Những cái chết bất ngờ khi vãn cảnh ở bãi đá sông Hồng (thuộc phường Nhật Tân, Quận Tây Hồ) thường xuyên đến mức gần như năm nào cũng có. Sự thiếu sát sao của cấp quản lý, sự “ham vui” của khách tham quan đã khiến bãi đá thành ẩn họa đáng sợ, dẫn đến nhiều cái chết thương tâm không hẹn trước.
Mùa nước cạn cũng… chết
Gần trọn một tháng, sau khi có vụ sụt cát gây chết người ở bãi đá này, khung cảnh nơi đây dường như vẫn không có nhiều sự thay đổi. Những cặp đôi trẻ tuổi vẫn vô tư, thỏa sức “tạo dáng” sát mép nước. Duy có một điều khác lạ, trên đụn cát trắng lẻ tẻ xuất hiện những nắm hương thắp vội và mấy tấm biển cảnh báo mới được chính quyền cắm cho có lệ.
Bất chấp biển cấm, nhiều đôi thanh niên vẫn đến khu vực nguy hiểm |
Ông lão tên Bình, năm nay tuổi đã bước trọn ngưỡng ngoại thất tuần, người gốc Nhật Tân chẳng lạ gì khu vực bãi đá ven sông này. Vì ngay từ những ngày còn để chỏm ông và những bạn cùng làng đã tung tăng bơi lội ở đây.
Kè đá ven sông hình thành từ thời nhà Mạc, nhằm lấn sông giữ đất và ngăn lũ. “Ngày xưa, tắm nơi đây chỉ sợ nhất mùa nước lên, ngập thủm cả cánh bãi. Biết nước lên sẽ nguy hiểm nên người ta đều biết cữ mà tránh. Bởi thế năm thì mười họa mới có người không may mất mạng”, ông Bình nhớ lại.
Cảnh quan quanh bãi đá hiện tại cũng khác xa so với 10 năm trở về trước. Lúc ấy, nơi đây chỉ toàn những đụn cát và cỏ lau um tùm chứ không hề có hàng quán. Dần dà, sống trong sự quy hoạch đô thị chật chội, ít khoảng không gian tĩnh lặng, người dân nội thành ùn ùn đổ ra bãi đá ven sông này để hưởng chút gió trời. Cũng từ đây mới có những dịch vụ tự phát như: trông xe, chụp ảnh, hàng quán…
Cái “lạ” nhất mà ông Bình cũng như những người dân nơi đây nhận thấy đó là những cái chết “bất thường” trong mùa nước cạn. Điểm mặt vụ việc đau lòng không thể không kể đến cái mốc năm 2007. Cũng khoảng thời gian này năm ấy, liền trong ba ngày mà có bốn đứa trẻ mất mạng. Lúc đó ông Bình và những người dân trong vùng cũng kéo đến xem. Những đứa trẻ đuối nước được vớt lên ướt sũng và lạnh ngắt, cha mẹ chúng thì lăn lộn khóc thảm thiết bên xác con khiến ai chứng kiến cảnh ấy cũng không khỏi nhói lòng.
Nguyên nhân khiến chúng chết là do những cái hố sâu hoăm hoẳm mà những chiếc tàu hút cát bỏ lại. Ông Bình chua xót: “Những người chẳng may mất mạng đều là người nơi khác đến đấy chứ, dân ở đây họ biết là nguy hiểm nên chẳng mấy ai ra đâu. Báo đài chỉ đưa những cái vụ có người chết lên thôi chứ những cái vụ “chết hụt” do lún cát nơi đây thì nhiều không đếm xuể…”.
Cần sự vào cuộc của chính quyền
Đi dọc theo triền cát ven sông, chúng tôi bắt gặp khá nhiều bát nhang ngổn ngang, trôi dập dềnh theo triền sóng. Những người dân nơi đây nói rằng, những bát hương ấy được gia đình của những người xấu số, không may đuối nước thả trôi theo dòng nước để “chiêu hồn”.
Anh Hoàng, một thợ chụp ảnh thường xuyên ở bãi đá sông Hồng cho biết, từ ngày xảy ra vụ tai nạn chết người nơi đây, lượng khách đến vãn cảnh, chụp ảnh cũng giảm. “Vụ việc không may ấy cả cái khu này ai chẳng biết. Chúng tôi làm nghề chụp ảnh này cũng cảnh giác hơn, cũng phải nhắc khách của mình tránh xa khu vực nguy hiểm…” anh Hoàng quả quyết.
Bãi đá sông Hồng - nơi hàng năm đều xảy ra những vụ tai nạn thương tâm |
Tuy nhiên, thực tế mà chúng tôi ghi nhận được trong nhiều ngày ở bãi đá lại không như vậy. Nhiều bạn trẻ cũng như thợ ảnh vẫn mạo hiểm lao mình ra con nước, vượt khỏi tấm biển báo “Cấm bơi lội, tắm giặt” của UBND phường Nhật Tân để… tạo dáng.
Một điều đáng lưu tâm nữa là về vấn đề “thu phí dịch vụ” vào bãi đá. Để có thể vào được trong bãi đá sông Hồng chúng tôi đã bị một số cá nhân tự nhận là “ban quản lý” chặn lại để… thu phí. Mức phí ấn định để được phép vào bãi là 20.000 đồng/xe máy, 5.000 đồng/người. Những người đứng ra thu khoản tiền này đều nhận là người của UBND phường Nhật Tân, và chịu sự quản lý của phường. Thắc mắc vì việc thu phí quá cao thì họ cho biết, đó là số tiền “tổng hợp” để “ban quản lý” cải tạo bãi đá như: trông xe, dọn rác, cứu hộ…
Trước cái chết thương tâm xảy ra ở bãi đá sông Hồng thời gian gần đây, việc có người trông nom và duy trì công tác cứu hộ là cần thiết. Tuy nhiên, ai là người đảm nhiệm công tác cứu hộ ở đây?. Người trông xe trong khu bãi đá chỉ tay vào một nam thanh niên đi xe gắn máy trên triền cát và nói đó là người phụ trách công tác cứu hộ. “Nhân viên cứu hộ” này theo sự quan sát của chúng tôi không hề có dấu hiệu khác biệt nào so với một khách thăm quan thông thường. Anh ta cũng không hề nhắc nhở bất kỳ trường hợp nào vượt khỏi biển cấm.
Để làm rõ hơn trách nhiệm, vai trò của chính quyền cũng như thực hư cái gọi là “ban quản lý” bãi đá sông Hồng chúng tôi đã nhiều lần đến trụ sở UBND phường Nhật Tân để liên hệ làm việc. Tuy nhiên, đến chiều 10/4, ban lãnh đạo phường này vẫn lấy lý do bận họp và đi công tác nên chúng tôi phải ra về, chưa lấy được ý kiến từ cơ quan chức năng.
Luyện Đinh