Công điện yêu cầu các địa phương khai thác hiệu quả quỹ đất tại các nút giao cũng như không gian phát triển mới gắn với cao tốc, hạn chế tối đa lấy vị trí thuận lợi để kinh doanh nhà ở.
Trong công điện, Thủ tướng giao địa phương có cao tốc đi qua phối hợp với Bộ GTVT bố trí các nút giao với khoảng cách hợp lý. Các nút giao kết nối với cao tốc cần xây dựng để gắn kết khu vực đô thị, nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, công nghệ cao, du lịch, đô thị mới, cảng biển, sân bay, cửa khẩu quốc tế.
Các tỉnh, thành phải ưu tiên vốn, huy động nguồn lực đầu tư tuyến đường của địa phương kết nối với cao tốc, tạo không gian phát triển mới, nhất là khu đô thị, công nghiệp dịch vụ.
Thủ tướng lưu ý ưu tiên dự án đường địa phương phục vụ sản xuất kinh doanh, tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu, dự án động lực tạo nguồn thu lâu dài và sinh kế cho người dân.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm bố trí vốn và huy động nguồn lực đầu tư bổ sung các nút giao cần thiết. Bộ TN&MT kiểm soát chặt việc giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất tại khu vực nút giao và không gian phát triển mới gắn với cao tốc.
Quan điểm có nên xây khu đô thị, trung tâm thương mại dọc các tuyến cao tốc từng được nhiều đại biểu tranh luận tại nghị trường khi thảo luận về Dự án Vành đai 3 TP HCM, Vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội, tháng 6/2022.
Một ý kiến đáng lưu ý là cần “khai thác quỹ đất làm cho các tuyến cao tốc trở thành trung tốc, từ trung tốc xuống thành hạ tốc”. Theo đó, khai thác quỹ đất ở những khu mặt tiền dẫn đến phải mở những con đường cắm vào cao tốc, gây mất an toàn, ô nhiễm tiếng ồn. Nhiều nước phải xây các bức tường trên cao tốc để ngăn cách với khu dân cư. Kinh nghiệm là từ phía đường thoát cạnh cao tốc phải đi sâu vào trong mấy trăm mét mới có một khu siêu thị hay khu dân cư. Còn bên cạnh cao tốc chỉ cho phép trạm xăng, điểm dừng chân ăn uống nhẹ, không nên mở khu dân cư.