Không điện thoại, không sổ sách, cũng như không có bảng giờ tàu, chỉ cần dùng tai nghe ngóng là ông có thể phát hiện tàu đang chạy đến dù cách vài km. Suốt 12 năm qua, ông lặng lẽ làm barie gác tàu cho dân làng. Công việc “vác tù và hàng tổng” ấy được người vợ ủng hộ.
Ông lão có đôi tai nhạy
Căn vọng gác trống trơn với 4 bức vách xây hụt và vài tấm lợp là nơi “làm việc” của ông Nguyễn Huy Chi (SN 1939, ngụ xóm 6, xã Quỳnh Tân, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) hơn 12 năm nay.
Không bảng giờ tàu, không điện thoại, cũng chẳng có chiếc ghế ngồi, vọng gác chỉ có tấm phản gỗ ọp ẹp được ông Chi kết lại từ những thanh gỗ vụn. Ấy thế mà bao năm nay, ngày lại ngày, cứ độ chừng 6h sáng ông lại lúi húi ra làm việc. Đến chiều tối, ông mới lọc cọc đạp xe về nhà.
Ông Chi cho hay làm công việc này từ năm 2005. Trước đó, đoạn đường ngang dân sinh ở đầu thôn nơi có tàu đi qua từng gây ra không ít vụ tai nạn thương tâm. Điều đó khiến ông Chi luôn trăn trở.
Nhằm hạn chế vấn nạn trên, ngành đường sắt đã phối hợp chính quyền địa phương tổ chức cảnh giới đường ngang dân sinh đoạn km 254 + 030 và giao nhiệm vụ cho đoàn Thanh niên xã. Những ngày đầu, lực lượng trẻ nhiệt huyết cắt cử người trực gác, song chỉ sau vài tuần, đoạn đường đó đã vắng bóng dáng người túc trực. Thêm một vụ tai nạn xảy ra.
Sau sự việc đau lòng, ngành đường sắt thông báo hỗ trợ và mong muốn chính quyền xã tiếp tục cử người ra gác. Lúc này, ông Chi cùng một thành viên trong Hội cựu chiến binh xã đã đứng ra nhận công việc này. “Lúc nhận nhiệm vụ chúng tôi được phát 2 lá cờ hiệu màu đỏ, vàng. Mọi thứ khác phải tự túc. Chòi gác hoạt động chưa đầy nửa năm thì người bạn làm cùng xin nghỉ, chỉ còn tôi gác tàu đến tận hôm nay”, ông Chi chia sẻ.
Trong căn chòi nhỏ không có điện thoại, sổ sách, bảng giờ, ông lão chỉ dùng đôi tai để điều khiển công việc. Ông luôn tự hào vì trời phú cho đôi tai “nhạy”, do vậy công việc thuận tiện hơn. “Đôi tai tôi thính lắm, tàu chạy cách chừng gần cây số tôi đã cảm nhận được. Chưa bao giờ tôi phán đoán sai thời điểm tàu chạy qua”, ông nói.
Ông Chi đã làm công việc gác tàu hơn 12 năm nay |
Dù đã nhiều tuổi nhưng ông Chi nhớ rõ các thời điểm tàu về: “Mỗi ngày tại đây có 5 chuyến tàu khách, trong đó 2 chuyến buổi sáng, 3 chuyến buổi chiều, còn tàu chở hàng thì nhiều. Hễ nghe tiếng còi tàu từ xa, tôi lại nhanh chóng ra đứng ngay đầu đoạn giao cắt ra hiệu cho các phương tiện dừng lại và giơ cờ hiệu cho lái tàu”.
Về thù lao, lúc mới nhận công việc, ông được trả 60 nghìn/tháng, đến năm ngoái số tiền đã tăng lên 1 triệu đồng/tháng. Khoản tiền đó ông phụ giúp vợ trang trải cuộc sống. “Điều tôi áy náy nhất là hơn chục năm nay chẳng đỡ đần gì cho vợ cả, cứ sáng đi tối về ăn cơm, mọi việc lớn nhỏ trong nhà bà ấy đều làm hết. Thậm chí có hôm tôi bận việc thì bà ấy còn tình nguyện ra thay tôi gác tàu”, ông Chi trăn trở.
Mối tình “rổ rá cạp lại”
Nhắc đến người vợ, giọng ông Chi trầm xuống: “Chúng tôi như hai mảnh ghép bị vỡ, vô tình gặp và khít nhau đến bất ngờ. Trước đây chưa bao giờ tôi nghĩ sẽ lấy bà ấy, bởi chúng tôi chênh nhau tới 22 tuổi. Mặc dù ở cùng xã nhưng tôi chỉ xem bà ấy như con cháu mình, chưa bao giờ để ý đến. Vậy mà duyên số đã đưa chúng tôi về chung một nhà”.
Người phụ nữ mà ông Chi nhắc đến là bà Nguyễn Thị Liên. Trước kia, là người mẹ đơn thân, người phụ nữ ấy đã vượt lên những lời đàm tiếu của dư luận, cật lực làm việc. Còn ông Chi, vì vợ mất nên một mình “gà trống” nuôi 4 đứa con. Trong quãng thời gian khó khăn, ông đã nhận được sự động viên, quan tâm của bà Liên. “Tôi cảm nhận được tình yêu của bà ấy nên nên quyết định mở lòng mình một lần nữa”, ông Chi nói.
Mối tình của họ ban đầu bị chính người thân, con cái phản đối. Ông kể: “Đó từng là bức tường thành ngăn cản chúng tôi đến với nhau. Hơn nữa, việc con đầu của tôi chỉ thua bà ấy 4 tuổi cũng khiến tôi trăn trở nhiều ngày”.
Nhưng rồi cặp đôi quyết vượt qua mọi rào cản. Người cảm thông rất nhiều, người đàm tiếu cũng không ít. Riêng người trong cuộc có những lý lẽ của riêng mình. “Hai chúng tôi đều là những người từng chịu mất mát tổn thương, nhưng có lẽ vì thế mà chúng tôi cảm thấy bình yên khi ở bên nhau”, bà Liên mỉm cười.
Trong ngôi nhà cấp 4, ông bà cùng nhau chăm sóc 7 người con (trong đó có 4 người con riêng và 3 đứa con chung - PV) chỉ bằng 3 sào ruộng và số tiền ít ỏi từ chế độ thương binh của ông Chi. Thế nhưng rất ít khi người ta thấy ông bà to tiếng với nhau.
Bà Liên cho hay luôn ủng hộ công việc của chồng |
Bà Liên tâm sự: “Chúng tôi luôn cố gắng gìn giữ hạnh phúc. Nếu thấy việc gì không hợp lý thì cả hai đều lẳng lặng làm việc của mình, đến vài ngày sau cơn giận qua đi, sẽ tự động giảng hòa”.
Trong hơn chục năm làm barie, ông Chi có nhiều kỷ niệm. Như sự cố cách đây 3 năm, phát hiện một phụ nữ chở muối đi qua đường sắt, xe nặng, cồng kềnh nên khi đi qua đường ray cả xe và người bị ngã. Cùng thời điểm trên, ông nghe tiếng tàu sắp đến nên vội tri hô người kia bỏ xe chạy lấy người.
Nhưng vì tiếc của, người phụ nữ cứ khăng khăng tiếp tục dựng xe. Trong khoảnh khắc, ông lao vào đường ray lôi ra, đúng lúc đoàn tàu ầm ầm chạy đến. Chiếc xe và hàng hóa nát bét nhưng may mắn là người phụ nữ thoát chết trong gang tấc.
Nói về ông lão thầm lặng gác tàu, ông Bùi Đăng Sáu, Trưởng ga Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) cho biết: “Dù không trực tiếp quản lý cung đường này, nhưng tôi biết việc làm của ông Nguyễn Huy Chi. Dù tuổi đã già, sức khỏe yếu nhưng ông ấy luôn tâm huyết với nhiệm vụ mà mình đã nhận. Ông Chi là một trong những điển hình người tốt, việc tốt, là tấm gương vì sự an toàn giao thông ở tỉnh Nghệ An”.