Hệ lụy xuất phát từ rác thải của khách du lịch, từ nước thải chưa được xử lý triệt để của hoạt động kinh doanh dịch vụ.
Gánh nặng từ… rác
Những năm gần đây, bờ biển tại quận Đồ Sơn và huyện đảo Cát Bà đã sạch, đẹp hơn rất nhiều. Tuy nhiên, đi dọc khu I, khu II ven biển Đồ Sơn cũng như ven các vịnh Lan Hạ, Bến Bèo thuộc quần đảo Cát Bà, tình trạng rác thải của khách du lịch, người bán hàng rong vẫn hiện hữu. Rác thải chủ yếu là túi nilon, chai nhựa, vỏ bánh kẹo, hộp sữa, vỏ hải sản.
Ban quản lý các vịnh tại quần đảo Cát Bà (đơn vị được UBND huyện Cát Hải giao nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT) trên vịnh) |
Ngoài rác thải phát sinh từ du lịch, hiện tượng thủy triều lên xuống cũng là một nhân tố đưa rác, bèo tây từ đất liền theo sông “đổ” về các vịnh trên quần đảo Cát Bà. Vào các thời điểm trước mùa mưa lũ, hai cửa sông Văn Úc và Bạch Đằng cũng chuyên “chở” lượng rác và bèo tây lên tới vài trăm khối/năm “xả” thẳng ra biển Đồ Sơn. Khi sóng biển đưa rác dạt vào bờ, bãi biển trở thành bãi chứa rác “bất đắc dĩ”. Những điều này đã và đang đặt ra nguy cơ lớn về tình trạng ô nhiễm môi trường biển tại Hải Phòng.
Với nỗ lực làm sạch vùng vịnh, Ban quản lý các vịnh tại quần đảo Cát Bà (đơn vị được UBND huyện Cát Hải giao nhiệm vụ giữ gìn vệ sinh môi trường (VSMT) trên vịnh) phải bố trí 12 lao động thu gom rác thải hàng ngày tại các vịnh Cát Bà, Bến Bèo, Lan Hạ. Lượng rác trung bình thu gom đạt 5m3/ngày. Ông Đặng Xuân Chính, Phó Giám đốc Ban quản lý các vịnh nhận định, khu vực từ Trà Báu đến Vạn Tà, điểm giáp ranh giữa vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và vịnh Lan Hạ (Hải Phòng) được xem là “rốn” rác bởi lượng khách du lịch khá lớn.
Đại diện Cty CP Công trình công cộng và Dịch vụ du lịch Hải Phòng (đơn vị được UBND Quận Đồ Sơn giao nhiệm vụ đảm bảo VSMT) cũng phải bố trí tới 20 lao động thường trực thu gom rác trên bãi biển, 80 lao động thu gom rác thải trên bờ từ các nhà hàng. Đơn vị cũng huy động 07 xe chuyên dụng có dung tích 8 -12m3, 300 xe rác đẩy tay để hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ VSMT sạch. Lượng rác trung bình thu gom khoảng 30-40m3/ngày.
Kiểm soát nước thải của các nhà hàng
Tại Đồ Sơn, trong vòng 600m tại khu vực nhà hàng Bến Thốc (phường Vạn Sơn) có tới 3 cống xả với đường kính gần nửa mét, xả thẳng ra bãi tắm. Khi người dân liên tục ý kiến, chính quyền thường xuyên vận động, các nhà hàng mới thu hẹp các ống xả. Theo phản ánh, hiện vẫn còn một số chủ nhà hàng lén lút đấu nối đường nước xả thải của nhà hàng với hệ thống tiêu thoát nước mặt của quận Đồ Sơn để đổ trực tiếp ra biển. Còn lại hầu hết các nhà hàng lớn đều có hệ thống thoát nước thải dẫn vào bể phốt và tự ngấm.
Tại Cát Hải, khu vực resort Cát Cò 1, Cát Cò 2, Cát Cò 3, nước thải qua bể xử lý tại chỗ và tuần hoàn trở lại. Còn nước thải từ hoạt động kinh doanh dịch vụ của các nhà hàng nổi trên vịnh cũng như các khách sạn được thu gom vào trạm xử lý nước thải Vụng Tùng Dinh của Cty Quản lý công trình công cộng và dịch vụ đô thị Cát Hải. Qua các thanh chắn rác, nước thải được bơm sang bể lắng, bể điều hòa và xử lý sơ bộ. Sau khi được cấy vi sinh và sục khí, nước thải được chuyển qua bể khử trùng quan trắc rồi ra nguồn tiếp nhận.
Tại khu thu gom của hệ thống xử lý nước thải này, 2 bơm chìm với công suất là 60m3/giờ được thiết kế, lắp đặt. Thực tế, công suất chỉ đạt 50m3/giờ và trung bình đạt 800m3/ngày đêm. Ông Đoàn Thế Chung, Phó Giám đốc Cty Quản lý công trình công cộng và dịch vụ Cát Hải cho hay, với công suất 800m3/ngày đêm chỉ đạt 80% lượng nước thải của toàn bộ khu dân cư tại khu trung tâm du lịch Cát Bà. Do vậy, việc nâng cấp, cải tạo hệ thống thu gom và khu xử lý nước thải Vụng Tùng Dinh là vô cùng cấp thiết.
Với nỗ lực xây dựng hình ảnh các bãi biển sạch đẹp, Hải Phòng đã và đang triển khai nhiều biện pháp giảm thiểu rác thải, chất thải từ hoạt động du lịch, kinh doanh, dịch vụ. Thời gian tới, phong trào làm sạch biển cần tiếp tục được lan tỏa, nhân rộng và cần sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, của mọi tổ chức, cá nhân, bắt đầu từ hành động nhỏ nhất: không vứt rác ra biển.