Theo người dân cho biết, đây là lần đầu tiên xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt như vậy. Việc cá chết bắt đầu diễn ra rãi rác từ giữa tháng 9, đến những ngày đầu tháng 10 thì số lượng cá chết tăng đột biến, chủ yếu là cá trắm cỏ, mè hoa với trọng lượng từ 0,5 đến 1,25 kg.
Bà Phạm Thị Gái (thôn Hòa Phong, xã Thủy Tân) buồn bã cho biết: “Gia đình tôi tận dụng nguồn nước sông Đại Giang để thả nuôi 5 lồng cá trắm cỏ và cá mè hoa với số lượng hơn 1.000 con nhằm tạo kế mưu sinh cho gia đình. Đến nay, cá đạt trọng lượng từ 500g đến 1,25kg và chuẩn bị thu hoạch bán nhưng không hiểu tại sao cá lại đột ngột bị chết với số lượng lớn như vậy”.
|
Người dân lắp máy bơm tạo ô xy để cứu những con cá còn lại |
Cùng với gia đình bà Gái, nhiều nông dân ở thôn Hòa Phong nuôi cá trên sông Đại Giang cũng đang rơi vào tình cảnh tương tự. Trong đó, có ông Võ Trọng Chinh (43 tuổi), một trong những hộ dân chịu thiệt hại nặng nề với số cá chết toàn bộ 100%. “Thấy họ làm ăn khấm khá từ việc nuôi cá lồng nên gia đình tôi mạnh dạn đi vây vốn ngân hàng về đầu tư nuôi. Tuy nhiên, gần đến thời gian xuất bán thì cá lại chết đột ngột như vậy khiến gia đình tôi không kịp trở tay. Tiền vây ngân hàng không biết khi nào mà trả được”- ông Chinh lo lắng tâm sự.
|
Mật độ lồng nuôi, cá nuôi trong lồng trên sông Đại Giang quá dày là một trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng cá chết |
Phó Chủ tịch UBND xã Thủy Tân, bà Lương Thị Nha cho biết, toàn xã Thủy Tân có 347 lồng cá của 60 hộ nuôi có cá chết với số lượng lên đến 37 tấn, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Sau khi có thông tin cá chết, phía Chi cục Thủy sản và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thừa Thiên Huế đã cắt cử cán bộ về lấy mẫu nước, mẫu cá chết để xét nghiệm, kiểm tra. Qua đó xác định nồng độ oxy trong môi trường nước thấp, lượng bèo lục bình trên sông Đại Giang quá dày, cộng với mật độ lồng nuôi và cá nuôi trong lồng quá cao, nền đáy không làm vệ sinh thường xuyên dẫn đến tồn đọng khí độc khiến cá chết hàng loạt.
“Hiện UBND xã Thủy Tân đã đề xuất UBND thị xã Hương Thủy có biện pháp hỗ trợ cho người dân và vận động người dân thu gom số cá chết đưa đi tiêu hủy để tránh ô nhiễm môi trường. Đồng thời thực hiện các biện pháp cứu số cá nuôi còn lại”- bà Nha thông tin.
Theo người dân địa phương, tình trạng cá nuôi lồng chết trên sông Đại Giang vẫn còn tiếp diễn. Nhiều người dân đã dùng máy bơm nhằm tạo khí ôxi để hạn chế tình trạng trên.