Tuyên truyền và nâng cao nhận thức
Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất là công tác thông tin tuyên truyền. Trong giai đoạn này, Sở Công Thương Vĩnh Long thực hiện nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy sự quan tâm của người dân và doanh nghiệp đối với hàng Việt. Sở đã in và treo 390 băng rôn tại các siêu thị, chợ và cơ sở kinh doanh. Thông qua những hình thức tuyên truyền phong phú này, người dân được khuyến khích tiêu dùng hàng Việt Nam, xem đây như là hành động thể hiện lòng yêu nước và nâng cao nhận thức về chất lượng của hàng hóa Việt. Những nỗ lực này góp phần tạo ra sự đồng thuận trong cộng đồng, giúp thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều người dân.
Phiên chợ hàng Việt – nhịp cầu nối giữa doanh nghiệp đến người tiêu dùng (Ảnh: Nguyễn Thuận). |
Không những thế, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long còn chỉ đạo các đơn vị trực thuộc ưu tiên sử dụng hàng Việt khi mua sắm trang thiết bị cho văn phòng, công sở. Nhờ những hoạt động này, sự ủng hộ của người tiêu dùng đối với hàng Việt ngày càng gia tăng. Theo số liệu từ Sở Công thương, hơn 89% người dân lựa chọn hàng hóa do Việt Nam sản xuất trong việc mua sắm hàng tiêu dùng hàng ngày, và hàng Việt chiếm đến 80% thị phần phân phối tại địa phương. Điều này chứng tỏ hàng hóa Việt Nam ngày càng được cải thiện về chất lượng, mẫu mã, và phù hợp hơn với nhu cầu người tiêu dùng.
Đồng hành với tuyên truyền, việc phát triển hệ thống phân phối cũng là một yếu tố cốt lõi trong việc mở rộng thị phần của hàng Việt Nam. Tỉnh Vĩnh Long tổ chức nhiều chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, nhằm tạo cơ hội cho người dân vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với những sản phẩm chất lượng.
Hưởng ứng các hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long tổ chức thành công 6 phiên chợ hàng Việt về nông thôn, thu hút sự tham gia của 199 đơn vị doanh nghiệp và hơn 19.500 lượt người tiêu dùng. Tổng doanh số từ các phiên chợ này ước tính đạt trên 12 tỷ đồng.
Hiện nay, người tiêu dùng ngày càng dành sự ưu ái, quan tâm, tìm hiểu về các sản phẩm Việt (ảnh Nguyễn Thuận). |
Không chỉ dừng lại ở các phiên chợ lưu động, hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại tại tỉnh Vĩnh Long cũng tích cực phân phối hàng Việt. Theo báo cáo của cơ quan chức năng, tại các siêu thị lớn như Co.op Mart và Vincom Plaza, hàng Việt chiếm đến 90% thị phần và được trưng bày ở các vị trí thuận tiện, giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận. Điều này không chỉ giúp thúc đẩy doanh số hàng Việt mà còn khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm nội địa thay vì hàng nhập khẩu.
Hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh
Theo Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong tỉnh cũng là một điểm nhấn quan trọng trong cuộc vận động. Từ đó các doanh nghiệp ngày càng chú trọng đến việc cải thiện chất lượng sản phẩm, đáp ứng hầu hết các nhu cầu, thị hiếu trong nước. Trong giai đoạn này, Sở Công Thương đã hỗ trợ 26 cơ sở, doanh nghiệp, và hợp tác xã trên địa bàn tỉnh ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, cùng với đó là các hoạt động thiết kế bao bì, đóng gói và đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Những cải tiến này giúp hàng Việt nâng cao giá trị cạnh tranh, tạo dựng uy tín trên thị trường.
Ngoài ra, các hoạt động xúc tiến thương mại cũng được cơ quan chức năng đẩy mạnh. Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2023, Sở Công Thương đã chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại tổ chức 7 cuộc Hội chợ triển lãm trên địa bàn tỉnh, chủ đề về nông nghiệp, công nghiệp, thương mại, đồ gỗ mỹ nghệ, sản phẩm OCOP… thu hút 295.000 lượt khách tham quan và mua sắm với tổng doanh số ước tính đạt hơn 686 tỷ đồng. Đặc biệt, các sự kiện lớn như Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ V và Festival Nông sản Việt Nam đã trở thành điểm nhấn, giúp các doanh nghiệp quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác và mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đưa hàng Việt về nông thôn là một trong những hoạt động được Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long triển khai mạnh thời gian qua (Ảnh: Nguyễn Thuận). |
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng cuộc vận động vẫn đối mặt với một số thách thức. Công tác thông tin tuyên truyền chưa được triển khai đồng bộ tại các doanh nghiệp, và khả năng cạnh tranh của một số sản phẩm Việt vẫn còn hạn chế, đặc biệt là về mẫu mã và truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, tình trạng gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của hàng Việt Nam.
Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, ông Trần Nhựt Thanh – Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, thời gian tới Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai, thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025. Kế đó, Sở sẽ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, trong đó tập trung hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xúc tiến thương mại tại thị trường nội địa. Đồng thời, Sở Công thương cũng sẽ đẩy mạnh hơn nữa trong công tác quản lý, phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường kiểm soát thị trường, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và giúp hàng Việt duy trì uy tín trên thị trường.
Có thể nói, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tại tỉnh Vĩnh Long đã đạt được những kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn 2021-2023. Từ việc nâng cao nhận thức của người dân, phát triển hệ thống phân phối, đến việc hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, tỉnh Vĩnh Long đã góp phần không nhỏ vào mục tiêu phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy tiêu dùng hàng Việt. Tuy nhiên, để duy trì và phát huy những thành quả này, việc cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng kênh phân phối, và tăng cường công tác kiểm soát thị trường sẽ là những nhiệm vụ quan trọng cần thực hiện trong những năm tới.