Nhiều tài liệu và truyền tụng kể rằng, vì yêu quý và mến tài của Phạm Ngũ Lão nên Quốc công Tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn đã gả con gái thứ hai cho ông. Theo lệ nhà Trần, hoàng tộc không gả con cho người ngoại tộc, chính vì vậy để làm được điều đó một cách thuận tình đạt lý, Trần Hưng Đạo đã phải giáng con gái Anh Nguyên xuống làm con nuôi.
Người con gái của vị Quốc công Tiết chế
Tuy nhiên một số sách vở lại chép rằng, Anh Nguyên quận chúa thực sự là con gái nuôi chứ không phải con đẻ của Trần Hưng Đạo, trong Lịch triều hiến chương loại chí có đoạn viết về Phạm Ngũ Lão như sau: “Ông người làng Phù Ủng, huyện Đường Hào. Năm ông ngoài 20 tuổi, Hưng Đạo vương thấy, biết là người có tài lạ bèn gả con gái nuôi cho và tiến cử lên”. Ghi chép này không phải là không có căn cứ, thậm chí có địa phương còn xác nhận quê quán, thân thế của Anh Nguyên quận chúa.
Theo truyền tụng tại trang Đào Thôn, sau đổi là làng Đào Động, huyện Phụ Phượng (nay thuộc xã An Lễ, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) thì Anh Nguyên quận chúa là người làng này. Đây là vùng đất đẹp, cùng với các làng Lộng Khê, Tô Đê, A Sào từ đời Lý đã được tôn là: “Lý triều tứ cố cảnh”.
Chuyện kể rằng một lần Trần Hưng Đạo dẫn quân qua đây, các bô lão và dân làng vui mừng chào đón, họ cử một cô gái tên là Đào Nữ ra hầu việc rót trà tiếp nước cho ngài. Thấy cô gái trẻ xinh đẹp, nhanh nhẹn, đối đáp thông minh, đoàn trang đức hạnh, Trần Hưng Đạo thấy yêu mến, ông nhận xét đây là “mỹ nữ lạc nơi thôn dã” và nhận cô gái ấy làm nghĩa nữ (con gái nuôi) và đặt cho tên mới là Anh Nguyên. Từ một cô gái thôn quê, do cơ duyên may mắn trở thành con gái nuôi của vị danh tướng kiệt xuất triều Trần mà Đào Nữ (Anh Nguyên) được phong tước quận chúa.
Không chỉ đảm đang việc nội trợ, nữ công mà Anh Nguyên còn giỏi võ nghệ, có tài thao lược khiến Trần Hưng Đạo rất ngạc nhiên, thán phục. Về sau ông giao cho con gái nuôi cai quản một cánh thủy quân và nàng thường xuyên cho quân huấn luyện, thao diễn trên một đầm nước rộng lớn ở làng mình, vì thế đầm nước đó được gọi là “đầm Bà”. Cũng trong thời gian ấy, nhiều tướng lĩnh trong đó có Phạm Ngũ Lão cũng về huyện Phụ Phượng hội quân để chuẩn bị chống đánh giặc Nguyên Mông. Trước cảnh đẹp của vùng đất này, tướng quân họ Phạm xúc cảm thành thơ:
Xuân đến lung linh rợp cờ trời hoa,
Hạc về để tiễn gió thu qua.
Dưới bóng trời, mây đều rực rỡ,
Đáng cảnh thần tiên nhất nước nhà.
Mến cảnh rồi mến cả người, trai tài gái sắc gặp nhau, Phạm Ngũ Lão và Anh Nguyên quận chúa đem lòng yêu thương nhau, lại được Trần Hưng Đạo vun đắp, tác hợp chuyện tình yêu. Sau này, khi đất nước sạch bóng ngoại xâm, Trần Hưng Đạo đã xin vua cho con gái nuôi được mở tư dinh ở Đào Động.
Trần Hưng Đạo gả con gái nuôi cho tướng quân Phạm Ngũ Lão (Hình minh họa) |
Dù trở thành bậc cành vàng, lá ngọc cao sang nhưng Anh Nguyên quận chúa vẫn gắn bó với quê hương, nàng làm nhiều việc có ích cho dân quê, xóm làng, lại cùng chồng bỏ tiền hưng công tu bổ đình chùa, đền miếu trong vùng… Ân đức ấy được người dân nhớ mãi, nay trong lời ca hát văn ở Đào Động, bài văn thỉnh mẫu Anh Nguyên có câu rằng:
Nhà phúc sinh trang quốc sắc,
Đất thiêng đón khách anh hùng.
Đầm Bà nhắc chuyện muôn xưa,
Sông Vật nhớ thời trận mạc.
Nay quận chúa xa chơi cõi hạc,
Quan Điện tiền về chốn tiên nga.
Ơn đức chan chan sáng mãi không mờ,
Nén hương thơm dâng người thiên cổ.
Cơ duyên với cô gái đẹp đất Kiện Khê
Ngoài chuyện tình của Tướng quân Phạm Ngũ Lão với Anh Nguyên quận chúa ra, ít thấy tư liệu, sử sách nào đề cập thêm về đời tư của ông nên hậu thế không mấy người được biết về người vợ thứ hai của Phạm Ngũ Lão.
Chuyện kể rằng, một lần Tướng quân Phạm Ngũ Lão dẫn quân đi đánh trận, qua vùng Kiện Khê, huyện Thanh Liêm (nay là thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) thì gặp một đội nghĩa binh kéo ra xin đi theo. Tướng quân Phạm Ngũ Lão nghe lính ở tiền quân chạy đến báo tin, lấy làm ngạc nhiên liền phóng ngựa tiến nhanh về phía trước.
Bấy giờ chỉ huy toán nghĩa binh là một thiếu nữ trẻ đẹp, nai nịt gọn gàng bước ra đứng trước hàng quân chắp tay, cúi đầu nói: “- Nước có giặc, làm tôi con của triều đình không thể không dốc sức vì vua. Chúng tôi đây ở chốn quê mùa, tài hèn sức mọn nhưng nguyện đem thân mình để báo đền ơn nước, dẫu có chết cũng cam lòng, xin tướng quân thu nhận”.
Thấy người nữ tướng, Phạm Ngũ Lão liền xuống ngựa hỏi: “- Tôi vâng mệnh triều đình đi đánh giặc Thát Đát, thế lực của chúng rất mạnh, muốn thắng được phải nhờ sức của muôn dân, nhưng nàng là phận nữ, vốn quen với việc kim chỉ, thêu thùa làm sao có thể cầm cây giáo dài, giương cây cung nặng được?” Cô gái liền đáp:
“- Kính thưa tướng quân, nước mất thì nhà tan, đánh giặc là việc chung của mọi người, đâu phải chỉ là việc của quân lính triều đình. Xưa kia đã có Bà Trưng, bà Triệu, sau còn có bao nữ kiệt anh hùng khác. Gương sáng tỏ như nhật nguyệt, uy danh còn vang vọng đến nay, thế thì việc phận gái dự chuyện binh đao đâu phải là hiếm thấy!”
Tướng quân Phạm Ngũ Lão rất thán phục trước sự đối đáp và ý chí mạnh mẽ của cô gái, ông đồng ý cho nàng và đội nghĩa binh đi theo. Cô gái ấy tên là Lương Thái Tần, con một nhà đình khá giả, có truyền thống binh thư võ nghệ.
Từ đó, Lương Thái Tần và đội quân nông dân của nàng đã tham gia nhiều trận đánh do Tướng quân Phạm Ngũ Lão chỉ huy. Về sau ông khuyên nàng đem quân về quê gây dựng đồn lũy, tích trữ lương thảo để cung ứng cho triều đình. Khi về Kiện Khê, Lương Thái Tần vận động dân chúng khai ngòi, khơi mương nước, khẩn đất hoang để trồng cấy, mộ thêm quân lính, rèn đúc vũ khí góp sức vào cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông lần thứ III (1287 – 1288).
Nữ thủ lĩnh nghĩa binh vùng Kiện Khê (Hình minh họa) |
Lại nói về Phạm Ngũ Lão, sau trận đại thắng, ông được triều đình phong tước lớn nhưng vì công việc bận rộn, lại phải dẫn quân đi đánh Ai Lao xâm phạm bờ cõi phía Tây nên ông chưa có dịp trở lại Kiện Khê để thăm Lương Thái Tần, người con gái mà ông đã thầm yêu mến từ lâu.
Theo chính sử, đầu năm Đinh Dậu (1297) quân Ai Lao lại lấn chiếm biên giới, tràn đến thượng lưu sông Mã, Phạm Ngũ Lão được lệnh dẫn quân đi đánh: “Nước Ai Lao xâm lấn sông Chàng Long, Phạm Ngũ Lão đem quân đánh, quân giặc bị thua, lấy lại được đất cũ. Vua ban vân phù [con so vẽ mây] ban cho Phạm Ngũ Lão” (Đại Việt sử ký toàn thư).
Sau trận chiến này, Phạm Ngũ Lão về Kiện Khê hỏi cưới Lương Thái Tần. Người vợ thứ của ông không chỉ giỏi chiến trận mà còn rất quan tâm đến đời sống dân chúng, bên cạnh việc khuyến nông, phu nhân còn bỏ tiền làm cầu đường, xây chùa miếu, cấp phát tiền gạo cho dân nghèo trong vùng, ơn đức rất lớn nên sau này khi mất, triều đình đã phong là Thủy Tinh công chúa.
Đến đời Hậu Lê, một số cư dân Kiện Khê và dân ở Trì Động, huyện Gia Viễn (nay thuộc Ninh Bình) về xã Dương Xá, huyện Mỹ Lộc lập ra trang Năng Lự, họ đã dựng đền thờ Thủy Tinh công chúa vào năm Ất Mão (1435). Ngôi đền đó nay là đền Bản Tỉnh, còn gọi là đền Cột Cờ thuộc phường Ngô Quyền, Thành phố Nam Định (đời Nguyễn thờ thêm Bạch Hoa công chúa Nguyễn Thị Trinh).
Trong sách Tân biên Nam Định tỉnh địa dư chí lược có đoạn viết về người vợ thứ của Phạm Ngũ Lão như sau: “Thủy Tinh công chúa tên là Lương Thái Tần, quê ở Kiện Khê Thanh Liêm, năm Đinh Dậu (1297) lấy Phạm Ngũ Lão, làm vợ bé, sinh được 4 trai 1 gái; ngày 2 tháng Giêng phu nhân mất đang niên hiệu Đại Trị năm đầu (1358), có mộ để ở núi Nhân Tập nơi quê sinh, duệ hiệu thờ là Đệ nhị phu nhân Thủy Tinh công chúa”…