Hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy lời khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Một số vấn đề và biện pháp bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho nạn nhân dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục đã được quy định một cách thống nhất, đồng bộ trong Thông tư liên tịch số 01/2022/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BQP-BLĐTBXH (gọi tắt là Thông tư liên tịch 01/2022) có hiệu lực từ 5/4/2022.
Hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy lời khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi

Kịp thời nhưng bảo mật

Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong 2 năm (từ tháng 6/2019 - tháng 6/2021), cả nước có hơn 4.000 trẻ em bị xâm hại, trong đó có hơn 3.600 trẻ là nữ. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại trong giai đoạn 2019-2021 trong độ tuổi 13-16 tuổi là hơn 2.600 trường hợp, chiếm hơn 66%. Đặc biệt có hơn 293 trường hợp là trẻ em dưới 6 tuổi bị xâm hại. Con số này có xu hướng năm sau cao hơn năm trước.

Trước tình hình trên, nhằm bảo vệ tốt nhất, cao nhất cho đối tượng đặc biệt này (trong đó theo quy định của Luật trẻ em 2016, trẻ em là người dưới 16 tuổi), ngày 18/2/2022, liên ngành chức năng đã ban hành Thông tư liên tịch 01/2022. Thông tư quy định nhiều vấn đề cụ thể về việc phối hợp của các cơ quan từ giai đoạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử… trong các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi.

Thông tư nêu rõ phải bảo mật thông tin cá nhân của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người tố giác...

Thông tư nêu rõ phải bảo mật thông tin cá nhân của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người tố giác...

Có thể thấy, một trong những điểm nổi bật của thông tư là những quy định về tính “kịp thời” và việc bảo mật thông tin cá nhân.

Cụm từ “kịp thời” được nhắc lại đến 19 lần, “nhanh chóng” 5 lần và hơn 10 lần từ “ngay”. Như quy định nguyên tắc phối hợp phải thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời (Điều 2); có biện pháp ứng phó kịp thời, loại trừ những nguy cơ dẫn đến người dưới 18 tuổi có thể tiếp tục bị xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác; Kịp thời thu thập, bảo quản chứng cứ và nhanh chóng thực hiện khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ ổn định tinh thần cho người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, bảo đảm việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm vụ án nhanh chóng, kịp thời, đúng pháp luật (Điều 3);

Ngay khi phát hiện hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền phải kịp thời phối hợp với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người có thẩm quyền kiểm tra thân thể người bị xâm hại tình dục, thu thập các dấu vết sinh học chứng minh hành vi xâm hại tình dục; Việc thu thập chứng cứ chứng minh hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi phải kịp thời, ngay từ khi phát hiện sự việc xảy ra, phải bảo đảm vừa thu thập dấu vết, vừa ứng phó kịp thời tình huống cấp cứu người bị xâm hại tình dục, hạn chế đến mức thấp nhất số lần lấy lời khai người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi (khoản 2,3 Điều 5).

“Đồng thời báo ngay” (Điều 7), “thông báo ngay bằng văn bản” (Điều 8), “ngay sau khi phát hiện”, “chuyển ngay” (Điều 9)…

Việc bảo mật thông tin cũng là nội dung được lưu ý đặc biệt trong thông tư. Trong 5 nguyên tắc phối hợp, Thông tư nêu rõ phải bảo mật thông tin cá nhân của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người tố giác, báo tin có liên quan đến hành vi xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, danh dự, nhân phẩm, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của người bị xâm hại tình dục dưới 18 tuổi, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị buộc tội, người làm chứng.

Làm sao để Thông tư 01 phát huy hiệu quả?

Đánh giá về Thông tư liên tịch 01/2022, Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng văn phòng luật sư Gia Đình, Đoàn Luật sư TP HCM nhận định, thời điểm này Thông tư được ban hành là rất cần thiết. Thời gian qua, các vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi diễn ra ngày càng nhiều nhưng công tác giải quyết vụ án không được tốt. Lý do cho việc chậm trễ, kéo dài quá trình giải quyết là còn những vướng mắc, đùn đẩy trong việc giải quyết vụ án giữa các cơ quan có thẩm quyền với nhau.

“Theo tôi, các quy định trong Thông tư liên tịch số 01 đã được quy định tương đối đầy đủ những vấn đề liên quan tới nguyên tắc, trách nhiệm, quá trình tiếp nhận, thu thập chứng cứ, giải quyết vụ án…Khi soạn thảo những quy định này, các nhà làm luật đã có cái nhìn tổng quát, bổ sung được những thiếu sót trước đây, các trường hợp có thể xảy ra mà luật hiện hành còn chưa quy định chi tiết”.

Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP HCM.

Luật sư Trần Minh Hùng - Đoàn Luật sư TP HCM.

“Việc Thông tư liên tịch số 01 được ban hành và sắp có hiệu lực vào ngày 05/4/2022 giúp các cơ quan có thẩm quyền liên quan hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ của mình, trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan này giúp vụ án được giải quyết nhanh chóng. Quyền lợi hợp pháp của người dưới 18 tuổi bị xâm hại tình dục được pháp luật bảo vệ, bảo đảm những thiệt hại cho họ bị giảm xuống mức thấp nhất”, Luật sư Trần Minh Hùng nhận định.

Đặc biệt, nội dung về việc bảo mật thông tin nạn nhân trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi là rất cần thiết và điều này đã được các nhà làm luật chú trọng xuyên suốt Thông tư. Bởi trong những vụ án này người bị hại còn ở độ tuổi rất trẻ, dễ bị tổn thương. Tương lai của họ còn rất dài phía trước nên việc thông tin được bảo mật giúp giảm thiểu tối đa những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngoài ra, quan niệm trước đây của người bị hại trong vụ án xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi là rất ngại tố giác sự việc của mình. Một phần là lo sợ bị trả thù, phần còn lại là sợ những người xung quanh xa lánh, chọc ghẹo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống tương lai của họ.

Do đó, đa số bị hại chỉ yêu cầu bồi thường mà không tố giác với cơ quan chức năng, việc này làm ảnh hưởng tới sự nghiêm minh của pháp luật. Việc bảo mật thông tin nạn nhân được quy định rõ ràng, chi tiết trong Thông tư này là điều cần thiết và bắt buộc. Đây là quyền lợi của họ và cũng là sự cam kết của cơ quan chức năng đối với niềm tin, hy vọng của bị hại về sự công bằng của luật pháp.

Thông tư cũng quy định, đối với các vụ xâm hại tình dục người dưới 18 tuổi xảy ra từ lâu, có nhiều khó khăn trong thu thập chứng cứ, thu thập các dấu vết, xác định hiện trường thì Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát phải phối hợp chặt chẽ ngay từ khi tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố để kịp thời thu thập, đánh giá, sử dụng chứng cứ. Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm hướng dẫn về nghiệp vụ, pháp luật, kịp thời trả lời thỉnh thị của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát cấp dưới để bảo đảm quá trình giải quyết tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Đọc thêm