Hàng Việt 'lên ngôi' trong siêu thị

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Những năm gần đây, việc lựa chọn các mặt hàng “made in Viet Nam” đã và đang trở thành thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng Việt.

Phần lớn người tiêu dùng vào siêu thị ưu tiên lựa chọn hàng Việt.
Phần lớn người tiêu dùng vào siêu thị ưu tiên lựa chọn hàng Việt.

80-90% sản phẩm trong các siêu thị là hàng Việt Nam

Khảo sát tại một số siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Big C, Go!, Winmart, Aeon…, các gian bày bán hàng Việt rất đa dạng, bắt mắt tới từ nhiều thương hiệu khác nhau. Hàng nội địa đang dần chiếm lĩnh nhiều phân khúc thị trường, gồm thiết bị đồ gia dụng, các mặt hàng thiết yếu, thực phẩm chế biến...

Được coi là một “ngôi nhà” dành cho hàng Việt, tại siêu thị Co.opmart, tỷ trọng các mặt hàng có nguồn gốc nội địa chiếm đến 90% cơ cấu hàng hóa. Mới đây, hệ thống siêu thị thuộc Saigon Co.op đã tổ chức chương trình Tự hào hàng Việt 2022 với chủ đề “Ngôi nhà hàng Việt – Ưu đãi bùng nổ” với hàng loạt mã giảm giá khuyến mãi cho hơn 25.000 sản phẩm hàng hoá sản xuất tại Việt Nam. Đây là chương trình quảng bá kích cầu hàng Việt lớn nhất trong năm của hệ thống này và đã được duy trì liên tục trong 25 năm qua, với quy mô không ngừng lớn mạnh qua từng năm.

Tại chuỗi siêu thị WinMart/WinMart+, tỷ trọng hàng Việt cũng luôn được duy trì đạt mức trên 90% số lượng, chủng loại hàng hóa. Trong đó, doanh thu từ các mặt hàng nông sản chiếm trên 30%. Các ngành chủ lực bao gồm thực phẩm tươi sống, thực phẩm khô, bơ sữa, bánh kẹo, đồ uống, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, bông vải sợi,...

“Riêng với nhóm ngành thực phẩm tươi sống kinh doanh trong ngày đạt tỉ lệ 100% là hàng Việt Nam, hàng hóa được kiểm soát nghiêm ngặt về nguồn gốc xuất xứ, đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm”, đại diện WinCommerce cho biết.

Là một tập đoàn bán lẻ đến từ Nhật Bản nhưng các sản phẩm tại hệ thống siêu thị AEON Việt Nam chủ yếu là từ các nhà cung cấp nội địa, trong đó hàng Việt chiếm khoảng 80%. Hàng nhập khẩu chiếm tỉ lệ khá thấp, và chủ yếu nằm trong nhóm hàng thực phẩm. Đối với các sản phẩm thực phẩm tươi sống như rau củ quả,... đa phần đều là hàng Việt, chỉ có 5-10% là hàng nhập khẩu.

Ông Bùi Trung Chính – Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm, AEON Việt Nam cho hay, “Trong thời gian tới, định hướng của chúng tôi không phải là tăng về số lượng hàng nhập khẩu, mà sẽ đa dạng hoá danh mục sản phẩm để khách hàng có nhiều sự lựa chọn hơn. Chúng tôi mong muốn giới thiệu và cung cấp cho khách hàng những sản phẩm Việt phù hợp nhất với chất lượng tốt nhất đáp ứng nhu cầu của khách hàng”.

Để có mặt trong hệ thống các siêu thị này, các nhà cung cấp luôn phải cam kết và đảm bảo cung cấp hàng hóa đáp ứng mọi yêu cầu của pháp luật Việt Nam liên quan đến hàng hóa, bao gồm nguồn gốc xuất xứ; chất lượng; bao bì, tem nhãn; giấy chứng nhận; giấy phép kinh doanh;... Ngoài ra, theo quy định từng siêu thị sẽ có thêm những yêu cầu riêng đối với nhà cung cấp.

Hàng Việt ngày càng được ưa chuộng vì chất lượng và mẫu mã

Đánh giá về chất lượng và hình thức, WinCommerce cho rằng các mặt hàng Việt Nam hiện nay rất phù hợp với nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Người Việt có xu hướng sử dụng hàng Việt nhiều hơn bởi vì hầu hết các sản phẩm đều đảm bảo chất lượng và không ngừng được cải thiện, đa dạng về chủng loại và mẫu mã, có tem truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, giá thành hợp lý cũng là một lý do giúp người tiêu dùng ưa chuộng sử dụng hàng Việt hơn. Cũng vì những yếu tố này mà các mặt hàng Việt Nam chiếm tỷ lệ rất cao trong hệ thống các siêu thị của WinCommerce.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện hệ thống siêu thị Aeon Việt Nam đánh giá các sản phẩm của Việt Nam đã được cải tiến hơn rất nhiều so với những năm trước. Trong đó, hàng Việt Nam được ghi nhận có chất lượng tốt, giá thành hợp lý, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau củ quả, thịt cá, ...

Theo Giám đốc Thu mua ngành hàng thực phẩm (Aeon Việt Nam), trước đây, giá trị của một sản phẩm được quyết định dựa trên sự tương quan giữa chất lượng và mức giá. Tuy nhiên gần đây, cách tính này đã thay đổi, có thêm nhiều yếu tố khác cũng đóng vai trò quan trọng không kém. Giá trị của một sản phẩm không chỉ được đo lường bằng chất lượng và giá cả mà còn dựa trên thương hiệu (độ nhận biết sản phẩm của khách hàng), các quy định (tuân thủ các tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật), quản lý chuỗi cung ứng (logistic)…

“Theo các yếu tố đó, hàng Việt Nam vẫn cần cải thiện hơn nữa về thương hiệu và logistic, để người tiêu dùng biết đến và tin tưởng sản phẩm hơn, đồng thời tiếp cận đúng đối tượng khách hàng, đúng nơi, đúng lúc và đúng số lượng họ cần”, vị này nói.

Hiện hàng Việt đã chiếm trên 90% các cơ sở phân phối trong nước; còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60 - 96%.

Hiện hàng Việt đã chiếm trên 90% các cơ sở phân phối trong nước; còn tại các hệ thống siêu thị nước ngoài ở Việt Nam, tỷ lệ này chiếm từ 60 - 96%.

Trở thành thói quen mua sắm của đa số người tiêu dùng Việt

Có rất nhiều lý do khiến hàng Việt Nam hiện nay được ưa chuộng và lựa chọn, có thể kể đến như: Giá cả cạnh tranh so với hàng nhập khẩu; Chất lượng được nâng cao với nhiều sản phẩm chú trọng mang đến giá trị dinh dưỡng, sức khỏe; Vùng nguyên liệu cũng như nguyên liệu sản xuất cũng ngày càng được chú trọng; Cải tiến về bao bì, đa dạng mẫu mã, thiết kế đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng; Chiến lược Marketing được đầu tư và các hoạt động đồng hành cùng cộng đồng...; Học hỏi và áp dụng kinh nghiệm từ những doanh nghiệp nước ngoài...

Thường xuyên lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc trong nước, chị Đào Thị Nhung (37 tuổi, Mỹ Đình, Nam Từ Liêm) cho biết: "Tôi đánh giá hàng Việt Nam hiện nay rất đa dạng về chủng loại, mẫu mã, chất lượng cũng có thể sánh ngang với hàng nhập khẩu. Là một người Việt thì tôi luôn ưu tiên ủng hộ các mặt hàng do người Việt sản xuất".

"Các sản phẩm thiết yếu tiêu dùng hàng ngày của gia đình tôi đa số có nguồn gốc trong nước vì có thể dễ dàng tìm hiểu về xuất xứ. Hàng Việt có mẫu mã bắt mắt, chất lượng tốt mà giá thành vô cùng hợp lý nên tôi luôn tin tưởng sử dụng", chị Lã Thị Khánh Linh (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ.