Hành trình gập ghềnh đi tìm công lý...
Ngày 18/6/2017, Báo Pháp luật Việt Nam (PLVN) đã đăng tải bài viết “Lâm Đồng: “Giao cấu với trẻ em nhiều lần, chỉ bị phạt án treo”. Trước thông tin phản ánh của Báo PLVN, ngay sau đó VKSND tối cao đã có Văn bản số 2528/VKSNDTC-V2 ngày 10/7/2017 yêu cầu VKSND tỉnh Lâm Đồng kiểm tra thông tin Báo PLVN phản ánh. Chỉ 10 ngày sau, tức ngày 20/7/2017, TAND tỉnh Lâm Đồng đã đưa vụ án này ra xét xử phúc thẩm và tuyên bị cáo Phạm Ngọc Hưng 36 tháng tù. Về trách nhiệm dân sự, HĐXX buộc bị cáo Phạm Ngọc Hưng phải bồi thường cho bị hại 70 triệu đồng.
Vụ án tóm tắt trong vài chục từ, nhưng hành trình đi đến được kết quả đó đã vô cùng gian nan vất vả, đối với cả gia đình nạn nhân và phóng viên thực hiện bài viết.
Trong đơn cầu cứu gửi tới Báo PLVN của em Phạm Kiều Lan T, sinh ngày 12/1/2003, học sinh lớp 8 ở huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) kể về việc mình bị kẻ xấu hãm hại nhiều lần. TAND huyện Đức Trọng mặc dù xác định đối tượng Phạm Ngọc Hưng (23 tuổi, trú tại thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh) đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của T và quan hệ tình dục với T bốn lần nhưng HĐXX chỉ tuyên phạt Hưng 36 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Gia đình nạn nhân đã “vác” đơn cầu cứu tới nhiều cơ quan chức năng của huyện Đức Trọng và tỉnh Lâm Đồng nhưng không có đơn vị nào can thiệp hoặc giải quyết thấu đáo sự việc. Kẻ phạm tội là Phạm Ngọc Hưng được hưởng án treo vẫn nhởn nhơ, thách thức dư luận. Riêng em Phạm Kiều Lan T, từ ngày xảy ra sự việc không những bỏ học mà tâm lý còn rất hoang mang, suốt ngày ở trong nhà, không dám ra ngoài vì sợ bị bạn bè đàm tiếu, mọi người cười chê. Không biết bấu víu vào đâu, gia đình em chỉ còn cách viết đơn cầu cứu gửi tới Báo PLVN nhờ vào cuộc can thiệp, điều tra, làm rõ.
Sự vào cuộc tìm hiểu, thu thập đầy đủ thông tin của phóng viên đã được thể hiện trong bài viết “Lâm Đồng: Giao cấu với trẻ em nhiều lần, chỉ bị phạt án treo” ngày 18/6/2017 nói trên. “Trong lúc cả gia đình tôi tưởng chừng như vô vọng nhất thì được Báo PLVN “lên tiếng”. Nhờ có báo mà gia đình tôi tìm được công lý, giải tỏa được nỗi oan ức và cái xấu đã phải đền tội bằng một bản án xác đáng.. Công lý trở về với gia đình tôi”, bà nội nạn nhân, chia sẻ.
Trên con đường gập ghềnh đi tìm công lý mà chúng tôi đã đi qua, có những con đường đã đến đích, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều trăn trở khi kết quả không như mong đợi, sự việc của bạn đọc chưa được giải quyết. Điều đó thôi thúc mỗi cán bộ, phóng viên Báo PLVN cố gắng hơn nữa trước niềm tin yêu của bạn đọc và sự tin tưởng của cơ quan chức năng.
Hành trình gập ghềnh đi tìm công lý |
Bước đi không cô độc
Mỗi bạn đọc tìm đến Báo PLVN đều mang một nỗi tuyệt vọng với hoàn cảnh hết sức éo le khi không thể tìm ra cách giải quyết sự việc của mình. Vì vậy, họ tìm đến báo, xem báo như chiếc phao cuối cùng để bám vào với niềm tin, hi vọng rằng, báo sẽ giúp họ giải quyết được những vướng mắc phát sinh trong cuộc sống.
Một sáng đầu mùa hè, Ban Pháp luật - Bạn đọc (Báo PLVN) tiếp hai người khách. Cả hai đều trên dưới 80 tuổi. Đó là một bà cụ mù lòa và người em trai của bà, từ Quy Nhơn (Bình Định) tìm đến báo, để kể về nỗi nhọc nhằn của họ. Bà chị tên là Nguyễn Thị Đoan kể, từ những năm 1972 - 1973, nhà bà mua nhà và hàng hóa trong cửa hàng của người khác, có giấy tờ chính quyền chứng thực việc mua bán. Sau đó, nhà bà đến ở và buôn bán ở căn nhà trên. Thế nhưng, qua đó vài năm, người ta đến thu nhà của bà, bảo là thực hiện chính sách cải tạo nhà ở, nhà đó là nhà vắng chủ. Dù rằng gia đình bà đã đưa ra giấy tờ mua bán, dù rằng cả nhà bà đang sinh sống ở đó, dù rằng chứng minh được nguồn gốc số hàng hóa – là cả một gia tài... nhưng gia đình bà vẫn bị chuyển sang một ngôi nhà nhỏ hơn nằm trên cùng phố cách đó một đoạn ngắn...
“Tôi đã dành cả một đời để đi đòi lại nhà cho gia đình, vì tôi không cam lòng mất nhà một cách vô lý đến thế. Từ thị xã, tỉnh đến Bộ Xây dựng, đâu người ta cũng trả lời tôi cùng một đáp án theo lý giải của họ và rồi sau đó là không giải quyết đơn thư của tôi, dù rằng gia đình tôi đã đưa ra các loại giấy tờ hợp pháp để chứng minh quyền lợi của mình đối với tài sản” – bà Nguyễn Thị Đoan nói – “Giờ thì gần đất xa trời, mắt cũng đã mù lòa nhiều năm, đi phải có người đưa lại phải có người dắt, tôi nhờ em tôi là chú Huy đây giúp tôi, tôi chỉ mong rằng có ai đó có tâm mà lật lại hồ sơ nhà tôi để cho chúng tôi một câu trả lời thỏa đáng”.
Đưa ra tập đơn dày nhuốm màu thời gian như mái tóc của hai chị em bà, bà Đoan chia sẻ: “Chúng tôi cũng biết càng lâu cơ hội lật lại sự việc càng ít đi, nhưng chúng tôi vẫn bám lấy hy vọng có được hồi âm từ cơ quan chức năng trước khi mất đi theo các cụ. Nhờ quý báo đọc rồi đưa ra hướng xử lý giúp chúng tôi đơn thư này”.
Xem hồ sơ của gia đình, rõ ràng những băn khoăn của các cụ là có cơ sở. Chúng tôi đã thông tin trên báo và gửi văn bản tới các cơ quan chức năng đề nghị xem xét đơn thư của các cụ.
Sau những bài báo, điều để lại trong chúng tôi là niềm trắc ẩn về những mảnh đời, những số phận, đôi khi là của nạn nhân, nhưng đôi khi cũng là câu chuyện đau lòng của chính người phạm tội và thân nhân của họ. Đôi khi, đó còn là một câu chuyện đời rất dài xuyên qua nhiều giai đoạn khác nhau của đất nước, nhưng hành trình đi tới đích còn nhiều gian nan. Hiểu được điều đó, nên chúng tôi vui khi rất nhiều kiến nghị, khiếu nại của bạn đọc thông qua những bài viết, những phiếu chuyển đơn của Báo PLVN đến các cơ quan chức năng mà sự việc được làm sáng tỏ, công lý được thực thi.
Có người nói, phóng viên mảng Pháp luật - Bạn đọc là “cô độc” nhất, bởi hành trình xác minh đơn thư, kiếm tìm sự thật không phải là con đường dễ đi, không ít trở ngại và nhiều lúc không có đồng nghiệp đồng hành. Thế nhưng, bằng nỗ lực mỗi ngày, chúng tôi mong muốn đem đến niềm vui, niềm hạnh phúc cho mỗi người, mỗi gia đình đang gửi gắm hy vọng ở chúng tôi. Niềm vui đó có thể được chia sẻ trở lại bằng một tin nhắn thông báo, cũng có thể không đến với chúng tôi qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào... Nhưng, chúng tôi tin vào sự yêu thương và đồng hành của bạn đọc, để qua công việc của mình, chúng tôi và bạn đọc vững bước trên con đường cùng cả nước xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.