Một trong những vấn đề trọng tâm mà các đại biểu đặt ra hiện nay đó là bên cạnh sự tích cực của hôn nhân gia đình thì đôi khi chính gia đình lại là rào cản lớn của phụ nữ và trẻ em gái.
Cụ thể, qua các kết quả nghiên của cơ quan Phụ nữ Liên Hợp Quốc (UN Women), có thể thấy tuy phụ nữ đang ngày càng có nhiều quyền lợi và tiếng nói trong gia đình nhiều hơn trước nhưng trên thực tế cũng có không ít phụ nữ và trẻ em gái thường xuyên phải đối mặt với bạo lực và phân biệt đối xử. Cứ ba phụ nữ thì lại có một người có thể bị lạm dụng về thể xác và tình dục bởi chính người bạn tình trong cuộc đời họ.
Tại nhiều gia đình Việt Nam từ xưa đến nay luôn quan niệm “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” - đàn ông chính là trụ cột gia đình còn phụ nữ giữ trọng trách sinh con, đẻ cái, chăm sóc việc nội trợ, lo liệu cho gia đình. Chính vì suy nghĩ ấy mà không ít phụ nữ chấp nhận “an phận”.
Hai từ “an phận” dường như đã hằn sâu trong tiềm thức của rất nhiều phụ nữ, ngay cả những người phụ nữ hiện đại thời kỳ cách mạng công nghệ 4.0 vẫn có suy nghĩ đó. Họ cho rằng bản thân cần làm tròn vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình, hy sinh mọi thứ để người chồng có thể phát triển và xây dựng sự nghiệp.
Thế nhưng suy nghĩ ấy đã tạo nên những “rào cản” vô hình ngăn cách phụ nữ được bình đẳng, được tự tin khẳng định bản thân và phát triển tài năng của chính mình.
Theo số liệu tổng hợp của Vụ Gia đình - Bộ VHTTDL, từ năm 2009 - 2017 có khoảng 292.268 vụ bạo lực gia đình, tính trung bình mỗi năm có khoảng 36.534 vụ. Điều đáng nói là phần lớn nạn nhân là phụ nữ, mà nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình.
Nhiều người vợ vẫn cố gắng nhẫn nhịn khi thường xuyên bị chồng ngược đãi, hành hung mà không rõ nguyên nhân. Trong cơ chế kinh tế thị trường, mặc dù cả nam giới và phụ nữ đều đi làm và tham gia công tác xã hội nhưng vẫn tồn tại phổ biến tình trạng hầu như công việc nội trợ, chăm sóc con cái và người đau ốm trong gia đình được xác định là trách nhiệm của phụ nữ.
Tại Việt Nam, việc thực hiện bình đẳng giới vẫn còn nhiều rào cản, khó khăn, nguyên nhân chính là do thái độ, nhận thức hành vi của một số người còn mang tính định kiến về giới, tư tưởng trọng nam khinh nữ, bắt buộc phải sinh được con trai để nối dõi tông đường… Không hiếm gia đình có tư tưởng chỉ đầu tư, vun vén cho con trai mà thờ ơ, lạnh nhạt với con gái.
Đề cập tới vấn đề an ninh kinh tế của phụ nữ trong gia đình, PGS, TS Trần Thị Minh Thi cho rằng vấn đề an ninh kinh tế của phụ nữ trong gia đình không được đảm bảo bởi mức độ tiếp cận tới các nguồn thu nhập độc lập bất bình đẳng, phụ nữ làm việc chăm sóc và công việc nội trợ không được trả lương nhiều gấp ba lần trong các gia đình, các hộ gia đình cha mẹ đơn thân tỷ lệ nghèo đói gấp nhiều lần.
Hiện nay xu hướng bà mẹ đơn thân, tỷ lệ ly hôn, ly thân gia tăng nhưng vẫn chưa có những chính sách phù hợp đối với những người phụ nữ ở diện bà mẹ đơn thân.
Ly hôn là mặt trái, là sự tan vỡ của gia đình tuy nhiên theo các ý kiến của các chuyên gia tại hội thảo thì cũng phải chấp nhận thực tế này để tìm ra những giải pháp, chính sách để đảm bảo quyền lợi cho phụ nữ và trẻ em. Đôi khi để bảo đảm quyền lợi cho mình và con, người phụ nữ đành lòng phải chấp nhận sống cảnh bà mẹ đơn thân khi gặp phải những lý do như bệnh tật, bạo lực gia đình, chồng ngoại tình hoặc nghiện ngập.
Tuy nhiên, chúng ta chưa có những chính sách hỗ trợ cho những bà mẹ đơn thân sau khi ly hôn đặc biệt là hỗ trợ về giải pháp tháo gỡ những khó khăn về kinh tế nhất là với nhiều người phụ nữ sau khi ly hôn tay trắng rời khỏi gia đình chồng không có tài sản, công việc nội trợ khó khăn.