Giết người rồi trốn truy nã
Đội Cảnh sát truy nã, phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Nghệ An vừa dẫn giải đối tượng giết người trốn truy nã Phạm Đức Bình (46 tuổi, ngụ thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An) về quy án sau 23 năm lẩn trốn. Bình là đối tượng trốn truy nã thời gian dài mà công an Nghệ An mất nhiều công sức để đấu tranh, truy tìm.
Sinh ra trong gia đình không mấy khá giả nên Bình bươn chải sớm. Năm 1998, khi vừa bước sang tuổi 22, Bình theo anh em trong họ lên huyện Quỳ Châu (tỉnh Nghệ An) khai thác gỗ. Tại núi rừng hun hút, Bình cùng 3 người khác dựng lán trại ở xã Châu Nga, huyện Quỳ Châu. Gần khu vực đó, ngoài lán trại của Bình còn có nhiều người dân tứ xứ đổ về khai thác gỗ, ôm mộng làm giàu.
Sau những buổi vào rừng làm việc quần quật, đêm về tốp thợ này thường tổ chức uống rượu. Một hôm, trong quá trình uống rượu giữa nhóm của Bình và nhóm bên cạnh xảy ra xô xát. Trong lúc cãi vã, nhóm của Bình dùng hung khí tấn công khiến anh Lê Văn L. (ngụ huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) tử vong và một số người bị thương. Ngay sau đó, 3 đối tượng gồm: Phạm Đức Báo, Phạm Đức Đáp và Võ Văn Tùng bị bắt và truy tố ra pháp luật về tội “Giết người” và gây rối trật tự công cộng.
Riêng đối tượng Phạm Đức Bình nhanh chân bỏ trốn khỏi địa phương. Ngày 11/7/1998, công an Nghệ An ra quyết định truy nã toàn quốc đối với Phạm Đức Bình về tội “Giết người”.
Từ ngày đối tượng Bình bỏ trốn, ngoài việc nỗ lực xác minh, truy tìm thông tin đối tượng, lực lượng công an luôn kiên trì tìm cách vận động, thuyết phục gia đình Bình khuyên đối tượng ra đầu thú. Tuy nhiên, những cách trên đều không có kết quả. Về phần Bình, sau khi bỏ trốn, đối tượng này dạt vào các tỉnh phía Nam sống chui lủi, ai thuê gì thì làm nấy. Một thời gian sau, Bình chọn khu vực vùng sâu, vùng xa giáp biên giới Camphuchia để lẫn trốn. Phạm Đức Bình quyết định chọn ấp Bàu Bền, xã Thạch Bắc, huyện Tân Biên (tỉnh Tây Ninh) để định cư.
Chiêu “ve sầu thoát xác” bất thành
Tại vùng đất giáp biên giới, Phạm Đức Bình tạo cho mình một vỏ bọc mới. Bình đã thay tên đổi họ thành Phạm Đức Vinh. Trong vai một người xa quê vào lập nghiệp, Vinh siêng năng, chịu khó làm rẫy. Tại đây, Vinh cũng nhanh nhạy khi nắm bắt thời cơ, quyết định học nghề lái máy cày để mưu sinh. Nhờ siêng năng, cẩn thận, Vinh được nhiều người tin tưởng và chiếm được tình cảm của không những bà còn lối xóm mà còn của chính quyền.
Vinh cũng chinh phục được tình cảm của cô gái quê tỉnh Đồng Tháp. Hai người sau đó đến với nhau, cùng xây dựng tổ ấm, sinh con đẻ cái. Quá trình sinh sống, Vinh không tiết lộ quá khứ tội lỗi của mình với người đầu gối tay ấp. Do đó, người vợ không hề hay biết chồng mình từng là hung thủ giết người. Đó cũng là lý do khi Bình bị công an bắt giữ, vợ con và người thân đều sốc, bàng hoàng.
Cách nơi Bình lẫn trốn chừng 1000 cây số, các trinh sát của công an Nghệ An vẫn nổ lực truy tìm tung tích kẻ trốn nã. Từ những nguồn tin có giá trị về đối tượng đang lẩn trốn tại Tây Ninh, Phòng cảnh sát hình sự đã xác lập chuyên án, khẩn trương truy bắt đối tượng về quy án. Giữa tháng 12, tổ công tác của đội cảnh sát truy nã đã phối hợp với công an tỉnh Tây Ninh xác minh thông tin về đối tượng Phạm Đức Bình.
Việc xác minh đối tượng gặp nhiều khó khăn và mất thời gian bởi thời điểm mà Phạm Đức Bình gây án tại quê nhà y chưa làm chứng minh nhân dân. Vì thế, mọi thông tin về đối tượng gần như không có. Tuy nhiên, bằng các biện pháp nghiệp vụ, lực lượng công an đã tiến hành xác minh thông tin nhân thân đối tượng. Qua rà soát xác minh, thông tin về đối tượng Phạm Đức Vinh hoàn toàn trùng khớp với đối tượng đang bị truy nã Phạm Đức Bình. Đó là cơ sở để tổ công tác nhận định Vinh và Bình là một.
Chiều muộn ngày 18/12, khi các trinh sát xuất hiện, người nhà Bình không hề biết họ là ai, riêng Bình đã phần nào hiểu chuyện gì sẽ diễn ra. Khi những người lạ mặt xuất hiện xưng là công an, Bình hiểu rằng cuộc sống bình yên của mình đã khép lại. Tuy nhiên, Bình vẫn một mực không nhận mình là tên tội phạm trốn nã. Thế nhưng, bằng những chứng cứ rõ ràng, cơ quan điều tra buộc Bình phải cúi đầu nhận tội.
Khi hay tin Bình bị bắt, người thân và hàng xóm của y không tin rằng người đàn ông hiền lành, chất phác, thương vợ con ấy lại là tội phạm giết người. Hơn 23 năm đi khắp nơi để thoát tội, Bình cứ tưởng tội lỗi gây ra trước đây không ai còn nhớ. Đã có lúc, Bình nghĩ đã thoát được tội giết người và cố gắng làm việc để hoàn thiện bản thân, lo cho gia đình nhằm bù đắp lại tội lỗi gây ra trong quá khứ. Nhưng rồi, Bình phải trả giá cho hành vi phạm tội của mình.
Sau khi bị bắt, Phạm Đức Bình khai rằng, trong thời gian lẩn trốn có về thăm nhà 2 lần. Cả hai lần đó, Bình đều trở về chớp nhoáng khi chập tối, ngủ lại một đêm rồi đi ngay khi trời vừa sáng vì thế không một ai phát hiện. Trong thời gian trốn chạy, Bình cho biết lương tâm chưa bao giờ thanh thản. Dù sống những ngày hạnh phúc bên vợ con nhưng Bình vẫn nghĩ sớm muộn cũng sẽ trả giá cho tội lỗi gây ra.
Đã có những lúc mệt mỏi, Bình muốn ra đầu thú để trả án, chuộc lại lỗi lầm xưa. Tuy nhiên, Bình lại không đủ can đảm để đối diện với sự thật, đối diện với bản án của pháp luật. Bao nhiêu năm trốn tội là bấy nhiêu năm Bình sống trong bất an. Nhiều đêm trong giấc ngủ, Bình bị ám ảnh bởi cơn ác mộng. Bình sợ ngày tội lỗi mình được đưa ra ánh sáng thì vợ con sẽ sống sao.
Nhưng khi được làm công tác tư tưởng, Bình đã vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, bình tâm đối diện với sự thật. Bình mong sớm được thi hành án để chuộc lại lỗi lầm với người đã khuất cũng là giúp mình thanh thản hơn. Bình mong vợ con tha thứ cho mình.
Sau khi hoàn tất các thủ tục, công an dẫn giải Phạm Đức Bình về Nghệ An để phục vụ công tác điều tra, xét xử theo quy định pháp luật. Việc truy bắt được Bình đã khép lại hành trình truy tìm kẻ giết người trong suốt gần 23 năm. Với kẻ trốn nã suốt thời gian dài, cái giá phải trả bằng bản án lương tâm còn đắt gấp mấy lần mức án pháp luật trừng phạt.