Hạnh phúc không khuyết thiếu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Từ năm 2007 đến nay, cứ 5 năm một lần, chương trình giao lưu “Hạnh phúc vợ chồng người khuyết tật” được tổ chức để nâng cao nhận thức về quyền của người khuyết tật nói chung và trong tình yêu, hôn nhân, hạnh phúc gia đình nói riêng.
Hạnh phúc của vợ chồng anh Đoàn Ngọc Bảo và chị Nguyễn Thị Lệ Thu.
Hạnh phúc của vợ chồng anh Đoàn Ngọc Bảo và chị Nguyễn Thị Lệ Thu.

Hạnh phúc của những “vầng trăng khuyết”

Mới đây 35 cặp vợ chồng đến từ đến từ 33 tỉnh, thành phố trong cả nước đã hội tụ tại chương trình giao lưu lần thứ VI - năm 2022 với chủ đề “Hạnh phúc vầng trăng khuyết”. Chương trình do Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm Ngày Phụ nữ Việt Nam, nhằm góp phần triển khai, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 39-CT/TW ngày 1/11/2019 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác người khuyết tật (NKT) và Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24/6/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới.

Tại chương trình, những người có mặt được nghe câu chuyện nỗ lực xây dựng hạnh phúc của vợ chồng anh Nguyễn Hữu Hậu và chị Nguyễn Thị Lương (Hải Phòng). Khi đang học lớp 8, cơ thể anh Hậu bắt đầu có những thay đổi, bị kéo gò, chân tay teo dần, co quắp không thể đi lại được, chỉ lê với bò. Vượt qua nỗi đau thể xác, mặc cảm, anh quyết tâm đi học nghề mộc thủ công mỹ nghệ. Anh quen chị Lương trong một lần về thăm người thân ở Hải Dương.

Ban đầu gia đình hai bên đều phản đối vì lo hai vợ chồng khuyết tật sẽ không có tương lai và cuộc sống ổn định. Anh chị đã nỗ lực thuyết phục mọi người để đến được với nhau, cùng xây dựng gia đình hạnh phúc với hai con và phát triển kinh tế. Năm 2009, với sự giúp đỡ của gia đình, đặc biệt sự động viên của vợ, anh Hậu mở xưởng gỗ mỹ nghệ Hiệp Hậu. Để phát triển kinh doanh, anh chị vay mượn gần một tỷ đồng đầu tư dàn máy CNC, nâng doanh thu của cơ sở lên 60 triệu đồng/tháng. Hiện, xưởng tạo việc làm và dạy nghề cho nhiều lao động khuyết tật và khỏe mạnh tại địa phương.

Cũng như vợ chồng anh Hậu, để đến với việc có thể cưu mang thêm những NKT khác, anh Lê Công Hoan và chị Phạm Thị Tư (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng trải qua một hành trình dài. Anh Hoan bị teo hẳn một bên chân phải từ lúc 1 tuổi, học lên cấp II anh phải nghỉ giữa chừng. 18 tuổi, anh đi xin việc nhiều nơi nhưng không được, phải rời quê từ Khánh Hòa đến Vũng Tàu phụ một người anh xới đất trồng cây. Sau 3 năm, anh được trả cho một số tiền làm vốn tự lập.

Quá trình đi tìm việc, anh gặp chị Tư quê miền Trung cũng đang đi tìm việc. Thấu hiểu hoàn cảnh của nhau, anh chị nảy sinh tình cảm và tổ chức đám cưới đơn giản năm 2008, đón chào con trai kháu khỉnh năm 2009. Từ số vốn tích cóp, anh chị thuê 7.000m2 đất và được Hội Nạn nhân chất độc da cam tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho vay 150 triệu đồng, phát triển nghề trồng hoa, trồng rau, cây cảnh, thu lời hàng trăm triệu đồng. Hiện anh chị đang cưu mang 5 NKT nặng không xin được việc làm với tiền lương 6 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm cho 15 - 20 lao động nghèo ở địa phương với mức lương 9 triệu đồng/tháng...

Nhiều người đã biết đến thành tích của NKT trong thể thao, nhưng ít người biết để có những thành công đó còn là bí quyết xây dựng hạnh phúc của “những vầng trăng khuyết”. Vợ chồng anh Đoàn Ngọc Bảo và chị Nguyễn Thị Lệ Thu là cặp đôi khuyết tật vận động gặp nhiều khó khăn, khi đến với nhau đã gặp phải những ý kiến trái chiều từ gia đình, bạn bè. Nhưng bằng tình yêu, sự quyết tâm, họ đã cùng nhau vun đắp nên một gia đình hạnh phúc. Anh Bảo từng là vận động viên trượt tuyết, đại diện Việt Nam tham dự Thế vận hội mùa đông tại Hàn Quốc năm 2015. Chị Thu từng có mặt trong Top 10 cuộc thi Vẻ đẹp vầng trăng khuyết năm 2019.

Vợ chồng anh Trần Đình Hải và chị Đặng Thị Phi ở Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng cũng khiến những người tham dự chương trình cảm phục. Anh Hải hiện là Phó Chủ tịch Hội Người khuyết tật thành phố Đà Nẵng. 15 năm qua, anh đạt gần 40 huy chương các loại bộ môn: ném lao, ném đĩa, đẩy tạ tại các giải thể thao NKT. Chị Đặng Thị Phi là NKT duy nhất làm việc tại Công ty TNHH Lovepop Việt Nam, chuyên lắp ráp tranh, thiệp 3D. Vợ chồng anh Hải - chị Phi đã thành lập công ty và phối hợp với Hội NKT sản xuất, kinh doanh các loại nước uống, tạo việc làm cho nhiều NKT trên địa bàn…

Động lực vươn lên đóng góp cho xã hội

Thống kê của Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, cả nước có khoảng 6,2 triệu NKT, chiếm 7,06% dân số từ 2 tuổi trở lên, trong đó có 58% là nữ, 28,3% là trẻ em, gần 29% là NKT nặng và đặc biệt nặng. Tính đến cuối năm 2020, gần 3 triệu NKT đã được cấp giấy chứng nhận NKT. Với việc triển khai tốt các chính sách, NKT được hỗ trợ bằng nhiều hình thức, nhiều người được học nghề, có việc làm, có thu nhập, đời sống được cải thiện đáng kể.

Bên cạnh những thành tựu đạt được vẫn còn nhiều hạn chế như tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi, bổ sung, khắc phục một số vướng mắc, bất cập còn chậm; rào cản về tiếp cận giao thông, đi lại vẫn là một trong những vấn đề khó khắc phục, nhất là ở khu vực nông thôn; mức trợ cấp xã hội cho NKT còn thấp; số lượng NKT được các cơ sở trợ giúp xã hội còn ít; nhiều NKT chưa được học nghề và vay vốn để sản xuất. Nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và tồn tại là do nhận thức, sự quan tâm của một số cấp ủy, chính quyền địa phương về công tác NKT còn hạn chế...

Ở góc độ gia đình, hạnh phúc gia đình là mơ ước của con người, đặc biệt là của NKT. Tuy nhiên, những rào cản, định kiến của xã hội và cả những ngăn cấm ngay từ chính gia đình của họ đã khiến cho chặng đường đến với nhau của những cặp vợ chồng khuyết tật trở nên vô cùng gian nan. Do đó, có thể nói việc những cặp vợ chồng NKT hạnh phúc và thành công trong cuộc sống được tụ hội và kể lại câu chuyện của mình trong buổi giao lưu chính là lời khẳng định khi có sự cởi mở của xã hội, sự nỗ lực của bản thân những NKT, chắc chắn sẽ mang tới cho họ nhiều động lực để NKT vươn lên đóng góp cho xã hội.

* “Nhìn 35 cặp đôi tiêu biểu rạng ngời hạnh phúc khiến tôi thật sự có nhiều cung bậc cảm xúc của sự ngưỡng mộ, mến phục, sự tự hào và trân trọng những tình cảm rất bình dị nhưng rất đáng trân quý. Để có được hạnh phúc đó, các bạn, các cặp đôi vừa vượt lên chính mình, vừa vượt lên mặc cảm, định kiến để khẳng định bản thân, cũng như họ đã hy sinh, chịu đựng âm thầm, lặng lẽ, cùng nhau thấu cảm, sẻ chia để xây dựng gia đình hạnh phúc, con cái chăm ngoan, học giỏi và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng” .

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

* “Nhiều NKT thành công trong nước và trên thế giới đã chứng minh một điều, họ có quyền và xứng đáng có được tình yêu lứa đôi và hạnh phúc gia đình”.

Ông Nguyễn Trọng Đàm, Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và trẻ mồ côi Việt Nam

Đọc thêm