Cầu Bùi Viện hay còn có tên cầu Niệm 2 là công trình quan trọng thuộc Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng. Đây là cây cầu lớn nhất của dự án, vượt sông Lạch Tray, nối phường Vĩnh Niệm (quận Lê Chân) với phường Đồng Hòa (quận Kiến An).
Cầu Bùi Viện và đường dẫn thuộc gói thầu CW2A lô 2 của Dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng. Đây là gói thầu có giá trị lớn nhất trong các gói thầu của dự án với mức đầu tư 733 tỷ đồng, bao gồm xây dựng cầu và đường dẫn dài 543,7m, rộng 50,5m với 4 làn xe chạy và 2 làn phụ trợ, riêng phần cầu vượt qua sông Lạch Tray dài 200m. Cầu Bùi Viện được tài trợ một phần vốn từ ngân hàng thế giới WB (175 triệu USD) với tổng mức đầu tư lên đến 276,6 triệu USD.
|
Xe container chở gạch để tập kết ở gầm cầu Bùi Viện |
Theo tìm hiểu của PLVN, từ nhiều tháng nay, khu vực gầm cầu Bùi Viện xuất hiện tình trạng tập kết vật liệu, đổ rác thải, đỗ xe trái phép cả hai phía quận Kiến An và quận Lê Chân. Ở phía quận Kiến An, gầm cầu Bùi Viện đã biến thành bãi tập kết gạch. Không chỉ vậy, ngay sát hành lang an toàn cầu, một diện tích lớn khoảng 1.000 m2 thuộc tổ dân phố Tân Khê, phường Đồng Hòa, quận Kiến An được san lấp. Việc san lấp đã diễn ra trong nhiều tháng nay.
Trao đổi với PLVN, Chủ tịch UBND phường Đồng Hòa Vũ Văn Cường cho biết, diện tích đất trên thuộc quản lý của UBND phường Đồng Hòa. Nguồn gốc đất là đất nuôi trồng thủy sản. Liên quan đến việc chiếm dụng trái phép hành lang an toàn cầu Bùi Viện nói trên, ngày 30/7/2020, Sở Giao thông vận tải đã có văn bản số 1996/SGTVT-HTGT&ATGT đề nghị UBND quận Lê Chân, quận Kiến An tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất dành cho đường bộ, phạm vi bảo vệ cầu đồng thời quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn đường bộ theo quy định; xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, tình trạng lấn chiếm và sử dụng trái phép không thuyên giảm, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng.
|
Diện tích san lấp 1.000m2 ngay sát hàng lang an toàn cầu Bùi Viện |
|
Gầm cầu vượt đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua huyện Kiến Thụy thành bãi rửa xe. |
Được biết, để đảm bảo việc quản lý, sử dụng gầm cầu, hành lang an toàn công trình cầu và chống lấn chiếm sử dụng trái phép hành lang an toàn với cầu Bùi Viện, Trung tâm quản lý bảo trì giao thông công cộng và Đăng kiểm thủy (Sở Giao thông vận tải) và Công ty cổ phần công trình đô thị đã khảo sát lập phương án lắp đặt rào chắn kiên cố gầm cầu Bùi Viện để bảo vệ chống lấn chiếm cầu. Nguồn kinh phí dự kiến cho phương án lắp đặt rào chắn khoảng 1,8 tỷ đồng. Thời gian dự kiến lắp đặt rào chắn là năm 2021.
|
“Đại công trường” tại gầm cầu Khuể |
Thông tư số 35/2017/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ, không được sử dụng gầm cầu đường bộ làm nơi ở, bãi đỗ xe và các dịch vụ khác. Song, trên thực tế, việc chiếm dụng gầm cầu đường bộ làm nơi kinh doanh… diễn ra ở nhiều gầm cầu đường bộ tại Hải Phòng.
Ngoài cầu Bùi Viện, gầm cầu vượt đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đoạn qua huyện Kiến Thụy cũng biến thành bãi rửa xe ô tô, thay dầu, dọn nội thất. Các đối tượng chiếm dụng còn dựng lán, quây tôn ngay dưới gầm cầu. Gầm và hành lang an toàn cầu Khuể, cây cầu thuộc tỉnh lộ 354 bắc qua sông Văn Úc, nối hai huyện Tiên Lãng và An Lão, cũng biến thành “đại công trường” tập kết nguyên vật liệu. Đặc biệt, các đối tượng chiếm dụng còn xây dựng “đại công trường” này thành bến thủy nội địa trái phép để tự do bốc dỡ cát, đá…
|
Hành lang an toàn cầu biến thành… bến thủy nội địa |
Những sai phạm “lộ thiên” nói trên kéo dài trong suốt nhiều năm qua nhưng vì sao vẫn không được xử lý dứt điểm?