Hai yếu tố quan trọng giúp giảm thiểu lao động trẻ em

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Điều tra Quốc gia về Lao động trẻ em lần thứ hai của Việt Nam công bố cuối năm 2020 xác định có khoảng 5,3% trẻ em và người chưa thành niên trong độ tuổi từ 5 đến 17 là lao động trẻ em. Con số này tương đương với hơn 1 triệu trẻ, trong đó hơn một nửa số trẻ phải làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại và nguy hiểm.
Các “họa sĩ nhí” bày tỏ mong muốn xóa bỏ lao động trẻ em trái pháp luật qua tranh vẽ. (Ảnh minh họa)

Các “họa sĩ nhí” bày tỏ mong muốn xóa bỏ lao động trẻ em trái pháp luật qua tranh vẽ. (Ảnh minh họa)

Củng cố hệ thống an sinh xã hội

Đồng nhất với xu hướng chung của toàn cầu, 84% lao động trẻ em (LĐTE) tại Việt Nam tập trung ở vùng nông thôn và hơn một nửa số đó làm việc trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp. Những khu vực khác có nhiều LĐTE bao gồm dịch vụ, công nghiệp và xây dựng. Khoảng 40,5% LĐTE là các lao động trong hộ gia đình không được trả lương. Tại các thành phố lớn, trẻ em ở nhiều địa phương đến làm việc tại các công trình xây dựng, cửa hàng ăn uống hoặc bán hàng rong, đánh giày…

Mức giá nhân công rẻ, phải lao động trong một môi trường và điều kiện không đảm bảo, lao động là trẻ em vẫn đang từng ngày buộc phải đối mặt với nguy cơ bị bóc lột sức lao động. LĐTE làm tổn hại đến thể chất, tinh thần của trẻ, cản trở việc học hành và có tác động tiêu cực đến sự phát triển của trẻ, gây nhiều hệ lụy cho gia đình và xã hội, trong đó ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho tương lai.

Báo cáo mới nhất của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) nhấn mạnh vai trò quan trọng của an sinh xã hội giúp giảm thiểu tình trạng gia đình rơi vào cảnh nghèo và dễ bị tổn thương, từ đó giảm căn nguyên dẫn đến LĐTE.

Theo đó, hơn 160 triệu trẻ em trên toàn thế giới – tức một phần mười trẻ em trong độ tuổi 5-17 vẫn đang tham gia LĐTE và tiến bộ đạt được trong xóa bỏ LĐTE đã bị đình trệ kể từ năm 2016. Những xu hướng này đã xuất hiện ngay cả trước khi cuộc khủng hoảng COVID-19 xảy ra. Ước tính nếu không có các chiến lược giảm thiểu, con số LĐTE có thể tăng thêm 8,9 triệu vào cuối năm 2022 do tình trạng nghèo đói và dễ bị tổn thương gia tăng.

Để củng cố hệ thống an sinh xã hội nhằm ngăn ngừa và xóa bỏ LĐTE, báo cáo đưa ra một số khuyến nghị như: Thu hẹp khoảng trống trong diện bao phủ an sinh xã hội cho trẻ em. Điều này có nghĩa là ưu tiên quyền lợi của trẻ em, cũng như mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới 2 tỷ lao động trong khu vực kinh tế phi chính thức, qua đó hỗ trợ họ chuyển dịch từ khu vực kinh tế phi chính thức sang khu vực kinh tế chính thức; Xây dựng hệ thống an sinh xã hội tích hợp.

Việc giảm thiểu LĐTE sẽ dễ dàng hơn nếu các quốc gia có hệ thống an sinh xã hội cung cấp đầy đủ các quyền lợi cả đời, từ trợ cấp trẻ em và gia đình, trợ cấp thai sản và thất nghiệp đến lương hưu cho người già cũng như chế độ bảo vệ sức khỏe; Đảm bảo rằng các chương trình an sinh xã hội được thiết kế toàn diện và nhạy cảm với LĐTE…

Kêu gọi tăng cường hợp tác

Một trong những khuyến nghị quan trọng của báo cáo là lấy những cam kết chính trị mạnh mẽ đối với việc xóa bỏ LĐTE và thiết lập an sinh xã hội toàn dân làm đòn bẩy nhằm tăng cường sự đồng thuận trong hành động.

Trung tuần tháng 5/2022, trong khuôn khổ của Hội nghị toàn cầu lần thứ 5 về xóa bỏ LĐTE đang diễn ra tại thành phố cảng Durban, Cộng hòa Nam Phi, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà đã chia sẻ các giải pháp Chính phủ Việt Nam đã và đang thực hiện nhằm tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho trẻ em, giảm nguy cơ trẻ em bỏ học và giảm LĐTE.

Theo đó, kết quả cuộc điều tra do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với Tổng cục Thống kê thực hiện với sự hỗ trợ kỹ thuật của ILO năm 2019 cho thấy tỉ lệ LĐTE tại Việt Nam thấp hơn khoảng 2% so với tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á và Thái Bình Dương. So sánh với kết quả Điều tra Quốc gia về LĐTE lần thứ nhất được thực hiện vào năm 2012, số liệu gần đây cho thấy tỉ lệ trẻ em tham gia làm việc đã giảm đi đáng kể, từ 15,5% năm 2012 xuống còn 9,1% năm 2018.

Để đạt được thành tựu này, trong những năm qua Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định về phổ cập giáo dục theo độ tuổi. Việt Nam hiện có tới 94,4% dân số trẻ em được tiếp cận giáo dục.

Điều tra xã hội gần đây nhất về LĐTE tại Việt Nam cho thấy số trẻ em có nguy cơ trở thành nạn nhân của LĐTE được tiếp cận giáo dục ngày càng tăng. Kết quả này có được từ các chính sách tăng cường khả năng tiếp cận giáo dục cho mọi trẻ em, được thực hiện song hành với các chính sách an sinh xã hội, chính sách giảm nghèo ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều mô hình, giải pháp được thực hiện thông qua các chương trình, dự án của Chính phủ và hợp tác, viện trợ quốc tế, như cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp với trẻ em tại các làng nghề truyền thống và khu vực kinh tế phi chính thức, tạo nguồn sinh kế cho các gia đình, hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành LĐTE tiếp cận dịch vụ giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm phù hợp…

Chia sẻ những kinh nghiệm và bài học từ Việt Nam trong việc đảm bảo giáo dục xuyên suốt cho trẻ em trong thời kỳ đại dịch COVID-19 hoành hành cũng như các biện pháp đưa trẻ em quay lại trường học khi các biện pháp giãn cách xã hội nhằm phòng ngừa dịch bệnh lây lan được nới lỏng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, Chính phủ Việt Nam đã giảm thiểu các tác động của đại dịch COVID-19 làm gián đoạn việc học tập của trẻ em hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em vùng núi bằng việc chi ngân sách nhà nước và vận động sự hỗ trợ của doanh nghiệp và các nhóm xã hội đề mở rộng diện bao phủ sóng Internet, hỗ trợ máy tính cho trẻ em nghèo, trẻ em di cư, kết hợp linh hoạt giữa học trực tuyến với trở lại trường học.

Thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà bày tỏ mong muốn và kêu gọi tăng cường hợp tác để nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, hướng nghiệp và giáo dục nghề nghiệp vì việc làm bền vững cho thế hệ trẻ và xóa bỏ LĐTE.

“Với vị trí là một trong những quốc gia tiên phong của Liên minh 8.7, Việt Nam sẽ tiếp tục hành động và mong muốn nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa về kỹ thuật và nguồn lực để thực hiện thành công các mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững, đặc biệt là Mục tiêu 8.7 về xóa bỏ LĐTE”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Đọc thêm