Hàng ngàn doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng lao động năm 2013

Số liệu của nhiều trang tuyển dụng trực tuyến cho thấy sự giảm sút mạnh nhu cầu nhân lực của ngành kế toán, kiểm toán tới 60% so với 6 tháng đầu năm. Số liệu khảo sát cũng đưa ra thông tin gần 30% doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng mới năm 2013.

Cuối năm 2012, số liệu của nhiều trang tuyển dụng trực tuyến cho thấy sự giảm sút mạnh nhu cầu nhân lực của ngành kế toán, kiểm toán tới 60% so với 6 tháng đầu năm. Số liệu khảo sát cũng đưa ra thông tin gần 30% doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng mới năm 2013.

Phụ thuộc vào “sức khỏe” doanh nghiệp

Nhận định về chỉ tiêu tuyển dụng trong các phiên giao dịch việc làm, ông Vũ Trung Chính, Giám đốc Trung tâm Giao dịch việc làm (GDVL) Hà Nội cho biết, con số này có  chiều hướng giảm trong năm 2012. Nguyên nhân chính là khủng hoảng kinh tế thế giới đã ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp sản xuất, gia công hàng xuất khẩu do bị giảm đơn hàng đã buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc dẫn đến nhu cầu tuyển dụng lao động giảm đáng kể.

Được biết, riêng năm 2012 tổng số lao động được các doanh nghiệp tuyển dụng qua hoạt động của sàn GDVL là 13.561 người. Cũng theo ông Chính, tổng số lao động đã được các doanh nghiệp tuyển dụng qua hoạt động của sàn GDVL Hà Nội từ năm 2007 -2012 là 85.182 người, chiếm gần 12% kết quả giải quyết việc làm của thành phố hàng năm. Bên cạnh đó, hiệu quả kết nối cung - cầu lao động tại phiên GDVL thể hiện qua tỷ lệ lao động được tuyển dụng năm 2012 là 22,4%. Tuy nhiên, ông Chính cho rằng tỷ lệ này không ổn định và phụ thuộc vào tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp.

 

Theo khảo sát của Towers Watson (Tổ chức Chuyên tư vấn về lương của Mỹ tại Việt Nam), năm 2013 được dự đoán là năm khó khăn với người lao động, dự báo trong năm 2013, sẽ có 29% doanh nghiệp không có nhu cầu tuyển dụng nhân viên mới và 3% doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự. Bên cạnh đó, chỉ còn 68% doanh nghiệp quyết định tuyển dụng thêm nhân viên, giảm 7% so năm 2012.

Còn thông tin từ VietnamWorks cho biết, thị trường nhân lực trực tuyến 11 tháng đầu năm 2012 giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, dự báo tháng 12 nhu cầu nhân lực sẽ tiếp tục giảm so với những tháng trước. Trong 5 tháng cuối năm 2012, có 48/58 ngành có chỉ số nhu cầu nhân lực tăng trưởng âm so với 6 tháng đầu năm 2012, trong đó ngành kế toán/kiểm toán, kho vận giảm đến 60%; ngành truyền hình/truyền thông/báo chí giảm 55% so với nửa đầu năm 2012.

Cần sự thích ứng từ hai phía

 Đứng trước dự báo không mấy khả quan về thị trường lao động năm 2013, các chuyên gia tuyển dụng đều nhận định cần có sự điều chỉnh từ cả hai phía nhà tuyển dụng và người lao động. Theo ông Vũ Trung Chính, vấn đề hiện nay khiến hiệu quả kết nối cung - cầu lao động chưa cao do nguồn cung lao động đến tìm việc tại sàn GDVL chủ yếu là học sinh, sinh viên mới ra trường và  lao động có chất lượng đào tạo thấp hoặc chưa qua đào tạo, khả năng tìm việc làm khó. Mặt khác, doanh nghiệp đến tham gia Sàn giao dịch việc làm phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện sản xuất, kinh doanh khó khăn, yêu cầu cường độ lao động cao, tiền lương và thu nhập thấp… nên khả năng tuyển dụng lao động khó.

“Năm 2012, tình trạng thị trường lao động thiếu hụt nhân lực diễn ra trong cả nước, nhất là phía Nam. Nguyên nhân khiến cung và cầu không gặp nhau chính là từ phía doanh nghiệp đưa ra mức lương trung bình 2 triệu, 2,5 triệu đồng hiện không đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu. Công tác quản lý xã hội cùng việc thực hiện các chính sách an sinh của các doanh nghiệp dù đã được cải thiện nhưng cũng chưa thể thay đổi tâm lý tự do, không gắn bó việc làm lâu dài của người lao động. Điều này tạo ra nghịch lý là doanh nghiệp thì đỏ mắt chờ người tuyển dụng, còn người lao động thì vẫn loay hoay đi tìm việc” - ông Chính phân tích.

Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề, trình độ người lao động cũng là điều các chuyên gia tuyển dụng lưu ý người lao động có những điều chuyển thích hợp. Bà Vũ Thanh Liễu, Trưởng phòng Thông tin thị trường lao động, Trung tâm GDVL Hà Nội cho biết, người lao động nên tìm hiểu xu hướng tuyển dụng để tự trang bị cho mình các kỹ năng, kiến thức cần thiết chứ không nhất thiết phải đầu tư nhiều thời gian học đại học, cao đẳng. “Hiện tại lĩnh vực thương mại, dịch vụ, kinh doanh phục vụ khối đơn vị nhà hàng, khách sạn có nhu cầu tương đối cao so với các ngành khác. Ngoài ra, khối kỹ thuật vẫn luôn “đắt khách”, “ra đến đâu hết đến đấy” bởi nhu cầu lớn từ công việc chăm sóc kỹ thuật các khu nhà chung cư, cao tầng đang rất phát triển ở Hà Nội...

Theo ANTĐ

Đọc thêm