Hải Dương: Tòa đánh giá chứng cứ không chuẩn xác, dân không phục

(PLVN) - Một gia đình liệt sĩ ở Nam Sách (Hải Dương) kêu cứu vì có nguy cơ mất 115m2 của thửa đất đã được Nhà nước cấp và sử dụng ổn định từ năm 1992 đến nay, đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002. Tòa cho rằng đất của gia đình chính sách được cấp sổ đỏ năm 2002 chồng lấn vào đất của người hàng xóm được cấp sổ đỏ năm 2010, việc đánh giá chứng cứ thiếu chuẩn xác khiến người dân không phục... 

Vụ tranh chấp dằng dai

Sự việc này khiến dư luận đặt nhiều nghi vấn về cách xử lý và đánh giá hồ sơ, chứng cứ của tòa án, sau gần 5 năm mà đến giờ vẫn chưa thể có một lời giải thích hợp.

Theo đơn gia đình ông Nguyễn Văn Tùng và bà Phạm Thị Nga (thôn Trâm Kiều, xã Đồng Lạc, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương) trình bày: Gia đình ông có 1.000 m2 ở xóm Pheo, thôn Trâm Kiều. Năm 1997, do là gia đình chính sách nên chính quyền địa phương đã tạo điều kiện chuyển đổi đất ở từ trại, bãi vào trong làng nên mẹ ông là cụ Hoàng Thị Hộ (tên gọi khác là bà Tưởng – vợ liệt sĩ Nguyễn Huy Tưởng) đã được nhà nước cấp cho 1 thửa đất tại thôn Trâm Kiều.

Năm 1990, Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cụ Tưởng, thửa đất số 171, tờ bản đồ số 3 với diện tích 451 m2. Sau khi già yếu, cụ Tưởng là đã tặng lại đất đó cho ông Tùng, bà Nga. Năm 2002, ông bà Tùng, Nga được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chính là thửa đất số 171, tờ bản đồ số 3 với diện tích 451 m2, sơ đồ giáp ranh hình thể như trong sơ đồ vẽ cụ thể cấp giấy chứng nhận đã cấp cho cụ Tưởng năm 1990.

“Phía giáp với mảnh đất của nhà tôi có gia đình ông Nguyễn Văn Tạo và bà Nguyễn Thị Dung, cả hai được cấp đất năm 1990. Năm 2002, vợ chồng tôi đến ở trên thửa đất đó và không có tranh chấp gì với gia đình ông Tạo, bà Dung. Chỉ sau khi vợ chồng ông Tạo, bà Dung ra tòa ly hôn (năm 2002) và được TAND tỉnh Hải Dương phân xử chia tài sản theo bản án số 07/2010/DS-ST ngày 20/5/2010 thì xảy ra tranh chấp với gia đình tôi. Năm 2014, bà Dung dựa trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp năm 2010 (theo phân chia của TAND tỉnh Hải Dương) đã kiện gia đình tôi lấn chiếm 115 m2 trên phần đất của bà ấy”, ông Nguyễn Văn Tùng cho biết.

Ông Tùng cho rằng điều này là vô cùng phi lý. Bởi, Nhà nước cấp đất cho gia đình liệt sĩ từ 1990, gia đình sử dụng nguyên trạng đất này, đến năm 2002 thì đất trên được cấp sổ đỏ mang tên ông. Hình trạng thửa đất vẫn giữ nguyên không thay đổi và gia đình vẫn ở ổn định từ đó đến nay.

“Tôi được biết quá trình chia tách đất đai của ông Tạo, bà Dung là không đúng quy định. Quá trình thẩm định, đo đạc chia cắt đất đai của ông Tạo, bà Dung không thông báo cho gia đình tôi biết để phân định giáp ranh và cũng không căn cứ sơ đồ theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của 2 gia đình, nhất là sơ đồ của ông Tạo để thẩm định khiến quá trình phân định giáp ranh chồng lấn sang cả lối đi của gia đình tôi. Hiện trạng đất của vợ chồng ông Tạo không đúng theo sơ đồ giấy chứng nhận đã được cấp, vậy nên việc phân chia đất của vợ chồng ông này sau khi ly hôn cũng không khớp giữa giấy tờ và thực tế”, ông Tùng cho biết.

Đại diện Tòa án cùng các hộ gia đình kiểm tra hiện trạng sử dụng đất

Ông Tùng cho rằng: “Khi bà Dung làm thủ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã không xin chữ ký giáp ranh của gia đình tôi. Hơn nữa quá trình tách sổ giữa ông Tạo và bà Dung cũng chưa thực hiện, chưa có sự chứng kiến của ông Tạo và sổ đỏ của ông Tạo hiện vẫn còn đang nguyên. Tức là mảnh đất của bà Dung được chia đang tồn tại trên 2 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cùng lúc”.

Trong Bản án số 19/2019/DS-ST ngày 8/11/2019 của TAND huyện Nam Sách, do thẩm phán Đoàn Thị Thu Thúy chủ tọa, ông Nguyễn Văn Tạo trình bày, năm 2010, TAND tỉnh Hải Dương giải quyết chia tài sản cho gia đình ông, hình thể thửa đất trên thực tế chia tách khác với hình thể trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được nhà nước cấp cho ông. Ông Tạo cho biết, sau khi làm thủ tục chia tách, ông vẫn đang sử dụng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ và hiện đang thế chấp để vay tiền tại ngân hàng.

Quá trình xét xử, TAND huyện Nam Sách đưa ra tài liệu xác minh tại UBND xã Đồng Lạc, các thửa đất của gia đình ông Tạo, bà Dung; ông Tùng, bà Nga (chủ đất cũ là cụ Hoàng Thị Hộ, tên gọi khác Tưởng) đã được cấp sổ đỏ. Năm 2008, UBND xã tiến hành đo đạc lại toàn bộ diện tích đất thổ cư, nhưng kết quả đo vẽ năm 2008 không được nghiệm thu, do đó không có tờ bản đồ năm 2008(?). Nhưng năm 2010, TAND tỉnh Hải Dương tiến hành phân chia tài sản sau ly hôn cho vợ chồng ông Tạo, bà Dung lại xác định hình thể, kích thước dựa trên kết quả đo vẽ năm 2008 - một kết quả không được nghiệm thu và có bản đồ hợp lệ.

Đặc biệt, trong Bản án số 19/2019/DS-ST của TAND huyện Nam Sách cũng nêu rõ, sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra thì cho rằng hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các bên hiện UBND xã Đồng Lạc và UBND huyện Nam Sách không còn lưu giữ, đặc biệt sổ đỏ cấp cho bà Dung năm 2010. Vậy phán quyết của Tòa án liệu có thuyết phục?

Những phán quyết gây tranh cãi

Chính vì những tài liệu chưa rõ ràng của UBND xã Đồng Lạc và chủ yếu căn cứ vào biên bản thẩm định tại chỗ của Tòa án không chuẩn xác, các chứng cứ khách quan, đặc biệt là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trước đó lại chưa được đánh giá đầy đủ nên khi đưa vụ việc tranh chấp mốc giới quyền sử dụng đất ra xét xử, TAND huyện Nam Sách đã ra phán quyết buộc ông Nguyễn Văn Tùng, bà Phạm Thị Nga (là chủ sở hữu thửa đất số 171 được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2002) hoàn trả lại phần diện tích 115 m2 cho bà Nguyễn Thị Dung (là chủ sở hữu thửa đất số 337 được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2002).

Đồng thời, Thẩm phán Đoàn Thị Thu Thúy còn yêu cầu huỷ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp năm 2002 cho ông Nguyễn Văn Tùng và Phạm Thị Nga. Theo nhận định của Tòa thì Giấy chứng nhận cấp năm 2002 đã chồng lấn lên Giấy chứng nhận cấp năm 2010, tức là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp trước chồng lấn Giấy chứng nhận cấp sau.

Chính vì sự vô lý nêu trên, ông Tùng, bà Nga đã có đơn khởi điện đến các cơ quan chức năng để làm rõ sự việc này. “Gia đình tôi bị ép phải tranh chấp mốc giới quyền sử dụng đất, là gia đình chính sách nhưng chúng tôi không được giải quyết thỏa đáng. Vụ việc diễn ra đến nay gần 5 năm nhưng những căn cứ đưa ra đều không thuyết phục, tuyên gia đình chúng tôi phải trả lại đất cho bà Dung. Chúng tôi khẳng định không có chuyện lấn chiếm mà chúng tôi đang ở đúng hiện trạng đất nhà nước cấp từ trước tới nay”, ông Tùng nói.

Đọc thêm