Hàng Việt đối diện cạnh tranh gay gắt trên chính 'sân nhà'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Mặc dù vị thế ngày càng được nâng tầm trong thời gian qua, tuy nhiên hàng Việt vẫn đang đối diện với vô vàn khó khăn thách thức, khi nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại Việt Nam sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) chính thức có hiệu lực.
Toàn cảnh Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam” diễn ra vào chiều 11/12, tại Hà Nội. (Ảnh: PV).
Toàn cảnh Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam” diễn ra vào chiều 11/12, tại Hà Nội. (Ảnh: PV).

Chiều 11/12, tại Hà Nội, Vụ Thị trường trong nước và Tạp chí Công Thương (Bộ Công Thương) tổ chức Diễn đàn “Thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam”. Đây là hoạt động nằm trong chuỗi các sự kiện thuộc Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam với tên “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” năm 2023.

Hàng Việt ngày càng nâng tầm vị thế

Phát biểu tại Diễn đàn, bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, sau hơn 14 năm triển khai Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, hàng Việt Nam có thế mạnh (đặc biệt là hàng hóa thiết yếu, hàng tiêu dùng) đã, đang và tiếp tục bao phủ rộng khắp các mạng lưới phân phối từ các kênh phân phối truyền thống tới các hệ thống phân phối hiện đại.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: PV).

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phát biểu tại Diễn đàn. (Ảnh: PV).

Theo báo cáo của các địa phương, trong hệ thống siêu thị của một số doanh nghiệp trong nước, hàng hoá sản xuất trong nước chiếm tỷ trọng lớn từ 80 - 90% như Co.opmart (90%), Winmart (90%), BRG Retail (80-90%)...

Các hệ thống phân phối có vốn đầu tư nước ngoài như: Aeon, Central Retail, MMMegaMarket, LotteMart… cũng có nhiều nỗ lực trong việc đóng góp cho cộng đồng nơi mở cơ sở kinh doanh bằng việc thu mua, hỗ trợ xúc tiến tiêu thụ sản phẩm địa phương, đặc sản vùng miền (OCOP, hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, hàng chủ lực của địa phương) và giữ tỷ lệ hàng Việt cao trong kênh phân phối của mình.

Sự nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương, trong đó có Bộ Công Thương trong các hoạt động kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, kích cầu tiêu dùng hàng Việt Nam đã đóng góp vào việc duy trì mức tăng trưởng của thương mại trong nước và hỗ trợ đầu ra cho sản xuất trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 ước đạt 552.700 tỷ đồng, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 5.667.000 tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Bà Lê Việt Nga khẳng định: “Thị trường trong nước đã đóng góp vào việc tăng trưởng các ngành công nghiệp chế biến chế tạo cũng như ngành sản xuất, chế biến nông lâm thủy sản, góp phần tạo việc làm và bảo đảm an sinh xã hội cho người dân”.

Đặc biệt, không chỉ khẳng định vị thế ở thị trường trong nước, hàng Việt Nam còn có sự hiện diện ngày càng sâu sắc ở thị trường nước ngoài.

Trong năm 2022, Bộ Công Thương đã công bố 281 doanh nghiệp xuất khẩu uy tín với các mặt hàng: Dệt may, cà phê, cao su, chè các loại thủy sản, gạo, hạt điều, hạt tiêu, rau củ quả, sữa, thủ công mỹ nghệ sản phẩm từ gỗ, sản phẩm cơ khí, sản phẩm vật liệu xây dựng... Đây là các doanh nghiệp sản xuất được hàng Việt Nam đạt tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính.

Thách thức cả ở thị trường nội và ngoại

Tuy nhiên, bà Nga cũng chỉ ra một số khó khăn và thách thức đối với việc sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam trong tình hình mới. Trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế toàn cầu thấp, tiêu dùng toàn cầu còn yếu, hàng rào bảo hộ gia tăng, nhiều quốc gia tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt, nên tình hình xuất nhập khẩu trong tháng cuối năm 2023 sẽ còn gặp nhiều khó khăn.

Bên cạnh đó, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm, nhiều ngành xuất khẩu gặp khó. Trong khi các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, nhất là đối với các ngành hàng như dệt may, da – giày, điện tử…

Theo bà Lê Thị Việt Nga, chỉ 10% sản lượng các mặt hàng trên cung ứng cho thị trường nội địa, còn 90% sản lượng là để xuất khẩu. Trong khi đó, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam.

Ngoài ra, việc các thị trường nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam thời gian gần đây đòi hỏi các doanh nghiệp cần phải sản xuất hàng hóa đáp ứng những tiêu chuẩn ngày càng cao về chất lượng, an toàn, truy suất nguồn gốc, sản xuất bền vững hướng đến kinh tế tuần hoàn, có trách nhiệm với xã hội và môi trường của các thị trường nhập khẩu là một thách thức. Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu cả năm 2023 của một số ngành hàng Việt Nam có thế mạnh như: dệt may, da giày... sẽ giảm.

Đối với thị trường nội địa, hàng Việt cũng đang phải cạnh tranh gay gắt bởi nhiều mặt hàng ngoại nhập đang có xu hướng chuyển dịch mạnh vào tiêu thụ tại thị trường nội địa sau khi các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (CPTPP, EVFTA...) chính thức có hiệu lực.

“Chưa kể, tỷ trọng hàng ngoại nhập trong hệ thống phân phối, đặc biệt là kênh thương mại điện tử xuyên biên giới, nhiều khả năng sẽ tăng lên trong thời gian tới.

Nhiều chuỗi bán lẻ nước ngoài cả trực tuyến và trực tiếp đã tích cực đầu tư mở rộng hệ thống cửa hàng vật lý, kho hàng hóa tại Việt Nam để phân phối hàng ngoại nhập nhất là mỹ phẩm, hàng thời trang (dệt may, da giày), thực phẩm chức năng và thực phẩm cao cấp, đồ nội thất và gia dụng, sản phẩm phục vụ mẹ và bé… khiến hàng Việt phải cạnh tranh vô cùng gay gắt với hàng ngoại nhập”, bà Nga nói.

Hàng Việt Nam được trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh: PV).

Hàng Việt Nam được trưng bày trong khuôn khổ Diễn đàn. (Ảnh: PV).

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong thời gian tới

Trước những thách thức trên, để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Bộ Công Thương dự kiến sẽ triển khai 4 nhóm giải pháp bao gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về Cuộc vận động; Rà soát, bổ sung, ban hành luật pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu dùng trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, không trái với quy định của tổ chức Thương mại thế giới (WTO);

Hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường trong nước; Đồng thời, đổi mới công tác quản lý, chấn chỉnh công tác quản lý thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đẩy mạnh phát triển sản xuất và tiêu thụ hàng Việt Nam lồng ghép trong triển khai các chương trình đề án, cấp quốc gia về kinh tế - xã hội như: Đề án Phát triển thương mại trong nước gắn với Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam giai đoạn 2021-2025; Đề án Đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025; Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia; Chương trình Khuyến công quốc gia; Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP; Chương trình Phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo giai đoạn 2021-2025...