn đề nghị số 21/CV- CTCP ngày 28/3/2109 cuả Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn Hải Dương (số 5 đường Hồng Quang, TP. Hải Dương) về việc đề nghị chấp thuận xây dựng cùng thời điểm với cấp phép thi công công trình thiết yếu trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; kèm theo hồ sơ thiết kế vị trí đường ống nước sạch và các tài liệu liên quan.

Cấp cho Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn Hải Dương (Công ty nước sạch vệ sinh Hải Dương) thi công công trình sửa chữa, thay thế ống nước thô D125-ST bằng ống D160-HDPE – Nhà máy nước sạch xã Ngũ Phúc thuộc địa phận xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành cụ thể như sau: Thay thế toàn bộ 214m đường ống nước thô D125-ST bằng ống D160-HDPE. Trong đó, 24m cắt qua mặt và taluy tuyến đường huyện Ngũ Phúc – Kim Xuyên; Kích thước hố đào rộng 0,4m, sâu 0,7m. 

Hải Dương: Chưa được đê điều cấp phép, công ty nước sạch vẫn “cố tình” xẻ đê, chôn đường ống nước ảnh 2Đường ống nước của Công ty cổ phần nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh Hải Dương 

Sau khi đặt đường ống nước, Công ty nước sạch vệ sinh Hải Dương có trách nhiệm thi công hoàn trả các kết cấu hố đào theo kết cấu hiện trạng ban đầu. Việc thi công hoàn trả và nghiệm thu kết cấu công trình trên phải bảo đảm yêu cầu kỹ thuật, chất lượng được Hạt giao thông huyện, Hạt quản lý đê huyện Kim Thành giám sát, nghiệm thu khi đưa vào sử dụng. 

Công ty chuẩn bị hồ sơ và các giấy tờ liên quan, liên hệ Hạt quản lý đê huyện Kim Thành xin chấp thuận để thi công qua đê đảm bảo theo quy định của nhà nước. Công ty phải mang giấy phép này đến Hạt giao thông huyện, Hạt quản lý đê Kim Thành để nhận bàn giao mặt bằng hiện trường (phải có biên bản bàn giao mặt bằng) và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn giao thông theo quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông trên đất dành cho đường bộ, hành lang đê. Khi kết thúc thi công, Công ty phải tổ chức nghiệm thu, bàn giao lại mặt bằng, hiện trường cho Hạt giao thông huyện, Hạt quản lý đê huyện Kim Thành quản lý… 

Giấy phép thi công là vậy, nhưng tại thời điểm kiểm tra, Công ty nước sạch vệ sinh Hải Dương không xuất trình được các giấy tờ liên quan đến việc xin chấp thuận thi công qua đê của cấp có thẩm quyền. 

Do vậy, ngày 25/4, Hạt quản lý đê huyện Kim Thành đã tiến hành lập biên bản về việc vi phạm pháp luật về đê điều (lần 1) đối với ông Lê Khánh Toàn, phụ trách nhà máy nước sinh hoạt xã Ngũ Phúc (một nhà máy của Công ty nước sạch vệ sinh Hải Dương). Với nội dung, nhà máy đã có hành vi tự ý cắt đê để thay thế đường ống vận chuyển nước từ phía sông vào trong nhà máy máy nước sạch xã Ngũ Phúc. 

Vị trí vi phạm tại K11+450 tuyến đê tả sông Rạng (vốn là đê sông cấp III). Đơn vị đã tiến hành cắt ngang mặt đê với chiều rộng 0,45m, sâu xuống 1,0m để đặt đường ống nhựa PP Ø 200 thay thế đường ống cũ.

Tại biên bản vi phạm, đại diện vi phạm cho biết, do kiểm tra đường ống cấp nước sông cho nhà máy bị rò rỉ, không đảm bảo an toàn trong cấp nước và công trình đê điều do đó cần phải thay thế ngay ống thép bị rò rỉ. Trước đây, đơn vị đã có giấy phép của UBND tỉnh về việc đặt đường ống trong thân đê. Nay để thay thế đường ống nước, họ cũng đã được UBND huyện Kim Thành cấp giấy phép thi công.

Tuy nhiên, Hạt quản lý đê huyện Kim Thành vẫn lập biên bản vi phạm. Đồng thời yêu cầu nhà máy chấm dứt ngay hành vi vi phạm và khẩn trương đắp, hoàn trả mặt đê bằng nhựa áp phan như cũ xong trước ngày 28/4/2019. 

Được biết, vào cuối năm 2017, Công ty nước sạch vệ sinh Hải Dương cũng từng có hành vi “đào” gần 2km phần thân đê kênh Đình Đào để chôn ống nước. Theo tìm hiểu, trước đó, công ty đã được Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải chấp thuận vị trí, bản vẽ thiết kế thi công với: Đỉnh đường ống đặt tại cao trình (-5,40m), sâu hơn đáy kênh thiết kế là 1,5m; cao độ theo hệ cao độ thủy lợi tại mốc A cống Cầu Xe là +2,045m, đỉnh đường ống đi qua thân đê tại bờ tả và bờ hữu kênh Đình Đào phải được đặt sâu hơn mặt đê hiện tại là 0,7m. 

Tuyến ống chạy dọc theo phần lưu không hành lang bảo vệ bờ kênh bên hữu kênh Đình Đào không được chôn trong thân đê, mà phải được chôn dưới chân mái đê, đỉnh đường ống đặt sâu hơn mặt đất hiện tại là 0,7m và phải có biện pháp ghim giữ đường ống ổn định tại cao trình yêu cầu nêu trên để đảm bảo cho tầu thuyền qua lại và tầu cuốc nạo vét sông theo mặt cắt thiết kế không bị ảnh hưởng.

Nhưng sau khi đấu nối các đường ống dẫn nước, công ty này đã thuê máy xúc đào gần 2km phần thân đê kênh Đình Đào đoạn chạy qua thôn Cẩm Bối, xã Quyết Thắng (huyện Ninh Giang) với chiều sâu 50cm, chiều rộng chừng 30cm để chôn ống dẫn nước xuống lòng đê rồi san lấp lại. Hành vi đó đã phạm phải khoản 1 Điều 7 Luật Đê điều 2006. 

Từ đó, dư luận băn khoăn đặt câu hỏi: nếu tình trạng cắt, xẻ đê trái phép như trên mà cứ tái diễn và không được xử lý đến nơi đến chốn, liệu vấn đề bảo vệ tài sản, mùa màng và tính mạng của người dân có còn được đảm bảo hay không?

Báo PLVN tiếp tục thông tin.

Đọc thêm