Hai “ông Tây” sang Việt Nam bán nước mía

(PLO) - Tiệm “Welcome To nước mía” của “hai ông Tây” Thổ Nhĩ Kỳ trên đường Hạ Long (Bãi Dâu, TP.Vũng Tàu, Bà Rịa - Vũng Tàu) ngày càng thu hút giới trẻ. Sinh viên, học sinh đến uống nước và giao tiếp tiếng Anh, người lớn tuổi đến ngồi ngắm biển, người hiếu kỳ đến chụp ảnh làm kỷ niệm.
Hasim và quán nước mía đặc biệt.
Hasim và quán nước mía đặc biệt.
“Tây ba lô” bán nước mía
Sau khi rong ruổi hơn ba năm ở Sa Pa, Huế, Nha Trang, Đà Nẵng, TP.HCM Hasim đã chọn thành phố biển Vũng Tàu làm quê hương thứ hai. Anh cùng với người bạn Suleyman mở quán nước mía siêu sạch vừa để mưu sinh, vừa để gặp gỡ những người Việt để học hỏi ngôn ngữ, văn hóa, phong tục:
“Tôi muốn có một cuộc sống thanh bình. Tôi đã chọn Vũng Tàu để sống. Không biết khi nào trở lại Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng tôi thực sự thích sống ở đây. Người Việt Nam luôn hấp dẫn tôi, nhất là các bạn trẻ”, Hasim chia sẻ.
Nằm nép sát vách núi Lớn trên đường Hạ Long, tiệm nước mía siêu sạch của hai “ông Tây” luôn thu hút giới trẻ, có lẽ phần nhiều vì chủ quán là người Thổ Nhĩ Kỳ vui tính luôn nở nụ cười tươi rói. 
Đối với người lớn tuổi, đến uống nước mía để ngắm cảnh đường Hạ Long và nhìn biển mênh mông, còn đối với sinh viên, học sinh, đến uống nước để nói chuyện với ông chủ quán, nâng cao trình độ ngoại ngữ. 
Từ khi mở hàng, tiệm nước mía “Welcome To nước mía” đã trở thành điểm hẹn tiếng Anh của nhiều người trẻ ở Vũng Tàu, Đồng Nai, Sài Gòn.
Đối với hai anh Hasim và Suleyman, chủ quán nước mía đặc biệt, bán hàng vừa để kiếm thêm thu nhập vừa được tiếp xúc, tìm hiểu về con người, phong cảnh Việt Nam. “Sống ở đây luôn thanh bình, người Việt Nam rất thân thiện. Tôi thích các bạn trẻ Việt Nam sẵn sàng chia sẻ và nói chuyện với các bạn. Ở xa quê hương, tôi luôn coi các bạn là người thân thiết”, Hasim chia sẻ.
Nhiều bạn trẻ đến quán vì mến ông chủ nước ngoài vui tính.
  Nhiều bạn trẻ đến quán vì mến ông chủ nước ngoài vui tính.
Cùng đồng hành mưu sinh với Hasim, “ông tây nước mía” Suleyman có một thành tích kinh doanh đáng nể khác. Từ một “Tây ba lô” du lịch không biết tiếng Việt, anh đã trở thành người đồng sở hữu tiệm phở Bắc Hải nổi tiếng ở Vũng Tàu.
 Ở nơi đất khách quê người, anh đã không nề hà làm nhiều việc để mưu sinh. Suleyman nói: “Ở Việt Nam làm không khổ và dễ kiếm tiền. Tôi học được nhiều điều về sự cần cù của người Việt, như những em bé bán vé số”.
Anh Đinh Văn Thắm, chủ tiệm phở Bắc Hải, người cộng tác với Suleyman mở tiệm phở Bắc Hải ở khu vực Tàu cánh ngầm đường Hạ Long, cho biết: “Suleyman rất chịu khó. Mặc dù kinh doanh nhưng anh ấy không nặng nề về kinh tế, luôn coi việc kinh doanh là niềm vui, hạnh phúc khi được bán phở Việt. Bốn giờ sáng, trong khi nhiều người còn ngủ say giấc, anh ấy đã dậy chạy dài, tắm biển rồi về lau dọn, kê bàn ghế ở quán. Anh ấy rất chịu khó và luôn niềm nở với khách, mặc dù tiếng Việt chỉ bập bẹ vài câu.”.
“Ngày bán nước, đêm ngủ nhà lá”
Khi tàu cánh ngầm ngưng hoạt động cũng là lúc Suleyman chuyển nghề kinh doanh. Anh nói lý do mở quán nước mía cạnh bờ biển Hạ Long là do muốn có thời gian để giao tiếp hơn với người Việt, tìm hiểu phong tục tập quán của người Vũng Tàu và khách du lịch. 
Quán nước mía thân thiện của hai ông Tây
 Quán nước mía thân thiện của hai ông Tây
Mỗi ly nước mía giá 10 ngàn đồng, hỏi lợi nhuận, Suleyman cười thoải mái, nói: Lãi không nhiều, nhưng vui nhất là tiếp xúc với người trẻ, sinh viên, học sinh để học tiếng Việt. Anh pha trò: “Trước đây ngày bán phở, đêm ngủ khách sạn. Còn giờ, ngày bán nước mía, đêm ngủ nhà lá và sống như những người Việt Nam bình thường khác”.
Hasim cho biết, hiện gia đình anh ở Thổ Nhĩ Kỳ còn mẹ và em trai. Mẹ anh hiện làm chủ một doanh nghiệp buôn bán vòng bạc giàu có nhưng anh lại chọn Việt Nam sinh sống. Nhận xét về người trẻ Việt Nam, Hasim cho rằng, người Việt Nam vui vẻ, hòa đồng, nhưng “họ có một chút “điên cuồng”, như đi xe máy ẩu, lái taxi ẩu, xả rác ra đường”, Hasim nói. 
Cùng đi ăn phở, Hasim ăn một cách ngon lành, “gạn” sạch nước không chừa lại “cho lịch sự”. Anh cười: “Hồi nhỏ mẹ dặn khi ngồi vào bàn là phải ăn hết, nếu không ăn hết thì đi ra ngoài. Ăn hết vừa không lãng phí, vừa tôn trọng người mời, người bán phở”.

Đọc thêm