Bi kịch bị “cấm” gặp con
Một câu chuyện thường gặp là sau khi ly hôn, bên được giao quyền nuôi con có thể vì ghét bỏ, vì định kiến hoặc hẹp hòi đã ngăn cản vợ/chồng cũ gặp gỡ, tiếp cận, thực hiện nghĩa vụ với con.
Mới đây, chị Ngô Thị Lệ T, ngụ Bến Lức, Long An đã lên một diễn đàn tâm sự hôn nhân, gia đình để xin tư vấn chuyện nhà. Chị T và chồng cũ kết hôn năm 2016 và ly hôn năm 2021. Chị T học chưa ra trường đã lấy chồng, từ khi lấy chồng, sinh con nghỉ không đi làm nên bước khỏi nhà chồng với hai bàn tay trắng. Không đủ sức nuôi con nên chị đồng ý giao con cho nhà chồng nuôi, chị một thân một mình lên TP HCM thuê nhà trọ, phụ bán quán cà phê để mưu sinh.
Chị T cho biết, chị rất khó khăn trong việc tiếp cận con vì bị chồng cũ và gia đình chồng cũ ngăn cản. Khi chị ở xa, gọi điện cho con thì hiếm lắm mới gặp được con một lần, chỉ nói được vài phút đã phải cúp máy. Nhà chồng cũ đều lấy cớ cháu bận học. Chị tranh thủ ngày nghỉ chạy về thăm con cũng không được gặp vì nhiều lý do. Quá nhớ con, chị T lên diễn đàn xin được tư vấn làm cách nào để có thể gặp con mà không bị cản trở.
Một trường hợp từng xôn xao cộng đồng mạng trước đây khi người chồng sau ly hôn bị nhà vợ cũ cấm cản không cho gặp con. Anh đã chờ trước nhà vợ suốt nhiều ngày trời chỉ để có thể gặp con trước cánh cổng rào của căn nhà.
Hay như vụ án gây phẫn nộ dư luận diễn ra trong năm 2021, bé V.A tử vong vì bị bạo hành. Trước đó, em cũng có một gia đình hạnh phúc, được sống trong vòng tay yêu thương của cha mẹ. Tuy nhiên, sau biến cố gia đình tan vỡ, em trai em ở với mẹ, em sống với cha và bạn gái của cha. Suốt quãng thời gian dài, hai mẹ con bị cấm cản không cho gặp gỡ nhau. Đó cũng là lý do khiến bé gái bị hành hạ mà không ai biết, không được “giải cứu” kịp thời dẫn đến mất mạng.
Giữ tình thương cho con
Không ít người, sau khi gia đình tan vỡ, dẫu không cấm cản đối phương lui tới chăm nom con mình nhưng lựa chọn cách “nguy hiểm” hơn là tiêm nhiễm vào đầu con trẻ những ác ý, định kiến về cha, mẹ chúng. Việc này khiến cho tình cảm giữa con cái và cha mẹ bị rạn nứt, có khoảng cách, thậm chí bản thân con không muốn nhìn mặt, không muốn gặp mặt cha, mẹ mình.
Như trường hợp diễn ra trong phiên tòa mới đây tại TP HCM, hai vợ chồng ly hôn, tranh chấp tài sản nhiều năm vẫn chưa ngã ngũ. Các con đứng về phía người mẹ, ủng hộ mẹ tranh chấp với cha đến cùng. Ngay cả khi những phương án hòa giải đã được tòa đưa ra và người cha đồng thuận thì các con cũng nhất quyết không cho mẹ hòa giải, đòi để cha mình “trắng tay” thì thôi.
Khi xưa họ từng là một gia đình êm ấm, người cha ấy cũng từng bồng bế các con trên tay, chăm con lúc ấu thơ, từng làm lụng vất vả nuôi con ăn học. Nhưng từ sau lỗi lầm của ông trong hôn nhân khiến gia đình tan vỡ, cái nhìn của vợ, của các con hướng về ông chỉ toàn là thù hận. Nhìn đôi vai còng của người cha trước phiên tòa, người tham dự chỉ biết thở dài, vừa trách mà cũng vừa thương cho ông.
Mỗi một cuộc hôn nhân tan vỡ, chắc chắn người trong cuộc không thể tránh khỏi sự tổn thương. Nhất là khi lỗi lầm phần nhiều lại thuộc về một trong hai người. Tuy nhiên, sự thù hận, cố chấp chỉ làm cho mọi thứ thêm khó khăn sau hôn nhân, mọi thái độ chống đối cũng chỉ là để thỏa mãn cái tôi của bản thân mà thôi. Một khi người nuôi dưỡng con trẻ dùng thái độ tiêu cực để ứng xử với đối phương, người tổn hại không chỉ là chồng hay vợ cũ, mà là những đứa trẻ.
Bên cạnh pháp luật của Nhà nước bảo vệ trẻ em hậu ly hôn, còn có đạo lý ở đời, pháp luật của lương tâm. Bậc cha mẹ nào cũng hiểu trẻ thơ vô tội sẽ phải hứng lấy sự bất công khi không nhận được tình thương, sự chăm sóc và nghĩa vụ từ phía cha mẹ, dẫu không còn sống chung. Bi kịch hơn nữa khi những đứa trẻ phải mang gánh nặng thù hận cha mẹ mình, để rồi có một đời sống tình cảm đầy khiếm khuyết, nhận thức lệch lạc, ảnh hưởng đến sự phát triển suốt cả chặng đời sau này.
Để bảo vệ trẻ em hậu ly hôn, pháp luật đã có những quy định cụ thể như, theo khoản 3 Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, sau khi vợ, chồng ly hôn, không ai được quyền ngăn cản người không trực tiếp nuôi con được thăm nom con. Cả hai người đều phải tôn trọng quyền được nuôi con của người được Tòa giao nuôi con, quyền được thăm con và nghĩa vụ cấp dưỡng của người không trực tiếp nuôi con. Đồng thời, Điều 2 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định, việc ngăn cản con gặp cha, mẹ khi người này không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn là một trong các hành vi bạo lực gia đình. Hành vi ngăn cản quyền nuôi con sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền theo quy định của Nghị định 144/2021/NĐ-CP.