Hành trình của một người mẹ có con trai đồng tính

(PLVN) - Có một hành trình mang tên “hiểu về con”, từ phản đối đến chấp nhận – thấu hiểu – và đồng hành. Người phụ nữ tảo tần dành cả tuổi thanh xuân, dành cả cuộc đời bên con luôn ánh lên nụ cười hạnh phúc. 
Mẹ Cúc là người mẹ lớn của cộng đồng LGBT
Mẹ Cúc là người mẹ lớn của cộng đồng LGBT

Từng nghĩ đồng tính là “bất bình thường”

Cô Bùi Thị Cúc (Thái Bình, thành viên Hội Pflag Việt Nam), có con trai là đồng tính nam (biệt danh là Bin). Mỗi mùa Viet Pride đến, cô lại tất bật chạy những chuyến xe về các tỉnh, thành tham dự. Với người mẹ ấy, gần 20 năm là hành trình đầy cảm xúc để đi cùng con – một người đồng tính nam.

“Con muốn nói với mẹ một điều bí mật mà con đã giấu 6 năm nay, con là người đồng tính. Không biết có phải do con thiếu vắng người cha hay không mà con luôn muốn tìm sự che chở của một người đàn ông. Con cảm thấy rất thích và có xu hướng gần một bạn nam…”. Đọc những dòng chữ do chính con trai viết gửi cho mình, cô Cúc đã thực sự sốc. 

Trong tâm người mẹ một mình tần tảo nuôi con, chưa bao giờ cô nghĩ con mình "bất bình thường". Khi ấy ở một vùng quê như Thái Bình, “đồng tính” là khái niệm đầy xa lạ. Bản thân cô chưa biết người đồng tính là như thế nào, chỉ biết họ yêu người cùng giới. Trong con mắt của xã hội, đó là những người không được thừa nhận.

Nhà chỉ có 2 mẹ con, cô Cúc chưa bao giờ mảy may nghĩ rằng con trai cô là người đồng tính. Sau lần công khai đầu tiên của Việt Hà, cuộc sống của hai mẹ con cô Cúc đã hoàn toàn thay đổi. Sống lẻ bóng trong căn nhà chỉ có hai mẹ con, cô Cúc nghĩ đó trào lưu của thanh niên mới lớn, cố gắng khuyên con lo học hành, lâu dài không nghĩ đến nữa sẽ quên nhanh thôi. Sau này, con sẽ gặp được các cô bé dễ thương, con sẽ yêu họ. Người mẹ ấy vẫn ôm một niềm hy vọng rằng con mình sẽ thay đổi.

Cũng như bao người mẹ khác, việc chấp nhận ngay từ khoảnh khắc con công khai là điều không thể. Cô quyết định gửi Việt Hà đi bộ đội với một niềm mong mỏi, môi trường quân đội sẽ uốn nắn con người Việt Hà trở lại bình thường, sự cứng rắn và thao trường sẽ làm con trai cô thay đổi. Gần 2 năm trong quân ngũ êm đềm trôi qua, cô và Việt Hà cũng ít nhắc lại chuyện lá thư năm nào.

Sau khi xuất ngũ, cô Cúc ép Việt Hà học kế toán bởi lớp đó 90% là nữ. Cô hy vọng trong một môi trường nhiều nữ, Việt Hà sẽ thay đổi được xu hướng tình cảm của mình.

Học xong đi làm, cô luôn nghe ngóng xem Việt Hà có thích bạn gái nào trong lớp không? Nhưng niềm mong mỏi của cô chỉ được trả lời bằng sự im lặng của con trai mình.

Người mẹ ấy đã từng rất mong mỏi môi trường xung quanh sẽ giúp con trai cô trở lại "bình thường".

 

“Ngôi nhà đã không bình yên nữa”

Cô Cúc kể về lần thứ hai come out (công khai) của Việt Hà, đó khoảng thời gian tồi tệ nhất của hai mẹ con khi chưa tìm được tiếng nói chung và sự đồng cảm cho nhau. Đối với cô và con, thời gian đó là địa ngục. Sự căng thẳng bao trùm căn nhà nhỏ nép mình nơi phố huyện. Nhớ lại, cô thấy lòng rối như tơ vò, ngổn ngang trăm mối không biết xử trí thế nào.

“Con không biết nói thế nào cho mẹ hiểu, mẹ không biết phải đối xử với con như thế nào. Cô rất căng thẳng, hoang mang, lo sợ nhưng cũng rất thương con. Bao nhiêu tình cảm chồng chéo nhau khiến người làm mẹ khó xử vô cùng” cô Cúc nhớ lại khoảng thời gian khó khăn của cả mẹ và con.

Cô Cúc vẫn quyết định gây áp lực cho Việt Hà. Bởi vì trong tâm niệm một người mẹ, cô luôn nhắc nhở “con là người đàn ông, con sẽ lấy vợ, có những đứa con, đó là tương lai con phải làm”. Nhưng không biết rằng, chính nó làm con phải tổn thương. Việt Hà trầm cảm, có giai đoạn Hà bỏ việc vào ban ngày, ban đêm cứ đi suốt rồi sáng mới về. Có lẽ, không có sự tổn thương nào bằng nỗi đau bị chính người thân không chấp nhận bản thân mình?

Cho đến tận bây giờ, đó là khoảng thời gian cô hối hận nhất, giá như bình tĩnh hơn, chậm hơn nghe tâm tư của con thì Việt Hà không phải chịu một khoảng thời gian giày vò bản thân đến thế. Thậm chí, có những lúc con đã làm tổn thương chính mình cả về thể xác và tinh thần chỉ vì hai mẹ con chưa đồng cảm cho nhau. Tâm tư người mẹ lúc ấy rối bời thực sự, thương vì con phải trằn trọc suy nghĩ, đau đớn, khó vì bản thân không biết mình phải làm sao cho hợp tình, hợp lý. 

Cứ thế, hai mẹ con im lặng trong căn nhà vốn dĩ bình yên, nay lại trăm cơn sóng vỗ.

Mẹ Cúc từng nghĩ "đồng tính" có thể thay đổi, con sẽ lấy vợ và sinh con
Mẹ Cúc từng nghĩ "đồng tính" có thể thay đổi, con sẽ lấy vợ và sinh con

“Chuyến đi ấy thay đổi tất cả”

Suốt quãng đường hơn 100 km, cô Cúc đi với tâm trạng rối bời bởi vì lần đầu tiên cô tham dự một buổi gặp gỡ những phụ huynh có con là người thuộc cộng đồng LGBT. Khoảnh khắc quyết định đi trong cô tâm niệm và hy vọng sẽ có một phương pháp nào đấy để giúp cho con khỏi đồng tính.

Trong khán phòng nhỏ ngày hôm ấy của “Hiểu về con”, cô Cúc chỉ im lặng lắng nghe tất cả câu chuyện được kể. Trái tim người mẹ dồn nén khi hiểu ra, họ không đơn thuần đến để kể mà là một hành trình giống cô,  để các ông bố, bà mẹ có con  đồng tính cùng thấu cảm cho con cái mình.

Tất cả khiến cô Cúc lặng người, mọi dồn nén chỉ chực chờ rơi trên đôi mắt đỏ hoe. Ngồi lặng lẽ nghe tất cả câu chuyện, cô đã biết một thế giới khác của con mà bấy lâu nay cô chưa một lần dũng cảm phá bỏ rào cản mà bước vào.

“Cô nhận ra rằng hóa ra không chỉ có mình, mà còn rất nhiều cha mẹ cũng cùng hoàn cảnh. Sau buổi hôm ấy, mọi thứ gần như vỡ òa. Cô đã phá bỏ được rào cản của mình, bước ra từ khoảng trời khác” - cô Cúc bồi hồi kể lại.

Trên đường trở về Thái Bình, hai mẹ con chỉ biết ôm nhau khóc. Vẫn là hơn 100km ấy, nhưng bây giờ thật khác!

Sau khi tham gia “Hành trình hiểu về con”, hai mẹ con đã hiểu nhau hơn, góc khuất trong thế giới của con đã được cô Cúc khám phá. “Nhìn con hạnh phúc mình cũng rất hạnh phúc, hạnh phúc của con cũng là hạnh phúc của mẹ, lúc ấy mới thực sự đón nhận.” Cô Cúc và Việt Hà đã cùng nhau tham gia nhiều sự kiện của cộng đồng. Cô cũng là thành viên tích cực của PFLAG Việt Nam - Hội phụ huynh và người thân của người đồng tính, song tính, chuyển giới Việt Nam.

 
Đặc biệt hơn, cô đã quyết định giúp con về công khai với họ hàng, làng xóm. “Cô có tính là đã tin cái gì đúng thì cô sẽ làm bằng được, cô tin cô đúng, con cô đúng, nó là phần tự nhiên của con người. Cô đã lấy những tài liệu về LGBT cho mọi người đọc, để họ hiểu hơn về thế giới của con”, cô Cúc khẳng định. 

Thật may mắn, họ hàng, hàng xóm đều không có phản ứng tiêu cực nào, họ hoàn toàn ủng hộ sự phát triển tự nhiên của Hà, cảm thông với cô. Việt Hà và cô cũng đã hiểu nhau, tinh thần của con dần ổn định, hai mẹ con vui vẻ và trò chuyện nhiều hơn trước. Đặc biệt, cô luôn đồng hành cùng Hà trong mọi sự kiện của cộng đồng.

Người mẹ Thái Bình đã rong ruổi khắp mọi miền Tổ quốc để truyền đi những thông điệp đầy ý nghĩa. Chia sẻ câu chuyện của hai mẹ con để tìm sự thấu cảm với mọi người, truyền cho các bạn trẻ trong cộng đồng LGBT một nguồn sống đầy tích cực. Không chỉ đồng hành cùng con, cô Cúc còn là người mẹ lớn của cộng đồng LGBT. Bất cứ ai nhắc đến cô đều gọi tên gọi thân thương: “Mẹ Cúc của con”.

Gặp lại cô Cúc ở căn nhà nhỏ, vẫn dáng người tần tảo ấy. Gương mặt hiền hậu luôn toát lên vẻ gần gũi với bất cứ ai. Nhìn lại cả hành trình dài của người mẹ Thái Bình, sẽ rất nhiều người tự hỏi: động lực nào giúp cô Cúc vượt qua những định kiến để có được ngày hôm nay. Chắc chắn đó là trái tim người mẹ!

“Với mẹ, dù đến mỗi nơi, vẫn là câu chuyện cũ, nhưng cảm xúc của cách đây rất nhiều năm dường như còn vẹn nguyên”

Dù hai mẹ con đã từng có khoảng thời gian tồi tệ nhất, áp lực nhất, có nước mắt, có nụ cười, nhưng sau tất cả là một hành trình không phải ai cũng đủ dũng cảm, nghị lực để bước đi. Đó là hành trình của mẹ!

Đọc thêm