Hàng chục hộ dân “màn trời chiếu đất” vì... văn bản giải tỏa lập lờ

(PLO) - Khoảng 1 tháng nay, hàng chục hộ dân ở khu Mân Quang 1 (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) phải dựng lều sống tạm qua ngày. Nguyên nhân là do, trung tâm phát triển quỹ đất thành phố ban hành văn bản đề nghị các hộ gia đình lập thủ tục nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng và nhận đất tái định cư. Nhưng trên thực tế, người dân mới chỉ nhận 80% giá trị đền bù thì nhà cửa đã phá sạch trong khi đất tái định cư thì vẫn còn ở trên giấy…
Khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 2A, 2B
Khu tái định cư Bá Tùng giai đoạn 2A, 2B

Đất còn... trên bản đồ?!

Con đường từ UBND phường Hòa Quý dẫn vào khu dân cư Mân Quang 1 phủ đầy bụi đất vì chưa rải nhựa, đất đá lởm chởm. Hàng chục hộ dân, kẻ đứng, người ngồi quanh những căn nhà đập phá tan hoang, số còn lại chui vào trong những mái lều lợp bằng tôn hay căng bạt để trú nắng. Dưới cái nóng như thiêu đầu hè, ai nấy mồ hôi nhễ nhại và tỏ ra mệt mỏi khi phải xung quanh là đống quần áo, đồ đạc chất ngổn ngang.

“Tổng cộng gia đình tôi 5 người đã phải sống như vậy suốt 1 tháng nay”, anh Định Vạn Lợi (SN 1978, ngụ Mân Quang 1) nói bằng giọng khổ sở. Anh Lợi cho biết, gia đình anh nằm trong diện giải tỏa đền bù. Tuy nhiên, 8 năm nay dự án “treo” khiến hộ anh “đi không được, ở cũng không xong”.

Đến giữa tháng 3 vừa qua, trung tâm phát triển quỹ đất thành phố ban hành văn bản đề nghị hộ anh Lợi và những gia đình khác ở Mân Quang 1 lập thủ tục nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng và nhận đất tái định cư.

Mừng rỡ vì từ nay, nỗi lo sống trong căn nhà xuống cấp trầm trọng mà không được sửa chữa sẽ chấm dứt, anh Lợi nhanh chóng ký nhận 80% giá trị đền bù, đồng thời nộp lại 65 triệu đồng tiền quỹ đất. Anh Lợi đồng ý cho đập nhà để nhận nốt 20% còn lại và đất bố trí tái định cư như yêu cầu.

Tuy nhiên, 1 tuần, 10 ngày rồi 1 tháng, anh Lợi nhiều lần tới trung tâm phát triển quỹ đất thành phố hỏi nhưng vẫn chỉ nhận được câu trả lời duy nhất “đất mới ở trong bản đồ chứ chưa có thực”. Không biết làm cách nào, anh đành lấy mái hiên nhà, che tạm tấm bạt với vài mảnh tôn rách rộng 3m2 làm chỗ ngủ, nghỉ. Cả tháng nay, người thân anh phải nấu ăn, sinh hoạt, tắm giặt ngoài trời.

Tương tự như anh Lợi, sau khi nhận 80% tiền đền bù, 13 hộ dân khác đã đồng ý phá dỡ nhà ở và vật kiến trúc. Thế nhưng đổi lại, cho đến nay, hàng chục đứa trẻ hiện phải ngồi ngoài trời núp dưới những tán lá cây tránh nắng. Bên vệ đường la liệt các vật dụng gia đình như giường chiếu, bàn ghế; trên chiếc bàn cũ kỹ đặt tạm bàn thờ với lư hương, chén nước còn người dân thì “khóc dở, mếu dở”.

Đáng thương nhất là trường hợp gia đình chị Hà Thị Hường (SN 1971). 8 năm nay chịu cảnh sống tạm bợ, mỗi lần mưa lũ, nước ngập đến ngực phải mang con đi gửi, chị Hương nôn nóng có được số tiền đền bù để di chuyển đến nơi ở mới.

Đặc biệt, gia đình chị Hường có 2 người con, nhưng không may đứa con trai duy nhất (14 tuổi) mắc bệnh ung thu máu. Vì cần tiền điều trị nên ngay khi nhận được văn bản yêu cầu bàn giao mặt bằng, 2 vợ chồng đã đập phá nhà cũ. Vậy nhưng sau đó, đất không được bàn giao như dự tính khiến chị phải quây tạm mấy miếng tôn thủng làm nơi trú ngụ.

Thương con kiệt sức vì chạy hóa chất, nay phải chịu cảnh “màn trời chiếu đất”, chen chúc, oi bức, thiếu điều kiện chăm sóc, chị Hường chỉ biết nhìn cháu Đinh Văn Hoài Linh (con trai) mà chảy nước mắt.

Chị Hương trong căn nhà tôn quay tạm bợ, thủng lỗ chỗ
Chị Hương trong căn nhà tôn quay tạm bợ, thủng lỗ chỗ

“Lập lờ đánh lận con đen”

Không chỉ người dân ở Mân Quang 1 mà ngay cả chính quyền phường Hòa Quý cũng bức xúc không kém khi PV Câu chuyện Pháp luật có mặt ghi nhận thực tế.

Ông Nguyễn Đức, Phó chủ tịch phụ trách kinh tế phường Hòa Quý bày tỏ: “Việc các hộ dân giải tỏa, bàn giao mặt bằng để rồi sống trong cảnh màn trời chiếu đất như ở Mân Quang 1 là sự lạ lùng ở thành phố. Suốt nhiều năm qua, bao giờ hộ giải tỏa cũng được hỗ trợ, lo chỗ ở tạm (nhà thuê, nhà tạm, bố trí ở tạm chung cư) rồi mới bàn giao mặt bằng và liền theo đó nhận đất tái định cư làm nhà ở mới. Còn ở đây, mọi việc diễn ra lại tréo ngoeo”.

Theo ông Đức, năm 2008, UBND TP Đà Nẵng có chủ trương xây dựng khu tái định cư Mân Quang, nay điều chỉnh thành khu tái định cư Bá Tùng mở rộng giai đoạn 2A, 2B (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn). 77,8 ha đất cần phải thu hồi, kiểm định đền bù giải tỏa hơn 1000 hồ sơ, trong đó có 130 hồ sơ nhà. Các phương án bồi thường thiệt hại, giải phóng mặt bằng đều đã được tiến hành. T

“Thế nhưng chỉ đúng vài tháng rầm rộ, không hiểu vì lý do gì, dự án lại “đứng bánh” cho tới nay. Gần 8 năm qua, gần cả trăm hộ dân phải chịu ảnh hưởng theo, không chỉ về an sinh xã hội mà cả vấn đề liên quan đến tình hình an ninh trật tự”, ông phó chủ tịch phường cho biết.

Nói về việc người dân đập nhà dẫn đến mất chỗ ở, ông Đức cho rằng, bắt nguồn từ văn bản “lập lờ đánh lận con đen” của trung tâm phát triển quỹ đất thành phố. Cụ thể, thông báo gửi đến các hộ giải tỏa có quy định: “Trong thời gian 5 ngày, hộ giải tỏa liên hệ nhận tiền, bàn giao mặt bằng và nhận đất tái định cư”.

Từ đó, người dân hiểu nghĩa đơn giản rằng, sau khi nhận tiền đền bù, người dân tháo dỡ nhà ở để bàn giao mặt bằng và thực hiện bước tiếp theo nhận đất tái định cư để làm nhà ở. Trong khi đó, thực tế quỹ đất tái định cư thành phố theo ông Đức được biết là “chưa có”.

Ông Nguyễn Đức (bên trái) trao đổi vụ việc
Ông Nguyễn Đức (bên trái) trao đổi vụ việc

“Trung tâm Phát triển quỹ đất đã thiếu sự phối hợp với chính quyền địa phương và chưa giải thích rõ cho người dân về tiến độ triển khai thực hiện dự án, chưa chuẩn bị phương án bố trí nơi ở tạm cho hộ giải tỏa. Vì thế, mới đẩy người dân vào tình cảnh “lỡ” đập nhà khi chưa có nơi ở, làm mất ổn định trong sinh hoạt và đời sống”, ông Đức nói.

Chiều ngày 19/4, để tìm hiểu sâu hơn thông tin, PV đã liên hệ với Trung tâm phát triển Quỹ đất thành phố Đà Nẵng nhưng đại diện đơn vị này cáo ốm không làm việc. Thiết nghĩ, sự việc cần được các ngành chức năng của TP.Đà Nẵng khẩn trương vào cuộc, có phương án hỗ trợ cho người dân, không thể để tình trạng dân khổ vì văn bản “thiếu nhất quát, không rõ ràng” của chính quyền như vậy.

Đọc thêm