Màn trốn chạy mưu trí
Khoảng tháng 5/2018, chị Moong Thị Lam (SN 1999, trú xã Keng Đu, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) liên tục nhận được lời đề nghị đi làm ăn xa của người đàn ông cùng xã tên Lương Văn Lư (SN 1992). Người này mời chào chị Lam đi TP Đà Lạt trồng hoa với mức lương hấp dẫn (6,5 triệu đồng/tháng). Cô gái trẻ dù mới lập gia đình chừng 1 tháng, nhưng vì chồng đi làm ăn xa, kinh tế khó khăn, lại muốn một lần được đặt chân đến thành phố ngàn hoa nên sau mấy lần được rủ rê đã gật đầu đồng ý. Chị này còn rủ thêm người bạn là Lo Thị Bùa (SN 2001, tên gọi khác là Lo Thị May) cùng đi.
Khi đã tìm được “nguồn hàng”, Lư điện thoại thông báo cho Lữ Văn Thành (SN 1993, trú xã Cà Tạ, huyện Kỳ Sơn). Để đánh lạc hướng các cô gái trẻ, Thành tự giới thiệu mình tên Tuấn, ông chủ trồng hoa ở Đà Lạt. Với vẻ bọc hào nhoáng là ông chủ thành đạt, Thành nhanh chóng qua mặt các “con mồi”.
Ngày 21/6, Lư gọi điện cho chị Lam và Bùa thông báo “đã đến ngày xuất phát”. Trưa cùng ngày, sau hơn 4 tiếng đồng hồ vượt hàng chục cây số đường rừng, hai cô gái đã đến thị trấn Mường Xén (huyện Kỳ Sơn). Lúc này, vì chưa muốn lộ diện nên Thành nhờ em gái đón Lam và Bùa, bắt xe xuống huyện Diễn Châu (Nghệ An). Tại ngã ba thị trấn Diễn Châu, Thành chính thức đón hai cô gái trẻ với tư cách ông chủ vườn hoa đi tìm kiếm nhân viên tiềm năng. Khỏi phải nói lúc đó hai cô gái trẻ vui mừng cỡ nào vì “gặp được người tốt”. Tuy nhiên, cả hai không ngờ rằng, mình đã rơi vào bẫy của đường dây mua bán người xuyên quốc gia.
Quay trở lại với hành trình của hai cô gái, họ hăm hở khi lần đầu tiên được xuống phố. Trên chuyến xe khách, cả hai mừng rơn khi được đích thân ông chủ đưa đón. Tại bến xe Nước Ngầm (Hà Nội), cả hai được ông chủ đưa lên xe khác để tiếp tục di chuyển. Vừa bước lên xe, chị Lam liền hỏi lái xe: “Xe này có đi Đà Lạt không?”. Câu trả lời họ nhận được là: “Xe này đi Móng Cái, chứ không lên Đà Lạt”.
Biết mình bị lừa, nên cả chị Lam lẫn Bùa nhất quyết không lên xe mặc cho Thành kéo tay, dọa nạt. Trong giây phút cận kề nguy hiểm, hai thiếu nữ dân tộc Khơ mú mưu trí chạy nhanh đến chỗ nhân viên bảo vệ bến xe cầu cứu. Biết mình bị lộ, Thành liền chơi chiêu “ve sầu thoát xác”, cởi bỏ chiếc áo khoác màu đỏ đang mặc trên người để chạy trốn. Tuy nhiên, Thành đã bị lực lượng bảo vệ bến xe bắt giữ, bàn giao cho cơ quan chức năng.
Sau khi bắt giữ đối tượng, lực lượng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã liên lạc với Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An để phối hợp điều tra. Ngày 23/6, Phòng Cảnh sát hình sự Công an TP Hà Nội đã làm thủ tục bàn giao đối tượng Thành, cùng 2 nạn nhân và toàn bộ hồ sơ vụ mua bán người cho Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục làm rõ. Quá trình điều tra, cơ quan chức năng bắt giữ thêm Lư. Hai đối tượng Thành và Lư bị truy tố về tội “Mua bán người”.
“Ông chủ trồng hoa” rúm ró ngày hầu tòa
Tại phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử hai bị cáo Lữ Văn Thành và Lương Văn Lư vừa diễn ra tại TAND tỉnh Nghệ An, cả hai đều khai nhận hành vi phạm tội của mình.
Khác với vẻ hào nhoáng của ông chủ vườn hoa nổi tiếng ở Đà Lạt mà Thành đã tạo trước đó, tại tòa, bị cáo Thành chỉ mặc mỗi chiếc áo trắng bạc màu, đứng co ro cúm rúm. Bị cáo lí nhí trả lời những câu hỏi mà Tòa đưa ra. Thành khai, do trước đó từng có thời gian làm thuê ở Trung Quốc nên nhận được mối chào hàng đưa các cô gái Việt Nam sang bán sẽ nhận được khoản hoa hồng cao. Người chào mời Thành không ai khác là chị gái Lữ Thị Đon (SN 1982, đã lấy chồng, đang sinh sống tại Trung Quốc). Trước lời đề nghị béo bở mà người trong nhà đưa ra, sau khi về nước, Thành liền chủ động tìm kiếm con mồi. Qua quen biết, Thành liên lạc với Lư và đưa ra mức giá 15 triệu đồng cho mỗi bên nếu đưa một cô gái sang Trung Quốc.
Trước lời đề nghị của Thành, Lư tích cực tìm kiếm “con mồi”. Đối tượng rơi vào tầm ngắm của người đàn ông này là những cô gái trẻ tuổi, hoàn cảnh khó khăn, không có việc làm ổn định. Lư vẽ ra viễn cảnh đi làm công việc nhẹ nhàng, mức lương hấp dẫn để đánh lừa các cô gái. Các nạn nhân là người dân tộc thiểu số, ít tiếp xúc với xã hội, trình độ nhận thức hạn chế nên sau khi có người rủ đi làm thuê với mức lương cao liền đồng ý. Điều may mắn trong vụ án này là các nạn nhân đã kịp thời phát hiện ra sự thật nên tìm cách tẩu thoát. Chị Lam cho hay, nếu biết sự thật muộn hơn chút xíu thì có lẽ giờ đây cô và Bùa đang lưu lạc ở xứ người, chưa biết ngày về.
HĐXX nhận định hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, vì đồng tiền đã bất chấp lừa bán các cô gái sang Trung Quốc để hưởng lợi. Tuy nhiên, vì hành vi thực hiện chưa thành, phạm tội lần đầu, thành khẩn khai báo nên sau khi xem xét toàn diện vụ án, HĐXX tuyên phạt bị cáo Lữ Văn Thành 5 năm tù, bị cáo Lương Văn Lư 4 năm tù.
Riêng với người phụ nữ tên Lữ Thị Đon (chị gái bị cáo Thành), cơ quan chức năng xác định có liên quan đến vụ án. Nhưng vì Đon đang sống ở Trung Quốc, không có mặt tại địa phương nên cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, củng cố tài liệu, khi nào có căn cứ sẽ xử lý sau.