Hải Dương: Một xã, 100 người hưởng bảo trợ xã hội không đúng quy định

(PLVN) - Bảo trợ xã hội là chính sách nhằm bảo vệ, giúp đỡ những người “yếu thế” trong cuộc sống. Song một khi chính sách nhân đạo này bị lợi dụng sẽ gây thất thoát rất lớn cho ngân sách Nhà nước và bất bình đẳng trong xã hội. Vậy nhưng, một xã trên địa bàn tỉnh Hải Dương đã có tới gần 100 người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp, vẫn được lĩnh tiền hàng tháng.
Trụ sở UBND xã Văn Giang
Trụ sở UBND xã Văn Giang

Phát hiện nhiều bất thường

Xã Văn Giang (huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương) có tổng số 313 người đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội. Các nhóm đối tượng hưởng trợ cấp gồm: Người trên 80 tuổi không được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng; người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người phụng dưỡng; người đơn thân nghèo đang nuôi con nhỏ; người khuyết tật nặng; người khuyết tật đặc biệt nặng; người nhiễm HIV thuộc hộ nghèo không có khả năng lao động; gia đình chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng. 

Tuy nhiên, người dân ở đây phát hiện có những trường hợp “bất thường”. Bà V.T.H (SN 1945, thôn 2) được hưởng trợ cấp người cao tuổi thuộc hộ nghèo không có người nuôi dưỡng nhưng trên thực tế, bà H có con gái. Bà B.T.N (SN 1974, thôn 1) và bà N.T.H (SN 1977, thôn 3) được hưởng chế độ người đơn thân nghèo đang nuôi con nhưng lại không còn trong danh sách hộ nghèo năm 2018. Thậm chí, có 5 đối tượng được nhận trợ cấp dành cho người khuyết tật nặng nhưng không có mặt ở địa phương gồm: N.V.Đ (SN 1994); N.T.L (SN 1970); N.T.H (SN 1971); B.V.V (SN 1973, cùng thôn 3) và N.V.H (SN 2000, thôn 1).

Một xã, hàng trăm đối tượng hưởng trợ cấp không đúng quy định
Một xã, hàng trăm đối tượng hưởng trợ cấp không đúng quy định

Người dân địa phương cho rằng, có tiêu cực trong việc lập danh sách những người được hưởng trợ cấp xã hội để trục lợi. Sự việc đã gây bất bình trong dư luận.

Nhận được thông tin, tháng 8/2018 Phòng LĐTB&XH huyện Ninh Giang lập đoàn kiểm tra việc thực hiện chính sách trợ giúp xã hội tại xã Văn Giang.

Kết quả kiểm tra cho thấy mức độ “sai sót” còn nghiêm trọng hơn thông tin người dân phản ánh. Sau khi kiểm tra đoàn đã đề nghị dừng trợ cấp của 57 đối tượng. Trong đó, 49 người người hưởng chế độ khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng do không đủ điều kiện hưởng. Bên cạnh đó, Phòng Lao động Thương binh & Xã hội (LĐTB&XH) cũng điều chỉnh trợ cấp của 6 đối tượng, do không đủ điều kiện hưởng chế độ như trước, đồng thời đề nghị, Hội đồng giám định Y khoa tỉnh xác định lại dạng tật, mức độ khuyết tật của 25 trường hợp khác.

Như vậy theo kết quả kiểm tra, chỉ riêng xã Văn Giang đã có 63 người hưởng trợ cấp không đúng đối tượng và 25 thuộc diện phải “xem xét” lại. 6 tháng qua đi kể từ thời điểm có kết quả kiểm tra của cơ quan chức năng, song chưa có ai nộp cho địa phương kết quả giám định mới cho địa phương. 

Trách nhiệm thuộc về ai?

Phòng LĐTB&XH huyện Ninh Giang cho rằng việc để “lọt lưới” gần 100 đối tượng không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được hưởng trợ cấp hàng tháng là trách nhiệm của UBND xã Văn Giang. 

Cụ thể, Hội đồng xác định mức độ khuyết tật, Hội đồng xét duyệt xã Văn Giang thực hiện chưa đúng quy định trong việc xét duyệt đối tượng mới, rà soát đối tượng đang hưởng dẫn đến nhiều người hưởng chế độ còn chưa đúng và chưa đảm bảo quy định. Các hội đồng này cũng không có biên bản ghi nội dung cuộc họp, phiếu xác định dạng tật, mức độ khuyết tật lưu trong hồ sơ còn chưa đầy đủ, chính xác, nội dung phiếu chẩm điểm thiếu sự logic, không thống nhất.

Ngoài ra, quy trình xét duyệt còn bỏ qua nhiều bước quan trọng như: chưa niêm yết công khai, thông báo trên loa các hồ sơ đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội; chưa thực hiện đầy đủ việc báo tăng, giảm chế độ chính sách của các đối tượng.

Trụ sở UBND huyện Ninh Giang
Trụ sở UBND huyện Ninh Giang
Từ đó, Phòng LĐTB&XH huyện Ninh Giang đề nghị, UBND xã Văn Giang tổ chức họp kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý các các nhân, tập thể trong việc để xảy ra tình trạng các đối tượng hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội chưa đúng quy định.

Theo luật sư Phạm Hồng Kiên (Giám đốc công ty Cán cân Việt, đoàn luật sư Hà Nội), trong trường hợp này muốn làm rõ trách nhiệm thuộc về cá nhân, đơn vị nào, phải phân tích quy trình thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng. Luật sư Kiên cho biết, theo Điều 8, Nghị định 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 thìThủ tục thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng, gồm các bước sau:

Đối tượng hoặc người giám hộ của đối tượng làm hồ sơ gửi Chủ tịch UBND cấp xã. Sau đó Hội đồng xã xét duyệt và niêm yết công khai kết quả tại trụ sở. Hết thời hạn niêm yết mà không có khiếu nại tố cáo, UBND xã gửi hồ sơ lên Phòng LĐTB&XH. Phòng LĐTB&XH thẩm định, trình Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định trợ cấp xã hội cho đối tượng.

Luật sư Kiên cho rằng căn cứ quy định trên, để xảy ra sai sót trong việc lập danh sách các đối tượng hưởng trợ cấp xã hội thì trách nhiệm không chỉ thuộc về UBND xã Văn Giang.

Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm