Helen Adams Keller sinh tại Tuscumbia, một thị trấn miền quê vùng tây bắc Alabama (Hoa Kỳ). Mặc dù gia đình gặp nhiều khó khăn và mất nhiều của cải vào thời nội chiến nhưng họ vẫn luôn sống lạc quan và vui vẻ, cho đến khi bất hạnh ập đến với bé Helen. Keller không bị mù và điếc bẩm sinh. Trong 19 tháng đầu tiên của cuộc đời, Helen là một bé gái bụ bẫm, xinh xắn, đáng yêu. Tuy nhiên, bước sang tháng thứ 20, Helen bị một cơn sốt bại não tấn công. Thời đó, nguyên nhân căn bệnh vẫn là một bí ẩn đầy thách thức đối với giới y khoa. Các bác sĩ đương thời gọi đó là “bệnh sốt não” trong khi các chuyên gia y tế ngày nay cho đó là bệnh ban đỏ hay chứng “viêm màng não”.
Helen rơi vào tình trạng sốt cao kéo dài nhiều ngày trong tình thế hết sức nguy cấp. Cuối cùng cơn sốt bỗng dưng biến mất nhưng thị lực và thính lực của cô bé đã không còn nữa. Phải một thời gian sau khi Helen bình phục, mẹ cô bé mới phát hiện ra sự thật đau buồn đó khi không thấy em có phản ứng gì mỗi khi tiếng chuông báo giờ cơm gia đình vang lên, hoặc không hề chớp mắt khi bà huơ tay trước mặt. Cô bé liên tục làm vỡ bát đĩa, chụp đèn, và vật dụng trong nhà. Helen sống trong nỗi bực dọc, cáu kỉnh và luôn làm phiền mọi người. Họ hàng cho rằng cô cần phải được đưa vào một trung tâm dành cho trẻ khuyết tật nhưng điều này đã bị mẹ cô kịch liệt phản đối.
Năm lên 6, Helen được mẹ đưa đi gặp các chuyên gia y tế để tìm kiếm một cơ may nhưng họ xác nhận cô hoàn toàn mù và điếc. Vị “cứu tinh” đầu tiên của Helen là Alexander Graham Bell. Lúc bấy giờ Bell là một nhà chuyên môn làm việc tại trường của trẻ em điếc. Nhờ có ông, Helen mới có cơ hội được gặp gỡ Anagnos – Hiệu trưởng Học viện Y khoa Perkins kiêm giám đốc Bệnh viện tâm thần Massachusetts. Chính Anagnos đã tìm cho Helen một “vị cứu tinh” thứ hai, người được tôn vinh là “thiên sứ của ánh sáng” đã đưa cô bé quay trở lại với cuộc sống và trở thành người có ích cho xã hội.
|
Cô bé Helen Keller (trái) và cô giáo Anne Sullivan |
Cô giáo của Helen tên là Anne Sullivan (20 tuổi, người Ireland) cũng là một người có hoàn cảnh khá đặc biệt, mồ côi cả cha lẫn mẹ, cũng từng sống trong thế giới mù lòa suốt mười lăm năm trời. Cô đã tốt nghiệp Học viện Y khoa Perkins và nhờ hai lần phẫu thuật mắt nên đã lấy lại được một phần thị lực. Thấm thía nỗi đau của một người đã từng sống trong bóng tối, khi được Anagnos giới thiệu làm gia sư cho Helen, Anne đã nhận lời.
Tuy nhiên, không giống như những đứa trẻ Anne tiếp xúc ở trường, Helen là một cô bé vừa bị mù vừa bị điếc. Một đứa bé học giao tiếp bằng cách nào khi nó không thể người khác nói để bắt chước, không thể nhìn để đoán biết ý nghĩa của lời nói qua nét mặt, cử chỉ và điệu bộ của người khác? Làm thế nào để một đứa bé không thể nghe, không thể nhìn có thể biết được những khái niệm, có thể hình dung được thế giới xung quanh nó? Cuối cùng, cô giáo Anne không nghĩ ra được cách truyền đạt thông tin nào khác ngoài việc dùng các ngón tay.
Rồi một lần trong lúc Helen rửa tay dưới vòi nước, cô bé đã hiểu được nước là gì khi cô Anne dùng ngón tay tác động lên lòng bay tay của Helen để biểu tượng hóa từ “nước”. Lần đầu tiên Helen biết tên thứ cô bé vẫn uống hàng ngày khi khát, thứ mà cô dùng để tắm rửa, thứ thỉnh thoảng rơi từ trên cao xuống đầu cô.
Một lần khác cô Anne đưa cho Helen một con búp bê. Trong khi Helen chơi với con búp bê, cô Sullivan đánh vần từ “doll” (búp bê) lên lòng bàn tay của Helen. Cô bé rất thích thú với trò chơi dùng ngón tay này ngay lập tức và đã bắt chước cô giáo rất nhanh. Cô bé đi tìm mẹ và khoe với mẹ từ mới mà cô học được bằng ngôn ngữ của riêng mình. Mấy ngày sau, cô bé học được một loạt tên của những đồ vật quen thuộc như cái trâm, cái mũ, cái chén và biết được những động từ thông dụng như đi bộ, đứng, ngồi...
Sau khi được cô Anne dắt vào thế giới của ngôn từ, Helen bắt đầu được cô dạy chữ braille (chữ nổi, dành cho người khiếm thị) và sử dụng chiếc máy chữ dành cho người khiếm thị. Lên mười tuổi, Helen được Mary Swift Lamson dạy nói. Cuối cùng thì sau chín năm im lặng, cô bé mù và điếc đã biết nói: “Bây giờ tôi không còn câm nữa”!Thành công nhờ nỗ lực và cố gắng
Năm 16 tuổi, Helen vào học trường nữ sinh Cambridge và 4 năm sau trở thành sinh viên mù, điếc đầu tiên của Đại học Radcliffe. Tất nhiên là cô giáo Anne đã phải học cùng với Helen ở tất cả các cấp học. Helen luôn có cô Anne ngồi cạnh để viết lại nội dung bài giảng vào lòng bàn tay, còn cô dùng máy chữ để ghi lại bài giảng. Số lượng bài vở khổng lồ ở Đại học Radcliffe là một thách thức cực kỳ to lớn đối với cả hai cô trò, nhưng với sự kiên định của mình, Helen không chỉ hoàn thành tất cả các yêu cầu của một sinh viên, mà còn viết nên cuốn sách đầu tiên của cuộc đời bằng chữ braille, cuốn “Cuộc đời tôi”.
Cuốn sách được xuất bản trước khi Helen nhận bằng cử nhân một năm, đã gây xôn xao dư luận toàn nước Mỹ và đưa cô gái mù lòa vào đội ngũ các nhà văn thế giới. “Cuộc đời tôi” đã nhận được giải thưởng Văn học Mỹ, trở thành một trong những cuốn sách kinh điển của văn học thế giới và sau đó được chuyển thể thành kịch bản “Người sáng tạo kỳ tích”. Helen vinh dự và tự hào trở thành người mù và điếc đầu tiên tốt nghiệp đại học.
Hai năm sau ngày tốt nghiệp, Helen được vinh dự bầu vào chức chủ tịch hội người mù tiểu bang Massachusetts. elen đón tiếp rất nhiều người mù, trả lời nhiều thư từ và đi thuyết giảng lưu động tại 39 nước trên thế giới. Helen không quản ngại vất vả, cống hiến hết sức mình cho chương trình giáo dục và chữa trị cho người mù. Helen đã dùng chính ngôi nhà của mình làm trụ sở để gây quỹ từ thiện giúp người mù và điếc.
Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, Helen đã có mặt tại hơn 70 bệnh viện để an ủi, động viên thương bệnh binh kiên cường chống chọi với số phận, làm cho họ hiểu rằng tàn phế không có nghĩa là hết hy vọng trước cuộc sống.
Helen Keller đã cất công đi khắp thế giới để nói với những người cùng cảnh ngộ một điều giản dị: “Khuyết tật không phải là bất hạnh tột cùng của con người. Người mù không phải là thiên tài cũng không phải là một kẻ ngốc. Trách nhiệm của cộng đồng là giúp đỡ người đó làm hết khả năng của mình để có thể chiến thắng ánh sáng qua công việc”…
Cuộc đời vĩ đại phi thường của Helen Keller còn là nguồn cảm hứng của những nhà làm phim. Năm 1953, một bộ phim tài liệu có tên The Unconquored (Người không bị khuất phục) nói về cuộc đời Helen Keller được trao giải Oscar dành cho phim tài liệu hay nhất.