Hầm mộ 6 triệu bộ hài cốt dưới lòng đất Paris

(PLO) - Nhắc đến thủ đô của nước Pháp, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những địa danh hoành tráng, lộng lẫy như tháp Eiffel, nhà thờ Đức Bà Paris, Khải Hoàn Môn, bảo tàng Louvre hay sông Sen thơ mộng... Nhưng có lẽ ít người biết đến sự tồn tại của hầm mộ Catacombes de Paris bí ẩn, chứa hơn 6 triệu bộ hài cốt.
Hầm mộ Catacombes de Paris.

Catacombes de Paris còn có tên gọi khác là Ossuaire municipal hay Hầm mộ Paris. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, Catacombes de Paris là một hầm mộ khổng lồ, được mệnh danh là "vương quốc người chết", chứa hơn 6 triệu bộ hài cốt. Trong hầm mộ, xương cốt được vứt chồng đống sát tường, chất cao từ nền tới tận trần hầm.

Các bộ xương được xếp ngay ngắn hơn, thành hàng, thành lối, thành tầng, thành lớp. Xương còn được dùng để trang trí các phòng trong hầm mộ, nhiều xương chày, xương đùi và xương sọ được xếp thành các bức tranh, chữ thập…

Lịch sử hình thành

Trước đây, hầm mộ này vốn là mỏ đá vôi. Người ta tiến hành khai thác mỏ từ thời La Mã để cung cấp nguyên liệu xây dựng nhà ở và các công trình xung quanh thành phố Paris. Đến cuối thế kỷ thứ 18, các hoạt động khai thác ở Catacombes de Paris dừng lại và trở thành một nghĩa trang nhỏ chứa 2 triệu thi hài. 

Vào thời điểm đó, các nghĩa trang tại Paris, trong đó có nghĩa trang Innoncents rơi vào tình trạng chật chội, gặp nhiều vấn đề về vệ sinh sau khi phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch hạch thế kỷ XIV. Riêng tại Pháp, trong thập niên 1340, 7 triệu người đã thiệt mạng bởi căn bệnh được mệnh danh là “Cái chết đen”. 

Thậm chí vào năm 1786, số người chết được chôn ở nghĩa trang của Paris và các nhà thờ trở nên quá tải. Tình trạng chôn cất bừa bãi và các xác chết bị khai quật diễn ra tràn lan gần khu dân cư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ người dân.

Để khắc phục tình trạng náo loạn này, Hội đồng Quốc gia Pháp đã ra quyết định ngừng chôn cất người chết ở nghĩa trang Innoncents. Tất cả sẽ được chuyển tới Catacombes de Paris sau khi được cải tạo. Đây được cho là nguyên nhân dẫn tới sự ra đời của Hầm mộ Paris. Phải mất hai năm, chính quyền thành phố Paris mới chuyển hết được số hài cốt từ nghĩa trang Innocents về Catacombes. 

Từ năm 1787-1814, nhiều nghĩa trang khác ở Paris cũng bị dẹp bỏ. Tất cả hài cốt những người quá cố đều được chuyển về Hầm mộ Paris, từ dân thường tới các nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như: nhà văn Rabelais thời Phục Hưng, nhà soạn kịch vĩ đại Racine thế kỷ 17, Bộ trưởng Tài chính Pháp Colbert dưới thời dưới thời vua Louis XIV, nhà văn - nhà triết học, tư tưởng chính trị - xã hội Montesquieu và nhiều lãnh đạo cuộc Cách mạng tư sản Pháp như Danton, Robespierre…

Những người lính thiệt mạng trong các cuộc chiến thời Cách Mạng Tư Sản Pháp cũng được chôn cất tại hầm mộ này. Ước tính, hầm mộ chứa tới 6 triệu bộ hài cốt. Do lượng hài cốt và hố chôn mới quá nhiều, có thời điểm đã khiến các bức tường xung quanh Hầm mộ Paris đứng trước nguy cơ sập đổ.

Vì là mỏ đá nên Catacombes có nhiều nhánh, nhiều lối vào. Đến khi cải tạo trở thành hầm mộ, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu chôn cất người quá cố, chính quyền thời đó tiếp tục đào thêm nhiều nhánh khác nữa. Họ thiết kế những đường hầm bí mật dẫn từ nghĩa trang tới tầng hầm của các nhà thờ, bệnh viện ở Paris. Từ đó tạo thành một mê cung chằng chịt dưới lòng đất. 

Ước tính hầm có chiều dài lên tới khoảng 350km, sâu trung bình 20m dưới từ mặt đất xuống, bên trong nhiều nhánh hầm sâu 60m. Sâu nhất là khu vực đường hầm gần quảng trường Denfert-Rochereau sâu tới 1,5 km, xương cốt xếp chồng chất kéo dài 800m. Thậm chí có những khu vực hầm còn được chia thành nhiều tầng, nhiều lớp hài cốt. 

Các thi hài người chết được đưa xuống Catacombes lần cuối cùng vào năm 1859, sau khi thành phố Paris được quy hoạch lại. Từ những năm 1990, để tránh sự cố cho những người hiếu kỳ, mạo hiểm, sở Cảnh Sát Paris đã cho lấp các lối vào hầm mộ. 

Mê cung bí ẩn

Sau khi được cải tạo xong thành hầm mộ, 7 năm sau đó chính quyền Paris mới bắt  đầu mở cửa Catacombes de Paris. Tuy nhiên chỉ có tầng lớp thu nhập cao mới đủ khả năng chi trả cho chuyến viếng thăm. Ngay từ khi được hình thành, Catacombes de Paris đã thu hút sự tò mò, hiếu kỳ cho cả người dân lẫn các chính khách nổi tiếng. Những người như bá tước Artois, Hoàng đế Pháp Napoleon III, Hoàng đế Áo François I của Áo đều đã từng có dịp viếng thăm hầm mộ dưới lòng đất này.

Những người muốn đến thám hiểm hầm mộ này phải đi qua lối vào có tên Barrière d'Enfer (Cổng Địa ngục). Bất kỳ ai cũng có thể đi vào nhưng không phải tất cả đều có thể may mắn trở ra, đã có nhiều người bị lạc, thậm chí là thiệt mạng trong Catacombes de Paris. Rất nhiều câu chuyện bí ẩn đã diễn ra ở hầm mộ này.

Một số người mạo hiểm đến hầm mộ này lúc nửa đêm kể lại rằng, họ nghe thấy các bức tường nói chuyện với họ. Những giọng nói này cố gắng lôi kéo họ tiến sâu hơn vào trong đường hầm, khiến họ mất phương hướng và cuối cùng phải chịu cái chết bi thảm trong đường hầm.

Nổi tiếng nhất là vào tháng 11/1793, ông Philibert Aspairt- người giữ cửa của bệnh viện Val-de-Grace trong thời kỳ diễn ra cách mạng Pháp, chui xuống hầm từ một lối đi trong tu viện Chartreux và mất tích kể từ đó. Có tin đồn nói rằng, ông Philibert Aspairt xuống Catacombes de Paris để tìm một loại rượu ngon hảo hạng do các tu sĩ sản xuất và bảo quản trong hầm của tu viện. Nhưng do hệ thống đường hầm phức tạp nên ông đã đi lạc và không thể tìm được lối lên mặt đất. 

Phải đến 11 năm sau, người ta mới xác định phát hiện thi thể của ông nhờ vào bộ chìa khóa mang theo. Ông Philibert Aspairt được an táng ngay tại chỗ, trên bia mộ có khắc hàng chữ "Tưởng nhớ Philibert Aspairt, người đi lạc ngày 3/11/1793, tìm thấy sau 11 năm và được an táng ngay tại chỗ vào ngày 30/4/1804". Nhiều người tin rằng linh hồn ông vẫn lang thang trong hầm mộ bảo vệ những người thám hiểm nơi đây.

Năm 2010, các nhà thám hiểm hang động tìm thấy một video ghi lại cảnh một người đàn ông đi lang thang qua các đường hầm tối tăm trong hầm mộ cho đến khi anh ta hoảng sợ vứt máy quay, bỏ chạy vào trong đêm tối và không bao giờ được nhìn thấy nữa. Dù nhiều người vẫn còn nghi ngờ tính xác thực của nó nhưng đoạn băng này được cho là nguồn cảm hứng cho nhiều bộ phim kinh dị. 

Mới đây nhất là năm 2017,  hai cậu bé 16 tuổi và 17 tuổi, đã bị mắc kẹt dưới hầm mộ Catacombes de Paris suốt 3 ngày sau khi đi lạc. Hai cậu bé đã vào hầm mộ tối ngày 11/6, nhưng không ai tìm kiếm họ trong nhiều ngày. Cuối cùng, khi bắt đầu chiến dịch tìm kiếm, đội cứu hộ có sử dụng cả chó nghiệp vụ đã phát hiện ra các cậu bé vào sáng ngày 14/6.  

Hầm mộ cũng từng đóng cửa trong khoảng thời gian 17 năm do Nhà thờ phản đối việc trưng bày xương cốt trước khách du lịch và coi hầm mộ như một địa điểm tham quan. Mãi đến năm 2005, một phần nhỏ của khu mộ đã cho phép du khách vào tham quan.

Trong khoảng thời gian gần đây, có khoảng 500.000 du khách tới thăm Catacombes mỗi năm, trong đó hơn một nửa là du khách nước ngoài. Đặc biệt vào dịp lễ hội Halloween, hầm mộ rất đông khách. Theo một thăm dò ý kiến năm 2016 trên trang mạng Lastminute.com chuyên về du lịch, Catacombes de Paris là điểm đến hấp dẫn thứ ba tại châu Âu vào mùa Halloween, chỉ sau lâu đài Dracula ở Transylvania và tháp London ở Anh Quốc.

Catacombes là một hầm xương cốt, một nghĩa trang khổng lồ, nơi chứa hơn 6 triệu bộ hài cốt. Nhìn rộng ra, Catacombes là một hệ thống chằng chịt các đường hầm sâu vài chục mét dưới lòng đất, dài tổng cộng gần 350km, sâu trung bình 20m dưới lòng đất, nhưng có những đoạn đường hầm sâu tới 60m, có những khu vực hầm được chia thành nhiều tầng.

Catacombes là một mê cung trong lòng đất, phần lớn nằm ở vùng tả ngạn sông Seine (từ Odéon đến công viên Montsouris) và một số khu vực ở hữu ngạn sông Seine (Montmartre, Belleville và Ménilmontant). 

Ngược dòng thời gian, vào ngày 09/11/1785, Tham Chính Viện Pháp quyết định đóng cửa nghĩa trang Cimetière des Innocents, tạm dịch là nghĩa trang Những người vô tội, nghĩa trang lớn nhất Paris thời đó. Nghĩa trang Innoncents nằm ở khu Chatelet, Paris.

Sau 10 thế kỷ tồn tại, nghĩa trang đã trở nên quá tải sau nhiều cuộc chiến tranh, dịch bệnh, đặc biệt là đại dịch tả hồi thế kỷ XIV, thêm vào đó, nghĩa trang gây nhiều vấn đề vệ sinh cho cư dân xung quanh. Tham Chính Viện quyết định cải tạo khu mỏ đá cũ bỏ hoang ở ngoại ô Paris thành hầm chứa xương cốt « Catacombes » và chuyển về đó toàn bộ hài cốt ở nghĩa trang Innocents.

Tên gọi Catacombes de Paris được đặt dựa theo tên Catacombes của Roma, Ý, vốn là từ dùng để chỉ một nghĩa trang thời cổ đại ở Roma. Phải mất hai năm, chính quyền thành phố Paris mới chuyển hết được số hài cốt từ nghĩa trang Innocents về Catacombes. 

Đọc thêm