Hãi hùng "cơn bão" đa cấp

“Cơn bão” đa cấp đang thực sự đe dọa đến sự bình yên của các gia đình. Đành rằng, đa cấp là một hình thức kinh doanh mới, tiến bộ đã thu được nhiều thành công trên thế giới, đã được pháp luật công nhận,  nhưng khi vào Việt Nam, với thói quen ăn xổi ở thì, làm giàu kiểu chụp giật, hình thức đa cấp đã biến tướng thành vòi bạch tuộc đen “nuốt chửng” nhiều ước mơ, nhiều con người, nhiều gia đình...

Cơn lốc bán hàng đa cấp đang làm nhiều gia đình điên đảo. Nhiều giá trị, quy luật của cuộc sống cũng bị thay đổi bởi cơn lốc hãi hùng này.

Không đa cấp thì đừng yêu con gái

Mọi chuyện bắt đầu từ khi người mẹ trong gia đình tham gia mạng kinh doanh đa cấp. Lúc đầu, người chồng và các con trong gia đình tôn trọng nên không có ý kiến gì, nhưng sau đó khi bà bắt đầu quá mải mê với những lời hứa, những lợi nhuận ảo được đưa ra từ những cuộc hội thảo và nghĩ ra đủ mọi cách để lôi kéo cả gia đình tham gia, thậm chí bằng quyền của một người vợ, người mẹ thì cả nhà phát hoảng.

Đỉnh điểm của xung đột gia đình khi  cô con gái út trong nhà có người yêu dẫn về giới thiệu gia đình. Bà mẹ đã nói thẳng rằng nếu anh người yêu không tham gia kinh doanh đa cấp cùng bà thì đừng hòng bà cho phép yêu con gái.

Nhưng mọi việc đâu đã dừng ở đó,  người mẹ bỏ hàng chục triệu đồng tiền nhà mua hàng rồi phân phát bắt cả nhà phải dùng. Ai không dùng thì bà trách móc, giận dỗi. Không thuyết phục được người trong nhà, bà quay sang “tấn công” họ hàng.

Bà tận dụng các buổi giỗ chạp, cưới xin, đám hỏi, lên nhà mới… để mang hàng tới giới thiệu cho mọi người. Bà còn tìm cách có số điện thoại của những người công tác tại cơ quan chồng để gọi điện mời họ tham gia…

“Nếu như trước kia, khi mẹ tôi chưa tham gia đa cấp, thì thứ 7 và chủ nhật là ngày mà gia đình tôi quây quần bên nhau. Phòng khách là nơi chúng tôi thường cùng ngồi xem ti vi hay uống trà và bàn luận về mọi thứ, Nhưng nay nó trở thành địa điểm hội thảo đa cấp. Xin các ông đa cấp hãy tha cho gia đình tôi", đó là lời khẩn cầu được đăng tải trên trang Facebook của Sơn Nguyễn Thủy và nhận được rất nhiều chia sẻ.

Hối hận vì mang tiền mồ hôi nước mắt của cha mẹ “cúng” đa cấp

Sinh ra ở vùng đất nghèo khó, sinh viên Cao Thị Diệu quê ở Hà Tĩnh từ nhỏ đã luôn ý thức được sự hy sinh cực khổ của cha mẹ mình để nuôi con ăn học. Không phụ lòng cha mẹ, Diệu đã cố gắng thi đỗ ĐH, trở thành sinh viên với ước mơ ngày ra trường đi làm sẽ trả ơn cha mẹ.

Vậy mà, vì tham gia  đa cấp với mơ ước kiếm nhiều tiền mà Cao Thị Diệu đã hoang phí số tiền chục triệu đồng cha mẹ dành dụm cho để mua máy tính phục vụ học tập. Đau khổ hơn nữa, Diệu còn bỏ lỡ cơ hội tốt nghiệp đại học.

Trong bức thư gửi cho cha mình, Diệu đã ân hận viết: “Cha ơi! Con xin lỗi! Ba năm đi học xa nhà, con luôn tự bảo mình phải cố gắng. Con chưa bao giờ dám làm gì để cha mẹ, anh chị phải buồn, phải lo lắng. Vì gia đình mình nghèo, 6 anh chị em chỉ mỗi mình con là được ăn học đàng hoàng.

Cha mẹ phải tích cóp từng đồng cho con ăn học. Khi con sắp làm khóa luận tốt nghiệp, cha mẹ đã không ngại khó, ngại khổ mà gom góp gửi cho con hơn 10 triệu để mua máy tính, không bao giờ con dám tiêu dù chỉ một đồng.Vậy mà, một phút nhẹ dạ cả tin nghe những lời hứa hẹn, dụ dỗ ngon ngọt của anh chị trong (...) chi nhánh Hà Đông, con đã lấy số tiền đó để mua ba gian hàng với hi vọng là sẽ kiếm được tiền phụ giúp cha mẹ.

Từ khi biết mình bị lừa, con không biết đối diện với sự thật này thế nào nữa, 10 triệu với gia đình mình là khoản tiền lớn… Cha biết không?. Ai đánh đập, chửi mắng con cũng chịu được, nhưng con không thể chịu được khi nhìn thấy cha mẹ buồn, khổ vì con. Hôm qua, vừa biết tin con không đủ điều kiện được tốt nghiệp, con chưa dám nói với cha. Làm sao con có thể chịu được hai cú sốc này cùng lúc?”.

Không được mách người lớn trong gia đình nếu tham gia đa cấp

Hai câu chuyện trên đây đã phần nào chứng minh rằng, “cơn bão” đa cấp đang thực sự đe dọa đến sự bình yên của các gia đình. Đành rằng, đa cấp là một hình thức kinh doanh mới, tiến bộ đã thu được nhiều thành công trên thế giới, đã được pháp luật công nhận,  nhưng khi vào Việt Nam, với thói quen ăn xổi ở thì, làm giàu kiểu chụp giật, hình thức đa cấp đã biến tướng thành vòi bạch tuộc đen “nuốt chửng” nhiều ước mơ, nhiều con người, nhiều gia đình.

Tại sao lại nói đa cấp như con bạch tuộc đen, bởi theo cơ quan điều tra qua những vụ bán hàng đa cấp lừa đảo bị phanh phui thì quy tắc chung của nhiều công ty đa cấp là khi tham gia tuyệt đối không được tiết lộ, kể cho ai về việc mình sắp làm. Đặc biệt là người lớn trong gia đình?!.

Chính vì cái “quy tắc” quái gở này mà nhiều bạn trẻ đã “nướng” tiền vào đa cấp một thời gian dài nhưng gia đình không hề hay biết, hay những người chủ trong gia đình âm thầm rút sổ tiết kiệm để mua hàng tham gia, đến khi vỡ lở ra thì tiền đã mất, hậu quả  phải gánh chịu.

Điều 7 Nghị định 110/2005 /NĐ-CP yêu cầu doanh nghiệp không được yêu cầu người muốn tham gia phải mua một số lượng hàng hóa ban đầu để được quyền tham gia mạng lưới bán hàng đa cấp, doanh nghiệp không được cho người tham gia nhận tiền hoa hồng, tiền thưởng, lợi ích kinh tế khác từ việc dụ dỗ người khác tham gia bán hàng đa cấp…. Tuy nhiên, thực tế cho thấy đây vẫn là chiêu lừa chủ yếu của kinh doanh đa cấp ở Việt Nam. Và nhiều gia đình, đã và đang lao đao vì nó.

Hồng Minh

Đọc thêm