Hải Dương: Nhiều bến bãi vẫn ngang nhiên hoạt động trong mùa mưa bão

(PLO) - Để đảm bảo hành lang thoát lũ và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều trong mùa mưa lũ, UBND tỉnh Hải Dương và Văn phòng Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản yêu cầu tất cả các bến bãi ngoài đê không được tập kết vật liệu, đồng thời hạ thấp độ cao và giải tỏa lượng vật liệu đang tồn tại trên các bãi kể từ ngày 15/5 đến ngày 15/10/2017. Tuy nhiên, đến nay nhiều bến bãi ở một số địa phương vẫn hoạt động bình thường, phớt lờ lệnh cấm.
Bãi cát vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp lệnh cấm
Bãi cát vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp lệnh cấm

“Ngó lơ” lệnh cấm

Xã Tiền Phong, huyện Thanh Miện là địa phương có nhiều bến bãi không chấp hành lệnh cấm của UBND tỉnh và Văn phòng Ban chỉ huy tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hải Dương. Theo tìm hiểu của Báo Pháp luật Việt Nam, đoạn đê tả sông Luộc qua xã Tiền Phong chỉ dài chừng 2km nhưng có hơn chục bến bãi hoạt động. Trong đó, chỉ có 2 bến bãi nằm trong quy hoạch và được cấp phép hoạt động (thời điểm hiện tại cũng đã hết phép hoạt động). 

Các bến bãi phát sinh chủ yếu do nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ngày càng cao của người dân. Mặc dù các bến bãi này có quy mô nhỏ song mức độ tác động đến tuyến đê rất lớn bởi các chủ bến bãi tập kết cát, đã sát mái đê, thậm chí còn tràn lên cả mặt đê. Hạt Quản lý đê huyện Thanh Miện cho biết, đã nhiều lần đề nghị chính quyền địa phương yêu cầu các chủ bến bãi khẩn trương giải tỏa vật liệu, trả lại hiện trạng ban đầu để hành lang thoát lũ thông thoáng trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, tính từ thời điểm lệnh cấm đến nay đã khoảng 2 tháng nhưng các bến bãi trên vẫn hoạt động bình thường, hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt xe, có trọng tải lớn ra vào vận chuyển vật liệu tại các bến bãi này. “Các bến bãi ngoài quy hoạch vẫn công khai hoạt động, phớt lờ lệnh cấm”, một cán bộ Hạt Quản lý đê Thanh Miện cho biết.

Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống dọc tuyến đê sông Luộc, thuộc địa phận xã Tiền Phong, do địa bàn có nhiều bến bãi nên hàng ngày, tuyến đê này đang phải oằn mình gánh chịu những chuyến xe quá khổ, quá tải chở cát, đá chạy nhộn nhịp suốt ngày đêm. Trước sự “truy sát” rầm rập của những chiếc xe với trọng lượng lớn nhỏ này, tuyến đê tả sông Luộc vì thế ngày một bị xuống cấp trầm trọng. Mặt đê bị nứt toác, sụt lún, “ổ trâu”, “ổ voi” đan xe nhau như “mạng nhện”. Nhiều đoạn mặt đê trước đây được đổ bê tông thì nay đã “không cuốn mà bay” bởi những chuyến xe trọng tải loại “khủng”, quá khổ, cơi nới, thay vào đó là tuyến đường đất cát, đầy vũng nước, bụi bay tứ tung.

Xe chở vật liệu cày nát mặt đê
Xe chở vật liệu cày nát mặt đê

Ông Nguyễn Gia Long, Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cho biết, địa bàn xã có nhiều bến bãi bởi ở đây là nơi cung cấp, trung chuyển vật liệu xây dựng từ các nơi khác về và phân bố cho các xã trên địa bàn huyện Thanh Miện. Đường đê là đường trục chính để các phương tiện vận tải từ Nam Định, Hưng Yên, Hải Phòng vận chuyển qua lại. Mùa mưa lũ đến, chính quyền địa phương đã có chỉ đạo, yêu cầu chủ các bến bãi giải tỏa vật liệu, trả lại mặt bằng đồng thời cử người gác đê, cấm các phương tiện vận tải đi trên mặt đê. Chỗ nào mặt đê hỏng, xã đã vận động bà con tu sửa, tôn tạo lại. “Khả năng xã đến đâu sẽ làm đến đó”, ông Long cho biết.

Vi phạm kéo đến bao giờ?

Nhưng ngược với thông tin mà ông Chủ tịch UBND xã Tiền Phong cung cấp, chia sẻ với chúng tôi, người dân địa phương với nét mặt lo lắng cho biết, xe tải chở vật liệu xây dựng ở đây hoạt động liên tục, bất kể nắng mưa. Ngày nắng, khói bụi mù mịt, ngày mưa cát đá từ các loại xe tải rơi vãi khiến mặt đê trông đến thảm hại. Việc hoạt động của những chiếc xe này đã khiến cho quá trình tham gia giao thông của người dân qua khu vực này thường xuyên gặp nguy hiểm. Tính trung bình mỗi ngày có tới hàng trăm lượt xe tải, chủ yếu chở cát lưu thông qua đây.

Theo thống kê, hiện nay, dọc tuyến đê chạy qua địa phận xã Tiền Phong hiện có 12 bến bãi đang hoạt động. Việc mua, bán vận chuyển cát diễn ra thường xuyên, đây chính là nguyên nhân khiến xe tải trọng lượng lớn nhỏ đổ bộ về đây, phá nát tuyến đê này.

Không chỉ ở huyện Thanh Miện, nhiều địa phương khác như: huyện Ninh Giang, Nam Sách vẫn còn nhiều bến bãi công khai các hoạt động tập kết, vận chuyển vật liệu diễn ra bình thường như bến bãi của ông Đặng Văn Nam tại vị trí đê từ K21+300 – K21+400 ở địa bàn xã Minh Tân, huyện Nam Sách. 

Theo quan sát của phóng viên vào ngày 7/8 vừa qua, tại bến bãi của ông Nam mọi hoạt động tập kết, vận chuyển vật liệu vẫn diễn ra bình thường. Trên bãi, các phương tiện xe tải vẫn ra vào vận chuyển cát. Dưới sông, tàu bè cập đỗ, cát được đầu cẩu vận chuyển lên bãi tấp nập.

Được biết, trước đó vào mùa mưa bão năm 2016, tại văn bản số 1303/SNN-ĐĐ ngày 8/8/2016 của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương có nêu rõ, bến bãi của ông Nam có thuộc diện bến bãi trong quy hoạch tuy nhiên vẫn chưa được cấp phép hoạt động. Văn bản này cũng nêu rõ, bến bãi của ông Nam chất chứa vật liệu xây dựng với khối lượng lớn trên mặt bãi và trong hành lang bảo vệ đê, chiều cao chất tải từ 2 – 2,5m gây cản lũ và chạy xe quá tải trên đê gây hư hỏng mặt đê. Mùa mưa bão năm nay, dù đã có “lệnh cấm” nhưng bến bãi của ông Nam vẫn hoạt động bình thường.

Xin được nói thêm rằng, dù “lệnh cấm” đã nêu rõ, tất cả các bến bãi ngoài đê không được tập kết vật liệu, đồng thời hạ thấp độ cao và giải tỏa lượng vật liệu đang tồn tại trên các bãi nhưng thực tế cho thấy nhiều bến bãi vẫn hoạt động công khai, chưa chịu giải tỏa. Thậm chí, tình trạng trên không phải vừa diễn ra trong ngày một, ngày hai mà đã từ nhiều năm trước và chính quyền địa phương cũng như các ban, ngành sở tại biết rõ mười mươi. Vấn đề đặt ra là tình trạng buông lỏng này sẽ còn kéo đến bao giờ? Báo PLVN sẽ tiếp tục thông tin!