Hải Phòng: đê điều bị “bức tử”, chính quyền bất lực?

(PLO) - Với 24 tuyến đê dài trên 420km, Hải Phòng là địa phương có chiều dài đê sông và đê biển lớn thứ hai trong cả nước. Tuy nhiên, thay vì thực hiện nghiêm những chính sách và quy định về bảo vệ đê, hiện nay trên địa bàn Hải Phòng tình trạng vi phạm Luật đê điều, Pháp lệnh phòng chống lụt bão (PCLB) vẫn đang diễn ra tràn lan và có chiều hướng gia tăng.
Bãi tập kết VLXD chân cầu Khuể
Thực trạng về sai phạm đê điều
Theo khảo sát, thống kê của Chi cục quản lý đê điều và PCLB TP Hải Phòng, tính đến hết năm 2013, có hơn 3.000 trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều, PCLB. Trong những năm gần đây, lực lượng quản lý đê Hải Phòng đã xử lý được 1.044 trường hợp, hiện còn tồn tại hơn 1.900 trường hợp vi phạm chưa được xử lý như xây dựng nhà xưởng, âu tàu, bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu xây dựng (VLXD), san lấp mặt bằng… Những trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều và PCLB ở Hải Phòng ngày càng gia tăng. 
Theo ghi nhận của PV, các vi phạm chủ yếu tồn tại ở lĩnh vực xây dựng công trình nhà xưởng, lập bến bãi tập kết kinh doanh VLXD trong phạm vi bảo vệ đê, lấn chiếm lòng sông, bãi sông; các khu dân cư tập trung hình thành từ trước khi có Luật đê điều vẫn tiếp tục tồn tại và mở rộng; nạn khai thác cát, sỏi trái phép trên các tuyến sông, cửa biển như sông Văn Úc, sông Lạch Tray, sông Đá Bạc, sông Cấm và sông Thái Bình vẫn diễn ra hằng ngày. 
Qua tìm hiểu, việc lập các bến bãi tập kết cát và các loại VLXD trên bãi sông, hành lang bảo vệ đê điều hầu hết do tự phát, dựa trên cơ sở hợp đồng cho thuê đất của chính quyền địa phương với các hình thức sử dụng đất nông nghiệp, tập kết vật liệu xây dựng tạm thời…
Điển hình, tại đê Tả sông Văn Úc (thuộc địa bàn xã Quang Trung và Chiến Thắng, huyện An Lão, Hải Phòng) hiện có 16 doanh nghiệp, cá nhân san lấp mặt bằng, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, tập kết VLXD với khối lượng lớn, lập bến bãi trái phép. Vi phạm này tuy đã kéo dài từ nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được chính quyền sở tại cùng các ban, ngành liên quan xử lý triệt để. 
Tại đê Hữu sông Lạch Tray K31+500 (thuộc phường Đồng Hòa, quận Kiến An) hiện có tới 14 doanh nghiệp tư nhân và 400 hộ dân lấn chiếm bãi sông, tập kết vật liệu với khối lượng lớn, xây dựng thành khu công nghiệp. Tại đây có hai doanh nghiệp lớn (Cty CP xây dựng Đồng Hòa và Hợp tác xã thủy sản Đồng Hòa) mặc dù được UBND TP Hải Phòng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để sử dụng  vào mục đích nuôi trồng thủy sản nhưng đã tự ý chuyển đổi sang xây dựng khu công nghiệp. 
Vi phạm này đã kéo dài từ năm 2008 đến nay vẫn chưa được xử lý. Bên cạnh đó, cũng tại đê Tả sông Lạch Tray K19+500 (thuộc xã An Đồng, huyện An Dương, Hải Phòng) hiện cũng có tới 125 hộ dân đang lấn chiếm, xây dựng nhà ở trên mặt đê và mái đê.
Có hay không sự buông lỏng của chính quyền?
Ghi nhận tại địa bàn huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng, trên tuyến đê tả sông Cấm hiện có tới gần 30 trường hợp lấn chiếm xây dựng nhà xưởng sản xuất công nghiệp, âu tàu… ngay sát chân đê. Trên tuyến đê hữu sông Đá Bạc có hơn 10 tổ chức, cá nhân đã thực hiện san lấp, lấn ra lòng sông làm bến neo đậu cho các phương tiện vận tải thủy trên địa bàn xã Lưu Kỳ, Gia Minh…
Tiếp tục có mặt tại các tuyến đê huyện Vĩnh Bảo, huyện Kiến Thụy, quận Kiến An… những điểm nóng về vi phạm Luật đê điều trên địa bàn Hải Phòng, chúng tôi còn được chứng kiến sự bức xúc của người dân khi phải sống chung với thảm cảnh do đê điều bị “xẻ thịt”. 
Chị P.T.N- một người dân sống ngay gần chân cầu Khuể (khu 6, thị trấnTiên Lãng, huyện Tiên Lãng) bức xúc, vì lợi nhuận mà các doanh nghiệp kinh doanh VLXD ở đây không hề quan tâm đến vấn đề “an toàn đê điều”.
Họ vẫn hàng ngày, hàng giờ vô tư hút cát từ lòng sông mang bán kiếm lời gây lún sụt, sạt lở nghiêm trọng hai bên bờ sông Văn Úc. Cũng theo chị N, chuyện xe chở cát phóng nhanh, vượt ẩu, chạy bạt mạng không chỉ khiến người tham giao thông mà cả những người dân sống ở hai bên đường cũng thấy bất an…
Đồng quan điểm với chị N. bà N.T.L (xã Chiến Thắng, huyện An Lão) cho biết, nhiều năm nay dọc tuyến đê sông Văn Úc tình trạng người dân xây dựng nhà kiên cố ngoài đê, sát chân đê vi phạm Luật đê điều, hành lang thoát lũ ngày càng nhiều, điều này đã phần nào ảnh hưởng tới sự an toàn của các tuyến đê. Đặc biệt, dọc tuyến đê tại khu vực hai xã Quang Trung, Chiến Thắng có tới hàng trăm hộ gia đình xây nhà kiên cố trái phép ngoài đê vẫn ngang nhiên tồn tại. 
Cùng với tình trạng lấn chiếm bãi sông, hành lang bảo vệ đê là tình trạng khai thác cát trái phép trên các tuyến sông Văn Úc, sông Lạch Tray, sông Cấm… ngày càng gia tăng do nhu cầu san lấp mặt bằng của các công trình xây dựng lớn trên địa bàn TP. Hải Phòng ngày càng nhiều. 
Lượng vật liệu lớn chất trên bãi sông, cộng với hoạt động tần xuất cao của các phương tiện như xe chở VLXD trọng tải lớn, tàu thuyền, xà lan vận chuyển, bơm hút cát là nguyên nhân gây ra việc sạt lở bờ sông khiến lòng sông bị thu hẹp, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sự an toàn của các công trình đê điều và tiêu thoát lũ vào mùa mưa bão.
Trước những thực trạng vi phạm đê điều nêu trên, người dân trên địa bàn Hải Phòng không khỏi lo ngại về sự mất an toàn cho những tuyến đê. Bên cạnh đó, người dân cũng không khỏi nghi ngờ chính quyền ở đâu khi những vi phạm ngang nhiên tồn tại? Phải chăng những vi phạm trên đã được “lách luật” hay “dơ cao đánh khẽ”? hoặc chính quyền có xử lý nhưng lại xử theo kiểu “phạt cho tồn tại”? 

Đọc thêm