Nghĩ ngợi mấy ngày trời, cuối cùng chị Nguyễn Thị Việt Phương, ngụ Hố Nai, TP Biên Hòa, Đồng Nai quyết định gửi con về quê với ông bà. Một người thân ở Ninh Thuận đánh xe nhà lên, đón hai cháu rồi về quê ngay để tránh tiếp xúc, đảm bảo an toàn. Ngày ngày, nhìn người thân gửi ảnh các con chơi đùa tung tăng dọc triền đê, đuổi theo bầy gà, cũng ông bà ngoại đi nhổ cỏ, hái rau, vợ chồng chị Phương thấy nhẹ nhàng hẳn.
Những ngày trước đó thật ngột ngạt với con, căn chung cư 60m2, hai đứa trẻ ở nhà đi ra đi vào, không có bạn bè, không được xem tivi nhiều, đọc sách mãi cũng chán, các con chỉ tự chơi với nhau. Về quê, xã nhỏ chưa có dịch, thiên nhiên bao la, hai đứa trẻ tung tăng suốt ngày. Đó là một giải pháp ổn cho con lúc này, vừa tránh xa nguy cơ bệnh dịch, vừa có tình yêu thương của ông bà, lại học được nhiều kĩ năng, kết nối nhiều hơn với thiên nhiên.
Nhiều gia đình cũng đã lựa chọn đưa con mình về quê như thế, thay vì để các con trong bốn bức tường, đồng thời cũng giúp cha mẹ đỡ vất vả vừa lo trông con vừa đi làm. Tuy nhiên, việc đưa con về quê của các gia đình phải tuân thủ các khuyến cáo của cơ quan y tế về phòng, chống dịch. Nhiều gia đình còn lựa chọn cách đưa ông bà từ quê lên để trông cháu, chơi với cháu. Dẫu biết thành thị “không quen” như ở quê, nhưng vì con, vì cháu, nhiều ông bà cũng sẵn sàng “lên đường”.
Nghe con gái ở TP.HCM đang ở gần khu vực bị “phong tỏa”, bà Nguyễn Thị Hai, quê Cái Bè, Tiền Giang vội ra vườn hái rau, đi chợ mua thịt cá, đóng gói gửi lên cho con cháu. Mở thùng hàng mẹ gửi, con gái bà Hai ngân ngấn nước mắt khi thấy thực phẩm quê được xếp rất gọn gàng: Những món rau vườn quen thuộc gói lá chuối nằm riêng. Trong các hộp nhỏ có dán nhãn, nào là chả cá rô, nào là thịt kho trứng…
Rồi mảnh giấy viết vội với nét chữ nguệch ngoạc của người mẹ già: “Nấm mối mùa này chỉ hái được bấy nhiêu, để dành riêng nấu cháo cho mấy đứa nhỏ ăn cho bổ. Bà nhớ các cháu”. “Lần trước, thành phố giãn cách mẹ tôi cũng gom góp đồ từ quê gửi lên cả mấy thùng vì sợ con cháu đói. Mẹ thà ăn thiếu thốn để con được ăn ngon. Mỗi lần mở thùng hàng mẹ gửi ra là rưng rưng nước mắt vì thương, vì nhớ”, người con gái chia sẻ.
Nhiều gia đình ở TP.HCM thời điểm này cũng đăng lên trang cá nhân những hình ảnh thực phẩm tiếp tế ở quê ra. Ông bà ở miền biển thì gửi cá tươi, cá khô, nước mắm. Ông bà ở Tây Nguyên thì gửi bơ, gửi sầu riêng, thịt sạch miền cao nguyên. Ông bà ở miệt miền Đông, miền Tây Nam bộ có trái cây, có rau tươi, có gà vườn gửi cho con cho cháu. Những bài đăng đầy tự hào vì có “ông bà ở quê”, nhận những bình luận cũng đầy thích thú, ngưỡng mộ. Có những ông bà thương cháu mùa dịch ở thành thị buồn, không có nơi vui chơi còn gửi từ quê lên cả con chó, con mèo làm “bạn” với cháu.
Mùa giãn cách, khoảng cách ở quê và ở phố dường như càng xa hơn. Nhưng tấm lòng của những người cha, người mẹ thì không không gian, khoảng cách nào xóa nhòa được. Những món quà quê gửi ra phố không chỉ là thực phẩm, nó còn chứa đựng cả tình yêu thương của cha mẹ, ông bà đối với con cháu ở xa. Và trong đó chứa cả niềm động viên tinh thần của người ở quê gửi người thành thị mùa dịch.