Hành trình trầm luân của chim phóng sinh

(PLO) -Sau tiếng kinh cầu trong hương khói của vị sư trụ trì, những chú chim được mở cửa lồng cho phép bay ra. Nhiều con khỏe mạnh nhanh chóng tìm không gian cho mình sau thời gian giam hãm, nhiều chú chim khác ngơ ngác, thậm chí không đủ sức bay ra khỏi lồng. Chúng đá quá mỏi mệt khi làm thân phận của “chim phóng sinh”.
Chim phóng sinh bây giờ được rao bán trên mạng
Chim phóng sinh bây giờ được rao bán trên mạng

Tôi đã nhìn thấy hình ảnh như vậy trong một lễ cầu siêu rằm tháng Bảy, trò chuyện với thương lái buôn chim cho nhà chùa, người giăng lưới bắt chim…Từ đó, tôi không bao giờ làm điều mà thường gọi “phóng sinh cho loài vật” để đổi lấy điều gì đó gọi là “làm phúc, tích đức”.

Hành trình của môt chú chim phóng sinh ra sao? Chúng đang bay lượn trên bầu trời tự do, bị mắc lưới của kẻ giăng lưới, sau đó mang về nhốt trong chiếc lồng chật chội, người ta rải thóc, cho uống nước để những chú chim cầm cự qua ngày…Chúng được rao bán theo mối lái, từ chợ cho đến nơi cửa Phật theo nhu cầu.

Trong lễ cầu siêu nghiêm trang, những chú chim như là vật tế lễ hay cũng là cách người ta bày tỏ tinh thần từ bi của mình là “yêu thương và cứu vớt đồng loại”. Chúng được thả ra từ những chiếc lồng sắt chật hẹp và ngác ngơ khi được phóng sinh. Tội nghiệp thay chỉ vài giờ sau chúng lại mắc bẫy và lại đi vô cửa chùa, phục vụ tiếp cho ai đó đang có nhu cầu “phóng sinh cho tâm hồn an nhiên”.

Một kiếp trầm luân của những chú chim được người ta gắn mác cho “tự do” nhưng thực sự là trò chơi  của người đời được gắn mác thiện tâm.

Phóng sinh là gì? Là một con cá mắc cạn chúng ta thả nó về sống nước, con thú bị thương chúng ta chăm sóc rồi đưa nó về rừng, con chim gãy cánh chúng ta săn sóc…chứ không phải ra chợ mua chim, cá người ta bắt về rồi thả nó vài giờ.

Một con cá đang khỏe mạnh sống nơi sông nước, chim đang bay lượn, giờ bắt về rồi bảo “phóng sinh” cho nó nghe thật hài hước.

Cái vòng luẩn quẩn đó chả đi đến đâu, chả phóng thích được gì. Mà trái với tự nhiên, tinh thần yêu thương đồng loại, chà đạp lên tự do của loài vật.

Một con chim được bán giá khoảng 16 ngàn đồng, miễn phí vận chuyển. Dịch vụ chim phóng sinh đã quá thức thời khi được quảng bá trên cả facebook. "Anh chỉ cần báo trước em một ngày, bao nhiêu con cũng có. Bọn em sẽ cho người chở đến theo địa chị, miễn phí vận chuyển trong nội thành” - Đó là lời chào mời của một người chuyên bán chim phóng sinh trên mạng.

Anh ta nói rằng làm việc này “vì cái tâm” và giúp cho mọi người: “Hợp lòng người, hợp tánh Phật; Vui hưởng an lành, quanh năm đều hưởng an ổn; Tái sinh về cõi trời, hưởng phước vô cùng; Giải trừ oán hận, không lo buồn, sầu não; Sống lâu, mạnh khỏe, ít bênh tật; Mong cầu được tại nguyện”.

Tôi bày tỏ quan điểm rằng việc phóng sinh như bây giờ chỉ làm cho con vật bị khổ nạn chứ chúng đâu được phóng sinh. Anh ta phân bua việc nhiều con chim bị chết là “Do mình không hỏi họ bao giờ mới thả chim, đưa chim cho họ, chứ họ mua chim rồi, để tận mấy hôm không cho ăn cho uống gì đến người còn chả chịu được huống chi là chim. Thế nên lần sau rút kinh nghiêm, hỏi họ có thả ngay không, thì mình sẽ chở từ sáng sớm”.

Chuyện người bắt chim, thương lái cũng chả đáng trách, có trách là trách người đời chúng ta ham hố chuyện “từ bi, yêu thương, phóng sinh” mà nghĩ rằng mua vài con chim rồi giải thoát cho nó là ta đang làm việc tốt lành. Nhưng thực ra cái suy nghĩ nông cạn đó đã khiến những chú chim bé nhỏ sống cuộc đời đày ải mà ít ai biết.

Ta tước đoạt tự do của nó, bắt nó phục vụ theo ý ta thì tâm ta đã vẫn đục rồi, sao có hướng thiện được.

Mùa tháng Bảy đến rồi, người đời cầu siêu, lễ chùa, xin mang cái thân xác nhẹ nhàng, nguyện cầu cho nhau, nhớ thương cha mẹ, ông bà, chứ đừng quá rình ràng, mượn danh điều này, điều kia, để đạt mục đích cho mình vui vẻ.

Chỉ muốn thân mình hoan hỉ, mà kệ loài vật, anh em khác khổ ải thì điều đó khó mà nương tựa nơi cửa Phật được.

Hãy sống và cho người khác sống với. Đó là tinh thần mà Phật tổ muốn con người giác ngộ trên hành trình của mình.


Đọc thêm