Biến nỗi đau thành hành động
Huyện A Lưới nằm ở miền Tây tỉnh Thừa Thiên – Huế giáp nước bạn Lào, nổi tiếng là vùng chiến khu cách mạng quật cường gan góc, ghi dấu ấn với tấm lòng của đồng bào các dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi, Cơ Tu, Pa Hy. A Lưới có 500 liệt sĩ, 881 thương bệnh binh, tám cá nhân và 15/21 xã được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân (LLVTND). Dù đói khổ, bom đạn, chất độc hoá học kẻ thù tàn phá, đồng bào các dân tộc A Lưới vẫn một lòng son sắt đi theo Đảng, Bác Hồ, góp sức cùng cả nước đánh thắng giặc Mĩ xâm lược.
Ngày mùng 5/9/1969, khi nghe Đài Tiếng nói Việt Nam, tin Hồ Chí Minh từ trần đã gây xúc động sâu sắc đến đồng bào miền Tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ, từ các già làng, bô lão, đại diện Mặt trận, trưởng bản cùng toàn thể đồng bào đều òa khóc, cùng hướng ra miền Bắc, hướng về Bác Hồ muôn vàn kính yêu.
Già làng ở A Đeeng, xã Bắc Sơn, huyện A Lưới, ông Hồ Văn Rãi (tên thường gọi Cu Rãi, 80 tuổi, nguyên Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch UBMTTQ huyện A Lưới) nhớ lại: “Đó là ký ức không thể nào quên. Nghe tin Bác mất, bà con ở đây rất buồn, hầu như không ăn, khóc rất nhiều. Với niềm tiếc thương vô hạn, Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện A Lưới đã tổ chức để tang Bác Hồ trong thời gian bảy ngày”.
Già làng Hồ Văn Rãi thắp nén nhang tưởng nhớ trước khi hồi ức ngày vinh dự mang họ Hồ của Bác |
Lời hứa trọn đời đi theo Đảng, theo cách mạng, theo con đường Bác Hồ đã chọn được mọi người biến thành hành động. Làm lễ truy điệu Bác xong, khu ủy Trị Thiên gợi ý phong trào ai chưa có họ thì sẽ mang họ Hồ, những ai đã có họ nhưng muốn đổi thì chính quyền cũng chấp thuận. Giữa đại ngàn Trường Sơn, các già làng, trưởng bản, nhân dân nhóm họp cùng cất lời thề rồi làm thủ tục để cho những người tình nguyện được thỏa tấm lòng.
“Tôi theo cách mạng từ nhỏ. Khi lớn lên, toàn bộ tình cảm của tôi dành cho Đảng, Bác Hồ. Đến khi Bác mất, mình như mất một người cha, người anh vậy. Tôi là người Pa Cô trước đã có họ là Ariêr nhưng vẫn đổi sang họ Hồ. Sau này, con cái, cháu chắt của tôi đều mang họ của Bác cả”, già làng Cu Rãi nói.
Còn theo già làng ở Diên Mai, A Ngo, ông Hồ Thanh Xoa (81 tuổi, nguyên Trưởng ban Dân vận huyện A Lưới, Ủy viên Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VI, VII): “Tôi là người dân tộc Tà Ôi, trước đây có họ PiKêr (con chim nhỏ trong rừng), nhưng vì quý trọng Bác nên đổi thành họ Hồ từ năm 1969. Gia đình tôi đến nay đã ba đời mang họ Hồ”.
Vị già làng này tiếp tục, ngày trước, đồng bào A Lưới thường lấy tên những con vật, cây cối, như Arâl, Târnau, PiKêr, Pata, Plo, Prung, Ariêr, Pa Pát để làm họ của mình. Muốn đổi họ các gia đình phải cúng rất nhiều lễ với Giàng (Trời - PV). Luật tục bao đời ấy đã ăn sâu vào máu thịt đồng bào, nhưng khi Bác qua đời, bà con không sợ Giàng “bắt tội”, mà một lòng nguyện đổi họ theo Bác với lòng tôn kính sâu sắc. Khi được mang họ Hồ, mọi người nơi đây đều thề: “Ai ăn ở hai lòng sẽ bị Giàng phạt, trời bắt tội, sẽ tàn lụi như cây gỗ mục trong rừng, như dòng suối cạn khô, như cỏ cây cháy rụi…”
Thờ Bác cùng với ông bà, bố mẹ
Số liệu từ ông Hồ Xuân Trăng (Trưởng Ban dân tộc tỉnh Thừa Thiên – Huế) cung cấp vào ngày 15/5/2018 cho thấy toàn huyện A Lưới có gần 50 ngàn dân, trong đó có tới 43,5% mang họ Hồ.
Theo già làng Cu Rãi, năm 1973 ông xây được nhà. Từ đó, ông thờ ảnh cũng như tượng Bác. “Ba mẹ tôi qua đời từ lâu, không có ảnh. Vì lòng tôn kính nên tôi thờ ảnh Người. Vào dịp rằm, mùng Một tôi đều nhang khói. Ngày giỗ, sinh nhật của Bác hay ngày Quốc khánh, tôi còn trưng hoa quả, bánh trái như một lời tri ân, nhắc nhở con cháu về lịch sử hào hùng của dân tộc. Sau khi được bầu làm già làng từ năm 2000, tôi vận động con em nơi đây thờ Bác trong nhà. Đến nay 100% dân bản tôi đều thực hiện tốt điều này. Đa phần mọi người thờ chung Bác với ông bà, số ít có điều kiện, nhà rộng thì thờ Bác riêng”.
Còn với già làng Hồ Thanh Xoa, trước đây các bản làng sống tách biệt với nhau, ít tiếp xúc với bên ngoài, cuộc sống gian khổ, thường xuyên thiếu đói. Đồng bào A Lưới xưa du canh, du cư, cuộc sống túng quẫn, ăn củ mì, củ mài thay cơm, đốt cỏ tranh thay muối, không có rìu, rựa phát rẫy. Từ khi có cách mạng, cuộc sống nhiều thay đổi. Từ nền móng “Muối của cụ Hồ cho, áo cụ Hồ, cuốc rựa cụ Hồ”, từ khi đi theo ánh sáng cách mạng, theo con đường Bác Hồ đã chọn, theo những phong trào thi đua trong toàn dân dấy lên rầm rộ, người A Lưới sản xuất không những đảm bảo lương thực cho bản thân gia đình mà còn đóng góp đáp ứng nhu cầu to lớn của cuộc kháng chiến.
Già làng Hồ Thanh Xoa đặt bàn thờ Bác bên cạnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đại tướng Nguyễn Chí Thanh |
Già làng Xoa chia sẻ: “Ở bản Diên Mai có chừng 90% dân thờ ảnh Bác. Tại nhà tôi, ngoài thờ bố mẹ, tôi còn thờ Bác Hồ ở nơi cao nhất, ở phía dưới thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. Việc thờ Bác cũng giúp cho thế hệ trẻ kính mến Người, việc học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được truyền tải, lan tỏa ra ra các tầng lớp nhân dân dễ dàng hơn”.
Trong ngôi nhà nằm sát đường Hồ Chí Minh, (thuộc thị trấn A Lưới), PLVN gặp lại nữ Anh hùng LLVTND, bà Hồ Kan Lịch (75 tuổi, dân tộc Pa Cô). Bà kể năm 14 tuổi tham gia cách mạng, làm liên lạc chuyển thư từ, công văn cho cơ sở. Sau đó trưởng thành, trong suốt cuộc kháng chiến trường kỳ chống Mỹ cứu nước, Kan Lịch đã chỉ huy Đội nữ du kích Hồng Bắc tổ chức đánh 49 trận lớn nhỏ, tiêu diệt 150 lính Mỹ - Việt Nam Cộng hòa thu giữ nhiều phương tiện, vũ khí. Với những chiến công đó, năm 1967, Kan Lịch vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và là nữ anh hùng đầu tiên của dân tộc Pa Cô. Năm 1968, Kan Lịch tham dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc và lần đầu tiên được gặp Bác.
Nữ Anh hùng LLVTND Kan Lịch thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng bố chồng và em trai |
Bà hồi ức: “Tôi bảy lần được vinh dự gặp Bác, trong đó bốn lần được ăn cơm chung với Người. Những lần gặp Bác đều là những kỷ niệm không thể nào quên. Lúc Bác qua đời, nhiều người dân lo ngại, Bác không còn, sự nghiệp cách mạng sẽ đi về đâu? Nhưng với người dân A Lưới thì ngày đó và bây giờ, ai cũng rất tin tưởng vào Đảng, vào cách mạng, vào con đường Bác đã chọn. Bất chấp khó khăn gian khổ, con cháu mang họ Bác xung phong lên đường tiếp lương, tải đạn, vót chông đánh giặc. Người người, nhà nhà trở thành căn cứ che chở bộ đội và bảo vệ đường Trường Sơn”.
Bà Kan Lịch treo ảnh mình được gặp Bác ở nơi trang trọng nhất ngôi nhà |
Hồ Kan Lịch còn có chú ruột là Hồ Đức Vai và em trai là Hồ A Nun cũng là Anh hùng LLVTND. Hiện, trên bàn thờ của nhà mình, bà Kan Lịch đặt ảnh Bác cao nhất, bên dưới là Đại tướng Võ Nguyên Giáp, hai bên là bố chồng và em trai của mình.
Từng tái hiện nghi lễ đặt họ Hồ
Vào ngày 25/6/2016 tại làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội), nghi lễ đặt họ Hồ từng được tái hiện đúng như nghi lễ vốn được tiến hành trong thực tế khi đồng bào ở huyện A Lưới nghe tin Bác Hồ kính yêu ra đi vào năm 1969. Trong bài diễn văn, đồng bào trăm người như một nắm chặt tay đưa lên đầu cùng hô vang: “Xin nguyện mang họ Hồ”.