"Ngày định mệnh"
Chuyện bắt nguồn từ cháu bé có tên Nguyễn Thị Thu Hương, học lớp 6, Trường THCS xã Quảng Hưng, ở gần nhà chị Hồ Thị Khâm, thôn Hòa Bình, xã Quảng Hưng, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Chiều 4/3, Hương cùng mẹ là Phan Thị Trúc đi xe đạp xuống khu rừng tràm ven biển cách nhà khoảng gần cây số để nhặt lá tràm về nấu cám cho lợn.
Khu rừng này nằm cách biệt với khu dân cư và khá rậm rạp nên lâu lâu mới có người đến. Hai mẹ con chia ra hai ngã, Hương đi một đoạn, cách đường bê tông khoảng hơn 50 mét thì giật mình khi nghe tiếng trẻ con khóc yếu ớt.
Chị Khâm (áo hoa) và bé Hương (áo vàng) chỉ lại nơi đã tìm thấy “bé Rơi” trong rừng tràm. |
Bé Hương hét to gọi mẹ, hai mẹ con cũng đi theo hướng có tiếng khóc nhưng chỉ dám đứng từ xa, không dám đến gần. “Ở ngay một bụi cây khá rậm có một bao tải nhỏ. Tiếng khóc phát ra từ trong bao tải, nhưng yếu ớt. Chỉ thi thoảng mới nghe một tiếng é nhỏ”, bé Hương kể tiếp.
Hai mẹ con đều sợ nên chạy một mạch về nhà gọi người. Chị Khâm là người đầu tiên nghe câu chuyện. Chị nói thật mình cũng sợ lắm. Nhưng chị đã có 4 đứa con. Chị thấy lòng mình đau khi nghĩ đến đứa trẻ nằm trong bao tải giữa rừng. Chị chạy về phía mẹ con bé Hương kể. Thấy thế, trong xóm thấy chị đi, mọi người cũng theo sau.
Đến nơi, chị Khâm lật chiếc bao ra thì đúng là có một đứa trẻ sơ sinh đang còn thoi thóp, thở đứt từng hơi, Chị Khâm lấy hết can đảm, lột hết lớp bao rồi ôm đứa trẻ về nhà mình rửa qua, quấn mấy lớp áo rồi đưa ra Trạm Y tế xã. “Đứa bé chỉ to hơn cái chai bị loét khắp người, chỉ còn mắt lim dim. Có lẽ bé đã bị bỏ đói quá lâu nên khô quắt. Không biết ai nỡ nhẫn tâm đến thế”, chị Khâm bồi hồi nhớ lại.
Sau đó, bé gái sơ sinh nhanh chóng được đưa đến Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình. Thời điểm tiếp nhận cấp cứu, các bác sĩ phải gắp từng con giòi từ trong tai, trong rốn bé và xử lý từng vết nhiễm trùng để giành lại sự sống.
Hiện bé vẫn được nằm trong lồng kính để chăm sóc đặc biệt nhưng đã hồi phục hoàn toàn. Không ai còn nhận ra một thân thể đầy vết lở loét và hơi thở yếu ớt nữa. Nhưng những người tìm thấy bé cũng như những người cứu sống bé vẫn chưa nguôi xót xa.
Hơn 10 ngày sau khi bé nhập viện, chúng tôi tìm đến nhà chị Hồ Thị Khâm. Thấy người lạ đến, chị từ sau nhà chạy liền ra hỏi có phải người từ Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình về không. Không chờ trả lời, chị liên tiếp hỏi “đứa bé ra răng rồi” liên tiếp bằng giọng lơ lớ của người Vân Kiều.
Hồi nhớ lại, chị như vừa trải qua những ngày vô cùng đặc biệt. Chị nói rằng đó như là một nhân duyên từ trên trời rơi xuống. Chị cũng thành thật mình không phải là người đầu tiên phát hiện ra bé gái sơ sinh ở rừng tràm hôm nào. Nhưng chị khẳng định là người duy nhất dám chạy ngay về phía có tiếng khóc the thé để tìm cứu bé.
Hành trình sống sót “kỳ diệu”.
Hơn nửa tháng kể từ ngày được đưa vào cấp cứu tại Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình, bé đã may mắn được các y bác sĩ ở đây giành lại sự sống. Hiện bé vẫn nằm trong lồng kính nhưng sức khỏe đã tạm ổn định, khuôn mặt đã sáng và hồng hào hơn.
Chia sẻ với chúng tôi, y, bác sĩ ở đây cũng mừng như chính con mình được cứu sống khi bé đã tăng được 0,5kg và đã có thể trở lại cuộc sống gần như của một đứa trẻ bình thường, được yêu thương, chăm sóc mỗi ngày chứ không phải bị bỏ rơi, hoang lạnh giữa rừng tràm trong đói rét nữa.
Không gia đình, không người thân, lại được tìm thấy giữa rừng tràm lâu ngày sau khi bị bỏ rơi nên các y bác sĩ tạm ghi lên mục họ và tên của cháu trong bệnh án là “Bé Rơi”, cùng một miếng vải nhỏ ghi tên, được dán lên chân cháu để phân biệt với những đứa trẻ khác cùng phòng. Bác sĩ Lê Thị Ngọc Hân, Trưởng Khoa Nhi cho biết, từ khi “bé Rơi’ vào viện, cả khoa đã cùng làm mẹ của bé và nuôi dưỡng, chăm sóc bé từng ngày như con ruột của mình.
Bé được gọi bằng cái tên mà mọi người nghe đã quặn thắt “Bé Rơi”, chờ ngày đầy tháng mới đặt tên chính thức. |
Đến nay, các y bác sĩ ở khoa vẫn đau thắt, khi nhìn tên bé trên bệnh án. “Mới vài ngày trước tôi có lên xin ý kiến Ban giám đốc cho các y bác sĩ trong khoa lấy ngày 4/3, là ngày tìm thấy cháu làm ngày sinh và đúng ngày này của tháng tới sẽ làm một lễ đầy tháng cho cháu. Chúng tôi cũng sẽ thay mặt bố mẹ đặt cho cháu một cái tên dễ thương hơn”, bác sĩ Hân cho biết thêm.
Y, bác sĩ ở bệnh viện cũng không thể tưởng tượng được những gì đã xảy ra với đứa bé mới sinh được vài ngày tuổi này. Những ngày đầu đời của bé đều là những ngày chìm trong bất hạnh cho đến khi được đưa vào bệnh viện!
Do bé mới sinh đã bị bỏ rơi giữa rừng tràm nhiều ngày nên trên cơ thể bé đã bị nhiều vết nhiễm trùng rất nặng và đã suy kiệt. Lúc nhập viện, lằn ranh sống chết đã trong gang tấc. Một vài chỗ như tai, rốn, hậu môn đã có “giòi” làm tổ. Khỏi phải nói những ngày đầu các y bác sĩ đã phải vất vả thế nào mới xử lý được hết các vết nhiễm trùng và gắp hết được toàn bộ giòi từ trong cơ thể bé ra. “Có lẽ bé đã bị bỏ rơi ít nhất hơn 2 ngày. Ấu trùng giòi đã xuất hiện nhiều trên người, nhất là trong tai. Chúng tôi phải canh từng giây để gắp từng con giòi khi chúng bò ra ngoài mà không làm tổn thương đến màng não của bé. Mất ba ngày công việc này mới xong và bé Rơi mới giành lại được sự sống”, bác sĩ Hân kể tiếp.
Nhiều y bác sĩ mới vào nghề ban đầu cũng ám ảnh bởi những hình ảnh này, vì lần đầu tiên nhìn thấy bé. Nhưng sau đó lại thương bé nhiều hơn. “Bé đã gặp quá nhiều bất hạnh ngay từ khi chào đời rồi. Cứu sống được bé kịp thời đã là điều may mắn. Chỉ có yêu thương mới bù đắp được những bất hạnh này cho bé”, bác sĩ Hân chia sẻ thêm.
Bệnh viện sẽ nuôi dưỡng bé cho đến khi có người nhận nuôi bé
Câu chuyện bé gái sơ sinh bị bỏ rơi đầu tháng 03, được người dân phát hiện nhiều ngày ở rừng tràm ven biển vừa qua, đã được nhiều người truyền tải trên mạng xã hội, có người đã tìm đến bệnh viện để hỗ trợ và xin nhận nuôi bé.
Bác sĩ Nguyễn Viết Thái - Giám đốc Bệnh viện đa khoa Bắc Quảng Bình cho biết: Trước mắt bệnh viện sẽ chăm sóc nuôi dưỡng “bé Rơi” đến khi bé cứng cáp. Sau đó bệnh viện sẽ mời chính quyền địa phương đến bàn phương án nhận nuôi bé sau này.
Trước mắt, bệnh viện sẽ trích nguồn quỹ công tác xã hội của bệnh viện để chăm sóc tốt nhất cho bé. Còn số tiền được các nhà hảo tâm đến hỗ trợ bé thời gian qua sẽ được bệnh viện lập thành “quỹ riêng” để sau này gửi về nơi bé được nhận nuôi để lo cho tương lai của bé. Khi nào có người nhận nuôi bé, các y, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cho người nhận nuôi về cách chăm sóc, để “bé Rơi” có cha, có mẹ chăm sóc, yêu thương như những đứa trẻ bình thường khác.