Hành lang pháp lý cho công nghệ sinh học

(PLVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Thưa, lần đầu tiên ở Việt Nam, Bộ Chính trị - cơ quan lãnh đạo cao nhất của Trung ương giữa 2 nhiệm kỳ Đại hội, ban hành nghị quyết cao nhất về lĩnh vực sinh học. Nghị quyết của Bộ Chính trị về bất cứ lĩnh vực nào cũng có ý nghĩa định hướng, vĩ mô.

Với các thế hệ 6X, 7X... từ ngày trên ghế phổ thông trung học đã được học môn Sinh học. Theo Hán – Việt, “sinh học” hay sinh vật học (gọi tắt là sinh) là một môn khoa học nghiên cứu về thế giới sinh vật. Nó là một nhánh của khoa học tự nhiên, tập trung nghiên cứu các cá thể sống, mối quan hệ giữa chúng với nhau và với môi trường. Cuộc sống buộc con người phải nhận thức lại các quy luật vĩnh cửu từ tự nhiên, từ đó hình thành nên quan điểm của các Đảng lãnh đạo, quản trị quốc gia của các chính quyền – với tư cách là cơ quan cai trị. Phát triển hài hòa trong cân bằng là kết quả của nhận thức.

Gần 3 năm diễn ra đại dịch COVID-19 (hiện nay WHO vẫn chưa công bố hết dịch), Chính phủ các nước bắt đầu phải nhận thức lại, có các cam kết quốc tế, luật pháp về bảo vệ môi trường sống. Đại dịch COVID-19, cũng như dịch bệnh khác chỉ có thể được ngăn chặn (tiến tới dập tắt), nhờ khoa học. Vaccine là giải pháp duy nhất để chống lại virus SARS-CoV-2 trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, lấy đi tính mạng của hàng triệu người và gây gánh nặng chồng lên đời sống xã hội của các quốc gia trên thế giới. Nghịch lý là xã hội loài người càng phát triển, các nguy cơ mất an ninh phi truyền thống càng xuất hiện. Dịch bệnh như COVID-19 là minh chứng mới nhất. Trong tình hình đó, CNSH càng trở nên quan trọng.

Với nước ta, trong quá trình nhận thức, CNSH từng bước được hình thành; nhiều doanh nghiệp đã đầu tư nghiên cứu, sản xuất, thương mại hoá sản phẩm trên một số lĩnh vực với quy mô lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu về CNSH tăng cả về số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, CNSH phát triển chưa tương xứng với tiềm năng; năng lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh khoa học - công nghệ phát triển mạnh mẽ; một số lĩnh vực quan trọng lạc hậu so với khu vực và thế giới; chưa trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng; đào tạo và sử dụng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế, bất cập.

Chúng ta phải làm gì? Điều đầu tiên, với những người am hiểu về quản trị quốc gia là hành lang pháp lý. Rõ ràng, nhiệm vụ “thiết kế” đầu tiên là xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng CNSH; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm CNSH; bảo đảm an toàn sinh học. Chúng ta chưa có hành lang về CNSH. Điều đó cho thấy, sau nghị quyết của Bộ Chính trị, rất nhiều việc phải làm.

Đọc thêm