1 trong 15 lễ hội lớn của cả nước
Ngày hôm nay (24/3/2019) nhằm ngày 19/2 âm lịch năm Kỷ Hợi, Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn 2019 diễn ra. Cùng với các lễ hội khác diễn ra trên khắp cả nước, đây là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng rộng lớn, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; phục dựng, bảo tồn những giá trị truyền thống, các tập tục cổ truyền tốt đẹp của lễ hội dân gian.
Ngày 24/12/2018, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 1820/QĐ-TTg công nhận danh thắng Ngũ Hành Sơn là Di tích quốc gia đặc biệt. Đây cũng là Di tích quốc gia đặc biệt thứ hai trên địa bàn Đà Nẵng, tiếp sau Thành Điện Hải được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt cuối năm 2017. Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn 2019 là lễ hội gắn liền với di tích quốc gia đặc biệt này.
Là lễ hội văn hóa, tôn giáo, tâm linh được tổ chức hàng năm, Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn có xuất xứ từ một lễ vía thuần túy tôn giáo của đồng bào theo đạo Phật. Đó là lễ vía Đức Phật Quan Thế Âm vào ngày 19 tháng 2 âm lịch hàng năm.
Lễ hội được chia làm 2 phần: Phần lễ mang màu sắc lễ nghi Phật giáo và phần hội với nhiều hoạt động văn hoá - thể thao mang đậm bản sắc dân tộc xen lẫn với hiện đại như hội hoá trang, hát dân ca, thi cờ, nhạc, hoạ, điêu khắc, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng…; các hoạt động văn hóa như triển lãm thư pháp và tranh thủy mặc, hội thi thuyết minh về danh thắng Ngũ Hành Sơn, hội thi nấu ăn chay…
Năm 2000, Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn đã được xếp vào danh mục 15 lễ hội lớn của cả nước. Từ đó, Lễ hội Quán Thế Âm - Ngũ Hành Sơn trở thành một lễ hội lớn mang đậm nét văn hóa truyền thống cùng những nội dung phong phú không chỉ thu hút nhiều tăng ni, đạo hữu, phật tử Phật giáo trong cả nước mà còn thu hút du khách thập phương không phải là tín đồ đạo Phật đến thưởng thức, chiêm bái và tham quan.
Cũng vì vậy, đến với thành phố Đà Nẵng, bên cạnh việc chứng kiến, ngưỡng mộ một thành phố đang từng ngày vươn lên trong xu thế công nghiệp hóa, hiện đại hóa, với nhiều người đó còn là những phút giây hòa vào khoảng không gian tĩnh lặng thiêng liêng của thiên nhiên, của cửa Phật, để quên đi những trần ai cuộc đời.
Quan Âm thạch động, vọng chuông kinh cầu
Sẽ rất thiếu sót nếu nói về Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn mà không nhắc đến ngôi chùa Quán Thế Âm nơi diễn ra lễ hội. Ngôi chùa gắn liền với một thạch động tuyệt đẹp với bức tượng Bồ tát Quan Thế Âm cao như người thật được thành hình bởi tác động bào mòn của mạch nước ngầm chảy xuống từ trong lòng núi qua nhiều thế kỷ.
Bức tượng Bồ tát Quán Thế Âm trong động Quan Âm |
Lần ngược lại thời gian, năm 1956, Hòa thượng Thích Pháp Nhãn có cơ duyên phát hiện ra động này dưới ngọn Kim Sơn trong quần thể Ngũ Hành Sơn. Cơ duyên đó là một giấc thần mộng về ngài Quán Thế Âm Bồ tát ứng hiện nơi động thiêng. Theo đó, Hòa thượng đã tìm thấy ngôi thạch động có tượng Quán Âm thiên tạo.
Hệ thống hang động ở quần thể Ngũ Hành Sơn đa số là động mở, vậy vì sao thạch động Quan Âm lại “ẩn mình” kỹ như vậy? Theo lý giải của chính Hòa thượng Thích Pháp Nhãn vào thời điểm tìm thấy thì động Quan Âm là một hang động rất khó phát hiện so với các hang động khác, nằm dưới chân núi, miệng hang quay về hướng Tây Nam, phía ngoài miệng hang có một vách đá che kín như cố tình lấp đậy, ngụy trang để con người khó phát hiện.
Nếu bạn là người Đà Nẵng hoặc có bạn bè là người Đà Nẵng thì bạn sẽ biết một điều rằng, ngôi chùa Quán Thế Âm và động Quan Âm là một trong 5 ngôi chùa linh thiêng bậc nhất Đà Nẵng. Tuy nhiên, nếu như chùa Linh Ứng Bãi Bụt, chùa Linh Ứng Bà Nà được khách du lịch đến nhiều thì với người Đà Nẵng, ngôi chùa Quán Thế Âm và động Quan Âm là điểm đến tâm linh ưa thích.
Chẳng thế mà người Đà Nẵng vẫn thường ngâm nga câu thơ về ngôi chùa này: “Ngũ Hành có núi Kim Sơn/Có chùa tĩnh lặng bên sông Cổ Cò/Bàn tay tạo hóa điểm tô/Quan Âm thạch động, vọng chuông kinh cầu”.
Nói về động Quan Âm, người viết bài này đã từng được uống dòng nước ngọt mát chảy ngầm trong động mà dân gian vẫn thường hình dung rằng đó là nước Cam Lồ của Bồ Tát Quan Thế Âm. Để đến được với dòng nước này, đường vào cửa động, hai bên vách đá dựng đứng, miệng hang nhỏ có hướng đi xuống, âm so với mặt đất, càng vào sâu càng có cảm giác mát lạnh. Vào phía bên trong, động lớn dần, phình ra có hình thù như hạt lúa giống khổng lồ đang nảy mầm. Chiều dài hang động 64m, rộng khoảng 5-7m, cao 7m.
Như đã nói trên, động Quan Âm là động kín so với với đa số động mở trong quần thể Ngũ Hành Sơn. Khi mới vào cửa động, điểm nhấn đầu tiên là bức tượng ngài Bồ tát Quan Thế Âm cao như người thật với lớp áo kim tuyến lấp lánh, kết tinh từ loại đá kim sa quý hiếm của thiên nhiên, tay cầm bình cam lồ, mắt nhìn về phía cuối động.
Bức tượng thành hình bởi tác động bào mòn của mạch nước ngầm chảy xuống từ trong lòng núi qua nhiều thế kỷ. Dưới chân bức tượng có hình một con rồng tự nhiên uốn lượn trong điển tích Quan Âm Nam Hải, cưỡi rồng, vượt cơn sóng dữ không ngại khó khăn cứu người gặp nạn.
Phía sau có Thiện Tài Đồng Tử, bụi trúc, phía trước có chim Khổng tước, hợp với điển tích Quan Âm Thị Kính ở Việt Nam. Do hình tượng tự nhiên trên mà Hòa thượng Thích Pháp Nhãn đã đặt tên động và chùa là Quán Thế Âm.
Động Quan Âm có nhiều thạch nhũ màu sắc, hình thể đa dạng, đường nét rõ ràng, sắc sảo, tưởng chừng như có bàn tay của nghệ nhân tác tạo giữa không gian được bao phủ bởi một lớp hơi nước mờ ảo của động. Giữa trần động, cách mặt đất khoảng 0,3m một thạch nhũ dài thòng xuống, khi gõ vào âm thanh tạo ra như tiếng chuông thật (đây là một thạch nhũ đặc biệt quý hiếm tại hang động Ngũ Hành Sơn), kế bên còn có cả trống và mỏ đá tự nhiên. Những khí cụ trên được gọi là bộ nhạc lễ của nhà Phật.
Bức tượng Quán Thế Âm tống tử |
Đi vào cuối động, không gian khép lại làm cho nhiều người cảm tưởng đây là đoạn kết của động. Nhưng thực tế, khi vượt qua khoảng 2m, không gian lại mở ra một lần nữa với một hồ nước lớn, mát lạnh trong lành, dòng nước thẩm thấu từ mạch sông Cổ Cò, thanh lọc qua lớp đá cẩm thạch nên rất tinh khiết. Chính từ sự tinh khiết này mà người đời đã mường tượng đây là dòng nước Cam Lồ của Bồ tát Quan Thế Âm tưới lên sự sống chúng sinh, để từ đó vạn vật cảm nhận được tình thương của Bồ tát.
Ngôi chùa với hai bức tượng có giá trị cao về mặt lịch sử, tôn giáo
Không chỉ có thạch động Quan Âm tuyệt đẹp, chùa Quán Thế Âm còn là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật quý giá về các bức tượng Phật có từ nhiều thế kỷ. Vào cuối năm 2015, chùa Quán Thế Âm chính thức khánh thành Bảo tàng văn hóa Phật giáo đầu tiên ở Việt Nam với 200 bức tượng các loại. Trong 200 bức tượng ở chùa, có hai bức tượng ‘’Quan Âm tống tử’’ và “Bồ tát Quan âm cưỡi long ngư” đều có giá trị cao mặt lịch sử, tôn giáo.
Bức tượng “Quan Âm tống tử” được làm từ bạch ngọc nguyên khối quý hiếm; có chiều cao 29 cm, rộng 16,5 cm và nặng khoảng 5 kg từng khiến cho các nhà nghiên cứu ngạc nhiên bởi giá trị ẩn sâu phía sau bức bạch ngọc này.
Pho tượng điêu khắc hình Quan Âm tống tử ngồi trên tòa sen, hai tay nâng em bé, đầu đội mũ Quan Âm, trên ngực và hai gối chạm bông sen nổi. Y pháp nhiều nếp, diềm y có trang trí hoa dày, cổ đeo dây An Lạc.
Bức tượng Bồ tát Quan Âm ngự trên con long ngư (đầu rồng mình cá) được coi là chưa từng xuất hiện ở đâu. Tượng cao gần 50 cm, nặng khoảng 7 kg bằng chất liệu đồng đúc, niên đại khoảng đầu thế kỷ 20. Phần dưới bức tượng là hình con rồng một sừng, mình cá đang nhả ra cơn sóng dữ, khiến mặt biển cuộn trào. Ngự phía trên long ngư, Bồ tát Quan Âm cầm viên ngọc Định Hải Châu (viên ngọc làm cho sóng yên biển lặng) chế ngự.