Bạn đọc hỏi:
Năm 2000, vợ chồng tôi mua lại một mảnh đất của người hàng xóm và có cắm một hàng rào làm mốc ranh giới giữa hai nhà. Hai bên đều có ký các giấy tờ mua bán và được UBND xã công nhận mảnh đất đó thuộc gia đình tôi là hợp pháp. Đầu năm 2016, để cơi nới nhà cửa, vợ chồng tôi quyết định xây nhà thì bị người hàng xóm ngăn chặn, cản trở vì cho rằng nhà tôi đã xây lấn quá hàng rào tre gai, khiến việc xây nhà của gia đình tôi bị đình trệ.
Tôi đã báo lên UBND xã để giải quyết nhưng vẫn không thể hoà giải. Luật sư cho tôi, tôi phải làm đơn gửi đến cơ quan nào thì mới có thẩm quyền giải quyết?
Luật sư tư vấn
Theo quy định tại khoản 5 Điều 166 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất có quyền được Nhà nước bảo hộ khi bị người khác xâm phạm đến quyền sử dụng đất hợp pháp của mình.
Trường hợp gia đình bạn bị hàng xóm ngăn chặn, không cho xây dựng nhà thì bạn có quyền yêu cầu người hàng xóm chấm dứt hành vi của mình theo Điều 169 Bộ luật Dân sự 2015 được quy định như sau:
“Điều 169. Quyền yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
Khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm.”
Bên cạnh đó, căn cứ Điều 164 Bộ luật Dân sự 2015 quy định cụ thể như sau:
“Điều 164. Biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản
1.Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền tự bảo vệ, ngăn chặn bất kỳ người nào có hành vi xâm phạm quyền của mình bằng những biện pháp không trái với quy định của pháp luật.
2. Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Nếu người hàng xóm vẫn không chấm dứt hành vi của mình, bạn có thể làm đơn gửi đến Toà án để giải quyết tranh chấp theo khoản 9 Điều 26 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.
“9. Tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật về đất đai; tranh chấp về quyền sở hữu, quyền sử dụng rừng theo quy định của Luật bảo vệ và phát triển rừng.”
Ngoài ra, căn cứ Điều 170 Bộ luật Dân sự 2015 thì bạn có quyền yêu cầu người hàng xóm phải bồi thường thiệt hại về những hành vi của mình.
“Điều 170. Quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại
Chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản bồi thường thiệt hại.”