Chiêm ngưỡng các di tích văn hóa xứ Thanh trên sân khấu
Từ chủ đề “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, tác giả kịch bản- Tổng đạo diễn Lê Quý Dương phát triển chương trình trên ba chương: Địa linh nhân kiệt - Truyền thống anh hùng - Khát vọng thịnh vượng với 9 trường đoạn liên tục, liền mạch. Với trên 500 nghệ sĩ, diễn viên sẽ góp mặt trong Lễ “Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” tổ chức tối 8/5/2019 tại Quảng trường Lam Sơn, Thanh Hóa. Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của Thần Đồng Cổ trên sân khấu Quảng trường Lam Sơn.
Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía sân khấu là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh Thanh Hóa, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa.
Chương trình được dàn dựng kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong sự gắn kết chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại với mong muốn tạo tính hấp dẫn, đa dạng với nhiều yếu tố bất ngờ, hướng tới phục vụ đông đảo các tầng lớp khán giả. Đặc biệt, hơn 2.970 ống pháo hoa kỹ xảo sân khấu được chia thành ba lần trong chương trình, mỗi lần 990 ống tượng trưng cho “Lễ Kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa” sẽ tạo điểm nhấn tỏa sáng rực rỡ cho chủ đề của chương trình.
Toàn bộ chương trình được biểu tượng hóa thành câu chuyện kể của Thần Đồng Cổ. Một mặt trống đồng lớn đường kính 15m được thiết kế giữa trung tâm sân khấu. Từ mặt trống đồng trung tâm mở ra hai phía là các di tích văn hóa lịch sử xưa và các công trình hiện đại hôm nay như đền Đồng Cổ, Thành Nhà Hồ, Tượng đài Lê Lợi (bên trái), mô hình biểu tượng của tỉnh, cầu Hàm Rồng và các khu công nghiệp hiện đại (bên phải). Bao quanh sân khấu là 27 cột đuốc sừng sững tượng trưng cho 27 đơn vị hành chính của Thanh Hóa.
Sân khấu kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa được xây dựng công phu |
Các nghệ sĩ hồ hởi thể hiện nghệ thuật gần ngàn tuổi
Chương trình sẽ huy động một lực lượng nghệ sĩ, diễn viên hùng hậu với hơn 500 người, trong đó có nhiều nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam tham gia sáng tạo và biểu diễn trong chương trình như: NSND Hương Thơm, NSUT Mạnh Tiến, NSND Trương Hải Thọ, Nhạc sĩ NSƯT Thế Việt, NSND Trần Bình, họa sĩ Phạm Duy Phương; NSƯT Trọng Tấn, NSƯT Anh Thơ…
NSUT Mạnh Tiến - Giám đốc âm nhạc của chương trình 990 năm Thanh Hoá cho hay: “Thanh Hoá - mảnh đất Tam Vua Nhị Chúa có bề dày lịch sử chỉ sau Thăng Long, điều này khiến cho tất cả ekip chúng tôi đều rất tâm huyết, trăn trở là phải làm sao thể hiện đúng, đủ và đẹp về miền đất địa linh nhân kiệt này|.
990 năm là sự tổng hoà, giao thoa, đan xen, tiếp nối các giai đoạn lịch sử, các nét văn hoá đặc sắc giữa truyền thống và hiện tại. NSUT Tiến Mạnh và các nghệ sĩ khác cùng vận dụng những nét văn hoá nghệ thuật đặc trưng của trống hội, tuồng cổ, hò sông Mã, chèo truyền thống, trống đồng, ngâm vịnh, đồng dao, các thể văn tế đến các ca khúc cách mạng và trữ tình...
Thông qua các loại hình nghệ thuật, nhất là nghệ thuật âm nhạc sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu biết trân trọng lịch sử văn hoá của quê hương mình, dân tộc mình một cách sâu sắc, dễ hiểu và trọn vẹn hơn! “Tôi tâm niệm rằng làm việc bằng trái tim sẽ đến với trái tim”- NSUT Tiến Mạnh hồ hởi. NSND Hương Thơm cũng không giấu sự xúc động khi dàn dựng màn sử thi, màn tuổng cổ, đặc biệt là trích đoạn Vua Lê Lợi.
Ca sĩ Trọng Tấn đã từng tham gia nhiều chương trình lễ lớn của đất nước, những chương trình dấu ấn lịch sử như “1000 năm Thăng Long” “Lễ Hội Đền Hùng” “Lễ Hội Tràng An”...... Nhưng lần này, ca sĩ cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì được hát trong chương trình. “Một chặng đường lịch sử gần ngàn năm và một vùng đất đầy tiềm năng cho một tương lai phát triển mạnh mẽ. Tấn không bị áp lực mà chỉ thấy vô cùng tự hào và háo hức được trở về với quê hương trong dịp ý nghĩa này” - Trọng Tấn tâm sự.
Với ca khúc “Chào sông Mã anh hùng”, Trọng Tấn có rất nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Một bài hát đã là niềm tự hào và là bài tỉnh ca của Thanh Hoá, ca khúc đã ra đời và nổi tiếng ngay trong thời bom đạn. Ca khúc với chất liệu âm nhạc hào sảng và mạnh mẽ nhưng lại tha thiết như chính tính cách của con sông Mã quê Tấn: “Trọng Tấn đã hát nhiều lần trong các lễ hội lớn của tỉnh nhưng nhớ nhất và ấn tượng là lần quay hình MV này khi phải trèo lên tận núi Hàm Rồng để có những thước phim đẹp về con sông Mã, có đứng trên đỉnh núi mới thấy hết sự hùng vĩ và vô cùng đẹp của con sông, mình như thấy mạch nguồn giọng hát của mình như cũng từ nơi ấy. Đây là dịp Trọng Tấn lại được hát với cả vạn khán giả tỉnh nhà. Tấn gửi cả trái tim và nhiệt huyết của mình cho ca khúc quan trọng này và mong rặng khán giả cũng sẽ một lần nữa rung động tự hào với giai điệu của “Chào sông Mã anh hùng”.
Núi Hàm Rồng |
Dự kiến đón hàng vạn du khách
Ngoài chương trình “Tỏa sáng cùng non sông đất nước”, các hoạt động khác sẽ diễn ra gồm: cuộc thi tìm hiểu “990 năm danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương”; Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”; Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa. Về cuộc thi tìm hiểu “990 năm danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương” dự kiến tổ chức tổng kết và trao giải vào ngày 3-4.5. Triển lãm “Thanh Hóa xưa và nay”, với hơn 2.100 tư liệu, tài liệu, hình ảnh sẽ được trưng bày tại triển lãm, dự kiến sẽ khai mạc vào ngày 5.5.2019.
Ngoài ra tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai lễ khởi công, động thổ, khánh thành nhiều dự án chào mừng lễ kỷ niệm như: Khởi công đường từ trung tâm TP Thanh Hoá nối với đường giao thông cảng hàng không Thọ Xuân đi khu kinh tế Nghi Sơn; lễ động thổ thành phố giáo dục quốc tế Thanh Hoá; khởi công dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp tại huyện Nông Cống; khánh thành Bệnh viện đa khoa quốc tế Hợp Lực...
Ông Phạm Đăng Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, chương trình kỷ niệm “990 năm Thanh Hóa” sẽ được tổ chức quy mô hoành tráng nhưng trên tinh thần không lãng phí, hết sức tiết kiệm và kinh phí chủ yếu được xã hội hóa, không dùng ngân sách chi cho việc này.
Lễ kỷ niệm 990 năm Thanh Hóa nhằm tuyên truyền rộng rãi để các tầng lớp nhân dân hiểu biết sâu sắc về giá trị, ý nghĩa lịch sử, sự ra đời Danh xưng Thanh Hóa với tư cách là đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương; đồng thời giới thiệu, quảng bá nét đẹp của vùng đất và hình ảnh con người xứ Thanh, các tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế, du lịch của Thanh Hóa tới bạn bè, du khách trong và ngoài nước. Theo dự kiến, dịp này, Thanh Hóa sẽ đón hàng vạn du khách.
Người xưa có câu: “Vua xứ Thanh, thần xứ Nghệ”. Vùng Ái Châu, tức Thanh Hóa được xem là nơi phát tích của hầu hết các dòng họ vua, chúa Việt xưa. Đất Thanh Hóa, trải qua các đời có nhiều tên gọi khác nhau. Xưa thuộc bộ Cửu Chân, đời Tần thuộc Tượng Quận, đời Triệu là quận Cửu Chân…
Tên gọi Ái Châu quen thuộc được biết đến vào thời Lương Vũ Đế nhà Lương. Đến thời nhà Lý được đổi làm phủ Thanh Hóa, tên gọi Thanh Hóa từ đó mà được biết đến. Kể từ khi nước ta có vua thời Văn Lang cho đến khi kết thúc chế độ phong kiến cuối cùng là nhà Nguyễn vào năm 1945 với vua Bảo Đại, thì Thanh Hóa chính là nơi khởi nguồn của nhiều dòng vua, chúa nhất nước.
Không chỉ là nơi phát vua, phát chúa, Ái Châu – Thanh Hóa còn nhiều lần đóng vai trò trung tâm của đất nước khi từng giữ vị trí là đất Thần Kinh. Cụ thể là Tây Đô thời Hồ với thành An Tôn, hay Tây Giai (1400 - 1407). Khi vua Lê Trang Tông phục quốc bên Ai Lao năm Quý Tỵ (1533), đến năm Quý Mão (1543) cũng chọn xứ Thanh để đóng làm nơi phát binh Bắc tiến đánh Thăng Long diệt Mạc.
Năm Bính Ngọ (1546) thì lập điện để ở tại sách Vạn Lại, nay thuộc huyện Thọ Xuân, Thanh Hóa tạo nên Nam triều để phân biệt với Bắc triều của nhà Mạc ở Thăng Long. Ngày nay, Thanh Hóa là một trong 63 tỉnh, thành phố của đất nước, được xếp theo vị trí địa lý là tỉnh mở đầu vùng Bắc Trung Bộ.