Kỳ tích giả điên trong tù
Lửa chiến tranh đã nguội tắt từ lâu, nhưng trong ký ức của cựu nữ tù Huỳnh Thị Ngọc (SN 1951, ngụ TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) vẫn in đậm về những tháng năm bị giặc bắt giam cầm. Mỗi khi trái gió trở trời, thương tích từ những trận đòn tra tấn dã man của giặc năm xưa lại lên cơn đau hành hạ. Tuy vậy, bà Ngọc vẫn sống lạc quan và giáo dục con cháu truyền thống cách mạng của quê hương, gia đình.
Trò chuyện với chúng tôi, bà Ngọc kể, năm 13 tuổi, bà đã tham gia cách mạng, làm nhiệm vụ tiếp tế hậu cần, nuôi giấu, bảo vệ cán bộ. Thông minh và can đảm, 15 tuổi, bà được giao nhiệm vụ giao liên cho Thị ủy Quy Nhơn.
Từ năm 1969-1972, cái tên Huỳnh Thị Ngọc nổi tiếng trong giới thanh niên, học sinh thị xã Quy Nhơn. Trong những năm này, bà cùng một số đồng chí trong Ban Chấp hành Thị đoàn Quy Nhơn tổ chức, lãnh đạo 3 cuộc đấu tranh gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước lúc bấy giờ.
Trong đó, đáng chú ý là sự kiện cuối năm 1971, Đội Biệt động Chi đoàn Trần Văn Ơn dưới sự chỉ huy của nữ chiến sĩ Huỳnh Thị Ngọc đã có trận đánh rúng động tại trung tâm thị xã Quy Nhơn. Trận đánh diễn ra ngay tại buổi lễ ra mắt của tên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Chức.
Trong trận đánh này, các chiến sĩ nhỏ tuổi đã tiêu diệt một tỉnh phó, một quận trưởng, một trưởng ty. Tên tỉnh trưởng và nhiều tên khác bị thương. Trận đánh đã được Tỉnh ủy Bình Định đánh giá là trận mở màn cho chiến dịch Xuân - Hè năm 1972.
Đầu năm 1972, địch khủng bố phong trào học sinh sinh viên ở Quy Nhơn, nhiều người bị bắt, nhiều cơ sở bị đổ vỡ. Riêng nữ chiến sĩ Huỳnh Thị Ngọc bị kết án tử hình vắng mặt.
Đến tháng 2/1972, bà Ngọc bị địch bắt tại thị xã Quy Nhơn. Tuy nhiên, bọn địch phải điên đầu trước sự lì đòn, gan dạ của người chiến sĩ cách mạng 21 tuổi mang cái tên giả Nguyễn Thị Thu Cúc.
“Chúng dùng rất nhiều hình thức tra tấn dã man như: thả rắn vào người, dùng máy ly tâm quay đòng đòng để mình mất phương hướng, rồi dùng cả máy phát hiện nói dối… Và dù bọn địch dùng nhiều thủ đoạn để làm lung lay ý chí, tinh thần chiến đấu, nhưng tôi không hề nao núng, luôn kiên trung, một lòng sắt son với cách mạng nên chúng không moi được gì”, bà Ngọc nhớ lại.
Bà Ngọc (phải) và bạn tù tên Tạo lúc ở nhà thương điên Biên Hòa |
Để bảo toàn bí mật trước những đòn tra tấn ngày càng tàn bạo, người nữ tù với cái tên giả Nguyễn Thị Thu Cúc nghĩ ra cách đối phó mới, đó là giả điên. Bà giả ngây ngây dại dại, đôi mắt vô hồn, khóc cười vô cớ…
Dù vậy, kẻ thù không dễ tin, chúng tổ chức màn xử tử giả để thử thách xem bà điên thật hay điên giả. Lúc ấy, bà đã sẵn sàng cho cái chết ngay trên quê hương mình nên khi viên đạn lướt qua đầu làm cháy sém mớ tóc, tử tù Nguyễn Thị Thu Cúc vẫn cười điên dại như không hề biết chuyện gì đang xảy ra.
Thuốc thử liều cao không có tác dụng, địch chuyển bà Ngọc từ Quy Nhơn vào nhà thương điên Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) để giám định. 3 tháng ròng rã theo dõi, sau khi bác sĩ tâm thần khẳng định bà bị bệnh thần kinh, địch mới yên tâm để lại người chiến sĩ cách mạng trong nhà thương điên.
Nhắc lại sự kiện ấy, bà Ngọc rưng rưng xúc động kể về những ân nhân đã giúp đỡ mình. Đó là bác sĩ người Bỉ Olivett Mikoloezak - một trí thức tiến bộ, rất quan tâm chăm sóc bệnh nhân nữ. Khi thăm khám, người chiến sĩ với cái tên giả Nguyễn Thị Thu Cúc đã nói sự thật về tình hình nguy hiểm của mình. Nhẹ nhàng, khéo léo và chân thật, nữ chiến sĩ đã làm cho người bác sĩ tin tưởng, hợp thức hóa bệnh án tâm thần cho mình.
Cũng trong những ngày ở nhà thương điên Biên Hòa, bà Ngọc được gần gũi với nữ biệt động Sài Gòn, có tên Thiều Thị Tạo. Thời gian sau đó, bà Tạo được tổ chức tạo điều kiện trốn ra khỏi nhà thương điên. Sau đó, bắt liên lạc lại và hướng dẫn cho bà Ngọc làm theo. Ngày 4/3/1975, tử tù - bệnh nhân mang tên Nguyễn Thị Thu Cúc đã trốn thoát ra ngoài, được tự do sau 3 năm bị giam cầm ròng rã.
Hành trình không mệt mỏi
Sau ngày đất nước giải phóng, bà Ngọc đi học bổ túc văn hóa, thực hiện ước mơ còn dang dở. Sau đó, bà về công tác ở Ban Tuyên giáo Thành ủy Quy Nhơn, rồi Ban Tổ chức Thành ủy Quy Nhơn. Cuối năm 1989, khi mới 38 tuổi, người nữ chiến sĩ năm xưa nghỉ “hưu non”, bởi sức khỏe giảm sút sau những năm tháng bị tra tấn dã man trong nhà tù.
Về hưu nhưng bà Ngọc vẫn cố gắng tham gia công tác ở cơ sở như: Chủ tịch Hội LHPN phường Lê Lợi, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khu vực 3 phường Thị Nại, Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng phường Thị Nại (đều thuộc TP Quy Nhơn). Đến năm 2016, bà chính thức làm Chủ tịch Hội Cựu tù chính trị cách mạng TP Quy Nhơn cho đến nay.
Nhẹ nhàng, kiên trì, bà Ngọc lặng lẽ góp công bằng việc vận động xây dựng nguồn quỹ hoạt động phong phú cho tổ chức mình phụ trách. Khi bà rời Chi hội Cựu chiến binh khu vực 3 phường Thị Nại, quỹ còn 20 triệu đồng; rời Hội Cựu tù chính trị cách mạng phường Thị Nại, quỹ còn 60 triệu đồng.
Bà Ngọc (phải) thăm hỏi, động viên một hội viên Hội Cựu tù chính trị cách mạng TP Quy Nhơn. |
Hội Cựu tù chính trị cách mạng TP Quy Nhơn hiện còn 748 hội viên, đặc thù là không phát triển thêm mà ngày càng giảm đi. “Đến một lúc nào đó, tầm 10-15 năm sau, tất cả chúng tôi đều phải “ra đi”. Bây giờ phải làm gì, để lại gì cho con cháu mai sau mãi mãi nhắc đến cái tên Hội để tự hào, phấn đấu, cống hiến hết sức mình, xứng đáng với sự hy sinh to lớn của cha ông”, bà Ngọc trăn trở.
Từ sự trăn trở đó, từ đầu năm 2017, bà Ngọc lập sổ vàng truyền thống, kêu gọi tấm lòng hảo tâm của mọi người, với mục tiêu tạo quỹ từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng, hiện đã được 100 triệu đồng. Từ nguồn này, bên cạnh gửi tiết kiệm để thăm hỏi, động viên hội viên lúc khó khăn, hoạn nạn, còn trao thưởng cho các cháu nhà nghèo vượt khó học giỏi.
Bên cạnh đó, với nghĩa tình sâu nặng của tình đồng chí, bà Ngọc cùng các hội viên Hội Cựu tù chính trị cách mạng TP Quy Nhơn tích cực hỗ trợ các trường hợp tồn đọng hưởng chế độ cho người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày.
Triển khai mạnh từ năm 2017, đến nay đã có hàng chục trường hợp được hỗ trợ. Điều đáng nói, công việc này không phải ai cũng làm được, bởi điểm quan trọng là các trường hợp hỗ trợ đều gặp vướng mắc, tồn đọng đã nhiều năm.
Do vậy, để làm được công việc này, trước hết cần sự xốc vác và cả uy tín của những người đứng đầu Hội như bà Ngọc. Đồng thời, cần sự đồng cảm của những người từng chung lý tưởng, chung chiến hào và ước muốn khôn nguôi việc đồng chí của mình được ghi nhận, được an ủi vào cuối đời.
“Thế hệ chúng tôi không còn nhiều thời gian nên có thể làm gì cho đồng đội là phải cố gắng tới cùng. Còn quỹ sổ vàng truyền thống, đến khi hội viên cuối cùng “ra đi”, quỹ ấy sẽ được lập “di chúc” để lại cho Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Quy Nhơn để trao học bổng cho học sinh vượt khó. Cái tên Cựu tù chính trị cách mạng TP Quy Nhơn sẽ còn lưu lại với thế hệ mai sau thông qua các suất học bổng này”, bà Ngọc tâm sự.