Hành tím Vĩnh Châu

Nghề trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) sắp có cơ hội xuất ngoại  xa hơn bởi vừa qua, nơi đây lần đầu tiên thí điểm thành công và được cấp chứng nhận mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalGap.

Nghề trồng hành tím ở thị xã Vĩnh Châu (tỉnh Sóc Trăng) sắp có cơ hội xuất ngoại  xa hơn bởi vừa qua, nơi đây lần đầu tiên thí điểm thành công và được cấp chứng nhận mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt toàn cầu GlobalGap.

HTX Hành tím Vĩnh Châu đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ dân ở địa phương
HTX Hành tím Vĩnh Châu đã góp phần giải quyết công ăn việc làm cho nhiều hộ dân ở địa phương.

Nghề trồng hành tím ở Vĩnh Châu được duy trì hàng chục năm qua. Từ việc trồng nhỏ lẻ phục vụ nhu cầu tiêu dùng gia đình, hiện nay Vĩnh Châu phát triển trên 5.000ha hành tím và là một trong những địa phương có diện tích trồng hành tím lớn nhất vùng ĐBSCL.

Ông Dương Khươl, hộ Khmer trồng hành ở xã Vĩnh Hải, nói: “Nhờ cán bộ chỉ dẫn mà giờ đây tôi áp dụng quy trình trồng hành mới, cách bảo quản không dùng hóa chất độc đến sức khỏe mà vẫn hiệu quả, có giá cao mà lại dễ bán. Chứ ngày trước trồng hành theo lối cũ phải xài hóa chất vì không biết chất gì để thay thế”.

Thạc sĩ Đặng Thị Cúc - Trưởng phòng kỹ thuật, Chi cục BVTV Sóc Trăng, cho biết, sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực thực phẩm, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng... tạo ra môi trường canh tác bền vững, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.

Khi sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, hành tím Vĩnh Châu nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung sẽ được quảng bá thương hiệu thông qua trang web của tổ chức cấp chứng nhận, có điều kiện gia nhập thị trường thế giới, từ đó ổn định sản xuất và nâng cao giá trị.

Kể từ ngày hành tím Vĩnh Châu cải thiện được chất lượng và độ an toàn vệ sinh thực phẩm, doanh nghiệp từ TPHCM, Lâm Đồng... bắt đầu tìm về Vĩnh Châu để đặt trạm thu mua, sơ chế, xuất hành đi các nước, như: Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, Ấn Độ...Song, để tạo được đầu ra ổn định, lâu dài, đáp ứng được điều kiện khắt khe của nước nhập khẩu về tiêu chuẩn dư lượng hóa chất bảo quản…, lãnh đạo thị xã Vĩnh Châu mạnh dạn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa tập thể “Hành tím Vĩnh Châu”.

Đến cuối năm 2009 (sau 20 tháng đăng ký), Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ khoa học và công nghệ đã công bố Quyết định số 27199/QĐ-SHTT về việc chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hành tím Vĩnh Châu cho Câu lạc bộ Hành tím Vĩnh Châu (nay là HTX Hành tím Vĩnh Châu), thuộc ấp Cà Lăng A Biển (xã Vĩnh Châu). HTX này có 29 thành viên, chủ yếu là người Khmer và người Hoa, canh tác hành tím trên tổng diện tích hơn 34ha, mỗi năm sản xuất từ 700 - 800 tấn hành thương phẩm.

Vụ hành 2011, HTX được sự hỗ trợ từ Chi cục bảo vệ thực vật và Sở KHCN Sóc Trăng thực hiện mô hình sản xuất hành tím theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sau hơn một thời gian triển khai, ngày 26-04-2012, xã viên nơi đây đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND thị xã Vĩnh Châu, cho biết: Thành công bước đầu ấy là cơ hội để hành tím Vĩnh Châu tiến sâu vào những thị trường khó tính, bán được giá cao.

Tuy nhiên, để vươn xa hơn, ngoài chuyện chất lượng cần phải đảm bảo số lượng. Muốn vậy, trồng hành theo quy trình GlobalGAP thời gian tới sẽ được mở rộng diện tích, áp dụng đại trà cho đông đảo nông hộ trong vùng. Thị xã đã giao ngành chuyên môn xây dựng kế hoạch mở rộng sản xuất hành theo quy trình GlobalGAP vụ mùa 2012 này, cố gắng nhân rộng đến mức có thể.

Diện tích trồng hành tím thương phẩm ở Vĩnh Châu giao động từ 5.000 - 7.000ha/năm, sản lượng có thể lên đến 150.000 tấn chỉ sau hơn 2 tháng gieo trồng. Ước tính của ngành chuyên môn, chỉ cần bán với giá khoảng 10.000 đồng/kg, giá trị từ cây hành mang lại tương đương với 50.000ha lúa sản xuất trong một năm.

Xuân Thanh

Đọc thêm