Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức rà soát, tiếp nhận các tin báo và thu dung, tập trung người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn địa phương quản lý; chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình trạng người lang thang, cơ nhỡ trên địa bàn quản lý, có nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.
Chỉ đạo cơ quan Công an chủ trì phối hợp với cơ quan Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội; UBND cấp xã và các đơn vị liên quan trong việc rà soát, thu dung, tập trung đưa người lang thang, cơ nhỡ về với gia đình; điều trị tại các cơ sở y tế; đưa đối tượng vào quản lý, nuôi dưỡng tạm thời tại các cơ sở trợ giúp xã hội.
UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở y tế phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện tạm thời tiếp nhận đối tượng lang thang, cơ nhỡ để khám, xét nghiệm: COVID-19 RT-PCR, xét nghiệm phát hiện có sử dụng các chất gây nghiện, chuẩn đoán các bệnh truyền nhiễm, khám sức khỏe ban đầu cho đối tượng để xác định tình hình sức khỏe, khám phát hiện bệnh tâm thần để có cơ sở phân loại đối tượng, điều trị tại các cơ sở y tế hoặc quản lý, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội trong khi chờ bàn giao về gia đình, cộng đồng.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh chỉ đạo các cơ sở trợ giúp xã hội thuộc Sở tiếp nhận đối tượng lang thang, cơ nhỡ theo quy định. Phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các tỉnh, thành phố giải quyết những người lang thang, cơ nhỡ của các địa phương khác theo quy định.
Hải Dương thu dung, thực hiện chính sách an sinh xã hội đối với người “lang thang, cơ nhỡ". (Ảnh minh hoạ). |
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, vừa qua, UBND tỉnh Hải Dương cũng đã có quyết định hỗ trợ lao động không có giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo khoản 12, mục II, Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Theo đó, để được hưởng hỗ trợ, người lao động (NLĐ) phải bị mất việc làm và có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo (từ ngày 1/5 - 31/12/2021), do phải tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phòng chống dịch COVID-19 từ 14 ngày liên tục trở lên. Đồng thời phải cư trú hợp pháp tại địa phương. Mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/người/lần.
Mỗi đối tượng chỉ được hưởng một lần trong một chính sách hỗ trợ. NLĐ được hỗ trợ một lần bằng tiền (trừ các đối tượng hưởng chính sách bổ sung quy định tại điểm 7, điểm 8 mục II, Nghị quyết 68/NQ-CP) chỉ được hưởng một chế độ hỗ trợ; không hỗ trợ người tự nguyện không tham gia. Thời gian áp dụng trên địa bàn toàn tỉnh từ ngày 1/5 - 31/12/2021.
Về trình tự, thủ tục, sau ngày 15 hàng tháng, NLĐ gửi giấy đề nghị hỗ trợ đến UBND cấp xã nơi thường trú. NLĐ có nơi thường trú và tạm trú không trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, nếu đề nghị hỗ trợ tại nơi thường trú thì phải có xác nhận của UBND cấp xã nơi tạm trú về việc không đề nghị hưởng các chính sách và ngược lại.
Trong thời gian 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, UBND cấp xã rà soát và lập danh sách NLĐ đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị, xã hội và công khai với cộng đồng dân cư. Niêm yết công khai danh sách NLĐ đề nghị hỗ trợ trong 2 ngày làm việc. Tổng hợp hồ sơ, danh sách NLĐ đủ điều kiện hỗ trợ, chịu trách nhiệm về kết quả xét duyệt theo quy định gửi UBND cấp huyện qua Phòng Lao động, Thương binh Xã hội (LĐTBXH).
Người lao động phải bị mất việc và có thu nhập thấp ở Hải Dương cũng được xem xét hỗ trợ. (Ảnh minh hoạ). |
Sau khi gửi hồ sơ về UBND cấp huyện, UBND cấp xã vẫn tiếp tục niêm yết công khai các chính sách, thủ tục và quy trình xét duyệt, danh sách đủ điều kiện hưởng hỗ trợ theo quy định tại Thông tư số 54/2006/TT-BTC ngày 19/6/2006 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện công khai hỗ trợ trực tiếp của ngân sách nhà nước đối với cá nhân, dân cư. Trong 2 ngày làm việc, Phòng LĐTBXH chủ trì xét duyệt trình Chủ tịch UBND cấp huyện thẩm định và gửi tờ trình, danh sách đề nghị hỗ trợ tới UBND tỉnh để phê duyệt (qua Sở LĐTBXH).
Trong thời hạn 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ tờ trình, danh sách, Sở LĐTBXH đối chiếu danh sách và mức kinh phí hỗ trợ theo quy định, trình UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do, trong trường hợp danh sách không đủ điều kiện.
Trong thời hạn 1 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ tờ trình, danh sách, UBND tỉnh ban hành quyết định phê duyệt danh sách hỗ trợ hoặc trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do trong trường hợp không hỗ trợ. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày UBND tỉnh phê duyệt, UBND cấp xã thực hiện chi trả trực tiếp/qua bưu điện/chuyển khoản cho NLĐ và công khai danh sách được hỗ trợ theo quy định. Hết thời hạn công khai, UBND xã quyết toán kinh phí hỗ trợ theo quy định.